Quy định của WTO về kinh tế thị trường

05/08/2008 12:00 - 4102 lượt xem

Do các hiệp định của GATT/WTO không có quy định về các tiêu chí xác định tính chất thị trường hoặc phi thị trường của một nền kinh tế, nên vấn đề phương pháp xác định hoặc mặc nhiên coi thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý và lập pháp của từng quốc gia.

Tuy nhiên, các nguyên tắc và hiệp định của WTO được xây dựng dựa trên nguyên tắc của thị trường. Các nước gia nhập WTO phải cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường, tuân thủ các nguyên tắc của WTO, mà về thực chất là nguyên tắc của thị trường. Đó là:

Thương mại không phân biệt đối xử: Được thể hiện thông qua quy chế tối huệ quốc (MFN) và quy chế đãi ngộ quốc gia (NT). Mục đích của các quy chế này là bảo đảm bình đẳng trong gia nhập thị trường. Nguyên tắc này còn quy định không có thiên vị trong việc hưởng ưu đãi từ Nhà nước về chính sách thuế và trợ cấp...

Thương mại ngày càng tự do hơn: WTO thúc đẩy tự do hoá và gia nhập thị trường, thể hiện thông qua việc cắt giảm và từng bước bãi bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

Đảm bảo tính minh bạch, dễ dự đoán trong chính sách thương mại: Bảo đảm công khai, minh bạch và khả năng giải trình về sự can thiệp chính sách của Nhà nước, các thành viên trong và ngoài nước được bình đẳng trong tiếp cận thông tin...

Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh: bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, giá cả không bị bóp méo, mang tính thị trường (chẳng hạn chống hành vi bán phá giá).

Thúc đẩy phát triển và cải cách kinh tế: Thúc đẩy cải cách định hướng thị trường; tạo điều kiện cho Chính phủ khắc phục các dạng “thất bại” của thị trường, thông qua ưu đãi thuế quan và thực hiện các dạng trợ cấp được phép, ví dụ, để hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, bảo hộ nền sản xuất trong nước trong trường hợp bị tổn thương...

Các nước xin gia nhập WTO phải cam kết cải cách kinh tế theo hướng đáp ứng các yêu cầu thị trường nói trên, tức là không được tạo ra những rào cản bóp méo thị trường. Vấn đề kinh tế thị trường thể hiện rất rõ trong một số hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới như Hiệp định chống bán phá giá, Định giá hải quan, Hiệp định về trợ cấp...

Thực tế cho thấy, những nước có nền kinh tế chuyển đổi hay là có nền kinh tế tập trung, gia nhập WTO rất khó khăn. Chẳng hạn như Trung Quốc và Việt Nam gần đây, hay các nước Đông Âu mà điển hình là Liên bang Nga, hiện nay vẫn chưa gia nhập được. Theo các thành viên của WTO, những nước kinh tế tập trung, kinh tế chuyển đổi là những nước có mức độ phát triển kinh tế thị trường thấp, chính vì vậy, muốn trở thành thành viên WTO các nước này phải có một thời gian nhất định để cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Chẳng hạn như Trung Quốc là 14 năm, Việt Nam là 11 năm, Liên Bang Nga đã đàm phán hơn 10 năm rồi mà vẫn chưa được kết nạp. Các nước như Trung Quốc, Việt Nam, sau khi trở thành thành viên của WTO vẫn phải chấp nhận một thời gian là kinh tế phi thị trường, Trung Quốc là 15 năm, Việt Nam là 12 năm. Tức là những nước này vẫn phải tiếp tục cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường.

Mặc dù WTO không có các điều khoản riêng quy định về tính chất thị trường của nền kinh tế. Tuy nhiên, các nước thành viên của WTO vẫn đưa vào trong nội luật của mình các quy định về kinh tế thị trường và lấy đó làm căn cứ trong các vụ điều tra về chống bán phá giá đối với các nước bị coi là kinh tế phi thị trường. Chẳng hạn như EU và Hoa Kỳ là hai nước áp thuế chống bán phá giá nhiều nhất đối với các nước xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường của họ. Và chừng nào họ vẫn chưa chấp nhận một nước nào đó có nền kinh tế thị trường thì việc nước bị coi là kinh tế phi thị trường vẫn chịu thiệt thòi trong buôn bán thương mại, chẳng hạn như Việt Nam và Trung Quốc, hai nước gần đây bị áp thuế bán phá giá đối với nhiều mặt hàng.

05/08/2008

Nguồn: vinanet.com.vn
Quảng cáo sản phẩm