Thách thức từ các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép

17/05/2018 12:00 - 1524 lượt xem

“Không nên coi việc các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc là cơ hội xuất khẩu đối với thép Việt Nam”- Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khi nói về tình trạng các nước liên tục đưa ra những biện pháp bảo vệ ngành Thép trong nước thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất, các sản phẩm thép của Việt Nam sẽ phải đối mặt với số lượng các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng nhiều. Hiện tại, thép là ngành hàng của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất với 27 vụ việc, chiếm tỷ trọng khoảng 21%.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, đã xuất hiện cáo buộc của một số quốc gia cho rằng việc các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu phôi thép và thép cán nóng từ Trung Quốc để cán nguội và sản xuất các sản phẩm thép hạ nguồn là một hình thức lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mà các quốc gia này đã áp dụng đối với thép Trung Quốc.

Quan điểm của các quốc gia này là nếu tình trạng đó tiếp tục xảy ra thì không thể giải quyết được vấn đề dư thừa công suất, do vậy họ sẽ phải thay đổi các thông lệ về xác định quy tắc xuất xứ để phòng chống hiện tượng lẩn tránh thuế.

Theo ông Trần Quốc Khánh, đây chính là thách thức đòi hỏi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp thép Việt Nam phải có sự đồng hành liên kết tạo sức mạnh để cạnh tranh, trụ vững không chỉ trên sân nhà.

Có thể nói, “dư thưa công suất” là một trong những trở ngại lớn và gây tác động không nhỏ đến ngành thép của các nước trên thế giới. Theo Ủy ban Thép của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng sản xuất thép thế giới đã tăng gấp đôi từ năm 2000 - 2016 (từ 1,05 - 2,39 tỷ tấn). Công suất sản xuất thép trên thế giới trong năm 2015 đã vượt nhu cầu khoảng 700 triệu tấn và 800 triệu tấn trong năm 2016.

Nguyên nhân được cho là do sự gia tăng sản xuất của Trung Quốc, theo đó năm 2006, nước này mới sản xuất 488 triệu tấn nhưng đến năm 2016 đã sản xuất 1,16 tỷ tấn thép.

Số liệu từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cũng cho hay, tính đến tháng 4/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra và áp dụng 437 lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp, trong đó 225 lệnh là liên quan đến sản phẩm thép.

Tiếp đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã tự khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu với lý do lo ngại thép bị chặn khi vào Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng sang thị trường các nước trong Liên minh châu Âu.

Một số quốc gia khác như Canada, Ấn Độ, Thái Lan cũng đã đánh tiếng về khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ chuyển hướng thương mại do các biện pháp của Hoa Kỳ và EC.

Theo số liệu của OECD, Việt Nam cũng là quốc gia có sự gia tăng mạnh mẽ công suất sản xuất thép. Tính trong vòng 10 năm, từ năm 2006 – 2016, Việt Nam đã tăng công suất sản xuất thép từ 1,5 triệu tấn lên đến 21,15 triệu tấn.

Mặc dù sự gia tăng của năng lực sản xuất chủ yếu để cung cấp cho nhu cầu trong nước, tuy nhiên trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm thép. Khối lượng xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam đã tăng từ 1,9 triệu tấn năm 2012 lên 5,5 triệu tấn năm 2017 (số liệu từ Tổng cục Hải quan).

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, các doanh nghiệp cần tỉnh táo nhìn nhận bức tranh tổng thể để thấy việc tăng công suất, tăng đầu tư hướng đến xuất khẩu vào giai đoạn này là rất rủi ro.

Thay vào đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chiến lược kinh doanh thận trọng. Đặc biệt, không nên coi việc các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc là “cơ hội xuất khẩu” đối với thép Việt Nam.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính tới hết tháng 3/2018, Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm đạt trên 1,43 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,04 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 57% về giá trị.

Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu đạt trên 834.000 tấn thép, chiếm trên 50% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu; tiếp đó là Hoa Kỳ khoảng 15,17%; EU 9,79%; Đài Loan 3,9%; Hàn Quốc 3,6%...

Theo nhận định của một số chuyên gia ngành Thép, thời gian tới, việc xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định bởi các nước đã và đang tiếp tục khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép của Việt Nam.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm cho mình thêm những thị trường mới và đặc biệt chú trọng tới thị trường tiêu thụ trong nước để giữ vững ổn định sản xuất, doanh thu và việc làm cho người lao động.
Nguồn: Báo Xây dựng
Quảng cáo sản phẩm