Thách thức trên “sân chơi” AEC (Kỳ 3)

06/01/2017 12:00 - 1193 lượt xem

Bài 3: Cuộc chơi không dành cho ngắn hạn

Nhìn lại một năm Việt Nam gia nhập AEC, cơ hội và thách thức đã dần “lộ diện” một cách rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp (DN) nước ta. Có thể những kỳ vọng sớm tạo được sự đột phá trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào thị trường ASEAN đã vơi đi nhưng điều đó lại là cơ sở để các DN thấy được những điểm mạnh, yếu của mình, từ đó cơ cấu lại, hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững.

Chấp nhận thách thức

Với việc gia nhập AEC, các DN Việt Nam được một thị trường ASEAN rộng lớn, quy mô hơn 600 triệu dân, không có rào cản thuế quan với các quy trình lưu chuyển hàng hóa thống nhất và thuận lợi cùng cơ chế một cửa ASEAN. Tuy nhiên, những số liệu về xuất, nhập khẩu sau một năm gia nhập AEC cho thấy, DN nước ta dường như bị “hụt hơi” trên “sân chơi lớn” AEC. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 17,4 tỷ USD, song tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan chỉ khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đã sụt giảm sau một năm tham gia AEC, trong khi kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng lại tăng đột biến. Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến DN trong nước chưa tận dụng được cơ hội từ AEC là do thiếu thông tin. Điều tra của VCCI vào tháng 4-2016 cho thấy, có 94% số DN đã biết về AEC nhưng trong đó chỉ hơn 16% là hiểu rõ các cam kết của AEC.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định: Khi nói đến hội nhập AEC, chúng ta hướng quá nhiều đến xuất khẩu hàng hóa, trong khi các lĩnh vực dịch vụ khác có rất nhiều cơ hội phát triển thì DN lại ít chú trọng. Chẳng hạn như du lịch, DN Việt Nam vẫn chưa khai thác được thị trường du lịch ASEAN. Nếu chỉ nhìn nhận giới hạn ở xuất khẩu hàng hóa, DN sẽ không thể tranh thủ được cơ hội lớn từ AEC. Cùng quan điểm này, Giám đốc Trung tâm WTO Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ: Nhiều ý kiến cho rằng, 10 nền kinh tế trong khối ASEAN có cơ cấu hàng hóa gần giống nhau, cạnh tranh nhau khốc liệt, vì thế lợi ích thu được không nhiều. Nhưng lý thuyết kinh tế hiện đại đang hướng tới người tiêu dùng, có nghĩa là cùng một loại sản phẩm nhưng mỗi đối tượng tiêu dùng có nhu cầu khác nhau. Do đó, nếu DN sáng tạo, cung cấp nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng thì vẫn có thể thắng trên thị trường AEC.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh đánh giá: Kim ngạch xuất, nhập khẩu là chỉ số quan trọng nhưng không nên chỉ nhìn vào đó để đánh giá một cách ngắn hạn cả quá trình hội nhập AEC. Vì bản chất AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải một thỏa thuận hay một hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây, thông qua việc thực hiện các cam kết tại các hiệp định cụ thể về thương mại đã ký. Hội nhập đương nhiên không chỉ toàn “hoa thơm trái ngọt” cho tất cả các DN, mà sẽ có một bộ phận không nhỏ DN không chịu nổi sức ép cạnh tranh, buộc phải phá sản, giải thể hoặc tái cơ cấu, thay đổi phương thức, loại hình sản xuất cho phù hợp. Và bên cạnh những DN phải rời khỏi “cuộc chơi”, sẽ có nhiều DN lớn lên, trưởng thành trong hội nhập.

Cơ hội để DN tái cơ cấu

Bao giờ cũng thế, trong quá trình hội nhập thời cơ và thách thức luôn đan xen nhau. Bài học kinh nghiệm cho các DN sau một năm tham gia AEC chính là phải chủ động trong hội nhập mới có thể hưởng lợi. Tất nhiên, để chủ động được, nhất thiết DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong lĩnh vực công nghiệp, đối với những ngành hàng lợi thế lớn như dệt may, da giày cần được tiếp sức nhiều hơn nữa để chiếm lĩnh thị trường ASEAN. Đơn cử như ngành dệt may, trong 10 nước thành viên khối AEC, có In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Thái-lan, Mi-an-ma làm hàng dệt may xuất khẩu, nhưng thực tế, DN dệt may nước ta chỉ phải cạnh tranh mạnh với Thái-lan vì đây là quốc gia có trình độ công nghệ, quản trị nhân lực cao, ngành thời trang rõ ràng, hệ thống phân phối rộng. Sau một năm gia nhập AEC, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng không đáng kể, đã chứng tỏ cái khó không hẳn nằm ở sự tương đồng về hàng hóa nội khối hay thiếu thị trường mà mấu chốt chính là chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của các nước nhập khẩu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương nhận định, DN dệt may Việt Nam chưa được đầu tư bài bản về chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã để tạo ra sự khác biệt. Trong khi việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng chưa được đầu tư công phu để tạo ra được những “làn sóng” mua sắm của người tiêu dùng. Chính vì vậy, DN cần thay đổi về tư duy thị trường và phương thức kinh doanh. Đồng thời, phát triển hệ thống phân phối rộng khắp, thậm chí, có thể tranh thủ địa điểm bán hàng, hệ thống phân phối của DN nước ngoài để phát triển sản phẩm của mình bằng cách cung cấp sản phẩm tốt, giá cạnh tranh. Nếu không, các DN trong ASEAN sẽ sớm “thôn tính” thị trường dệt may Việt Nam với hướng đi bài bản, chiến lược kinh doanh sâu rộng trong việc đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ.

Đối với ngành nông nghiệp, không có sự lựa chọn nào khác là nâng cao chất lượng nông sản và thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến theo chuẩn VietGap, GlobalGap để sản phẩm làm ra đáp ứng được các cam kết khắt khe trong hội nhập. Muốn làm được điều đó, cần sự phối hợp từ đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, sự vận động sáng tạo, nâng cao trình độ, tích lũy của DN cộng với kỹ năng, nhận thức của các hộ sản xuất trong quá trình toàn cầu hóa. Bởi lẽ, thực tế hiện nay, sự chênh lệch về trình độ phát triển của Việt Nam so với một số nước ASEAN đang thể hiện cả ở quy mô vốn của nền kinh tế, của các DN, đến trình độ khoa học - kỹ thuật, tay nghề lao động,... Do đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp và các DN còn thấp, khó cạnh tranh được với các nước như Thái-lan, thậm chí một số ngành hàng còn đấu không lại với cả Cam-pu-chia, Lào hay Ma-lai-xi-a. TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp nêu quan điểm: Nhà nước cần hỗ trợ DN nâng cao năng lực hội nhập trong AEC, các chính sách hỗ trợ cần đặc biệt quan tâm là tín dụng, thuê đất nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Ngoài ra, kiến thức, thông tin về AEC nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung cũng cần được phổ biến cho DN kịp thời, sát thực tế hơn nữa.

Để tháo gỡ các rào cản thương mại cũng như các rào cản kỹ thuật mà các nước ASEAN dựng lên để nhằm bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập khẩu, Trưởng phòng Xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) Nguyễn Thị Mai Linh cho rằng: Việt Nam cần sớm ký các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm, nhằm tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường ASEAN. Cụ thể, đề nghị Xin-ga-po sớm cho phép nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn sống và trứng gia cầm của Việt Nam; vận động Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái-lan đẩy nhanh quá trình cho phép nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam. Đặc biệt, kiến nghị sớm xem xét bổ sung danh sách các Phòng kiểm nghiệm của Việt Nam được phép cấp Giấy chứng nhận phân tích (CoA) đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật và tiến tới công nhận Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam; xem xét khả năng tiến hành đàm phán để ký Thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản.

Sau một năm tham gia AEC, cái được nhất của Việt Nam chính là việc chúng ta đã sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Không nên đánh giá kết quả năm đầu tham gia AEC không được như kỳ vọng mà nản chí dừng lại. Hội nhập là xu thế tất yếu, không thể cưỡng lại và trong quá trình đó, dừng lại hay chậm bước sẽ đồng nghĩa với thất bại. Cuộc chơi hội nhập không bao giờ dành cho những người có tầm nhìn, tư duy ngắn hạn. Chính vì thế, những công cụ của AEC không phải là “thuốc thần” cho DN, mà chỉ hỗ trợ, đem lại cơ hội mới cho DN tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, phân phối, lưu thông toàn cầu. Cùng với tiến trình tái cơ cấu DN, sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, các DN Việt Nam sẽ tạo dựng được vị thế xứng đáng, không bị hụt hơi trong “sân chơi” AEC.
Để tham gia AEC nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung một cách hiệu quả, năng lực của DN vẫn là yếu tố quyết định quan trọng. DN Việt Nam nhìn chung vẫn có tầm nhìn ngắn hạn, nếu không thay đổi, tự làm mới mình thì khó có thể nói đến chữ “thắng” trong hội nhập. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi thúc đẩy DN hội nhập. Chính sách thuế, tỷ giá, lãi suất, thủ tục hành chính… là những đòn bẩy giúp DN làm ăn hiệu quả.
Nguyên Phó Thủ tướng VŨ KHOAN

Nguồn: Báo Nhân dân
Quảng cáo sản phẩm