Sức ép bảo hộ: Doanh nghiệp phải nâng sức "chiến đấu"

26/02/2017 12:00 - 2808 lượt xem

(HQ Online)- Thế giới hiện đang nổi lên xu thế lập ra các rào cản và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch để bảo vệ hàng hóa, sản phẩm trong nước. Chính vì thế, để giữ vững kim ngạch XK, đảm bảo khả năng doanh thu và bán hàng, các DN Việt buộc phải nâng cao sức "chiến đấu", với chiến lược mạnh mẽ hơn.

Khó khăn tăng lên
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết được 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), giúp hàng hóa Việt Nam được giảm thuế sâu, nhiều mặt hàng còn được hưởng thuế 0%. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế khi hàng rào thuế quan hạ xuống thì hàng rào kỹ thuật lại dựng lên, hầu hết FTA đã ký kết đều có chương quy định về hàng rào kỹ thuật. Không chỉ là những hàng rào kỹ thuật, mà gần đây, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã nổi lên với nhiều quyết định từ lãnh đạo các nền kinh tế lớn.

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), đến nay, hàng XK của Việt Nam đã đối mặt với trên 80 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường XK, trong đó phần lớn là vụ kiện bán phá giá, chống trợ cấp. Các mặt hàng kim ngạch XK cao có nhiều nguy cơ đối mặt với các vụ kiện nhiều nhất như: Da giày, thép, tôm, thủy sản… Chính thực trạng trên đã gây không ít lo ngại cho các DN, nhất là những DN nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, mặc dù kim ngạch XK của ngành gỗ chưa phải lớn, nhưng thời gian qua XK ngành gỗ gặp nhiều khó khăn khi nhiều thị trường NK yêu cầu chất lượng phải đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc, chứng chỉ hợp pháp… Những yêu cầu và rào cản này đã gây nhiều bất lợi cho các DN, nhiều DN không đáp ứng được nên không thể đưa hàng XK, trong khi thị trường nội địa không có nhiều cơ hội để bán hàng.

Cùng với việc đặt ra những rào cản thương mại, không ít quốc gia còn bảo hộ bằng cách thực hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, các vụ kiện phòng vệ thương mại gây thiệt hại lớn về tài chính cho DN, kim ngạch XK giảm và DN có thể bị mất thị trường. Hơn nữa, mặc dù ngành thép Việt Nam bị kiện nhiều và đi kiện cũng không ít nhưng DN vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức nên chưa có ý thức phồi hợp với các cơ quan Nhà nước để điều tra, cung cấp số liệu, thông tin…

Doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn
Tuy nhiên, với các biện pháp bảo hộ này, dù nổi lên thành xu hướng, nhưng theo các chuyên gia, đây là những biện pháp mang tính ngắn hạn, bởi nó có thể đảo ngược lại, gây hại đến chính nền kinh tế và DN của quốc gia đó. Nên trong trước mắt, DN Việt Nam phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, chứng tỏ được bản lĩnh của mình để không làm mất đi những thị trường trọng điểm. Để tiến tới những thị trường chiến lược, đối phó với các biện pháp phòng vệ cũng như bảo hộ thương mại thì DN phải xác định “sống chung” với xu thế này. Từ đó, các DN phải tìm cho mình những chiến lược để phát triển.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Pha, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất & XNK Phương Thanh chia sẻ, số lượng DN sản xuất, XK lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khá nhiều và các nước cũng đòi hỏi tiêu chuẩn khá khắt khe. Vì thế, Công ty đã lựa chọn hướng đi “ngách” là thủ công mỹ nghệ dành riêng cho trang trí sân vườn, chủ yếu XK sang Nhật Bản, EU hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây lại là những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, phong cách văn hóa khác biệt nên Công ty đã phải từng bước đổi mới trang thiết bị để sản xuất, đáp ứng đúng yêu cầu khách hàng. Nhờ đó, giá trị sản phẩm XK không những cao hơn mà lại chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh.

Với các DN ngành gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, để ứng phó với các rào cản thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, các DN đang tích cực tìm hiểu các thông tin về FTA, tìm hiểu kỹ thị trường cũng như những quy định của các thị trường đó để chủ động hơn cho hoạt động XK, có những sự chuẩn bị cần thiết để đối phó.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, khi tham gia các tổ chức thương mại quốc tế, năng lực hội nhập theo các thông lệ quốc tế đang là hạn chế của DN Việt Nam. Chính vì thế, DN Việt đang phải vừa làm vừa học, nâng cao trình độ am hiểu luật pháp quốc tế, công nghệ, ngoại ngữ...  Hơn nữa, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, DN phải có quy mô và trình độ công nghệ, phải nâng cao hiện đại hóa thiết bị, ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có quy hoạch, có cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện DN trong nước đầu tư xây dựng một vài trung tâm sản xuất thép quy mô lớn, tập trung, cỡ khoảng 5-10 triệu tấn/năm, giảm sự phân tán, nhỏ lẻ như hiện nay thì mới cạnh tranh được.

Có thể thấy, những giải pháp để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đều xuất phát từ tự thân DN, các DN phải có ý thức nắm bắt thông tin về thị trường, về pháp luật, những bước phát triển quan trọng trong quá trình tự do hóa thương mại, cũng như các công cụ phòng vệ thương mại; bên cạnh đó, các DN cũng phải tìm cách liên kết lại giữa DN với DN, DN với Hiệp hội và cơ quan có thẩm quyền...
Nguồn: Báo Hải quan
Quảng cáo sản phẩm