Thế giới đang đối mặt với chiến tranh thương mại

13/01/2009 12:00 - 1321 lượt xem

Cập nhật : 12/01/2009 08:56

Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Washington vừa qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tuân thủ những nguyên tắc thị trường tự do. Tuy nhiên, tuyên bố Washington chưa ráo mực, nhiều nước đã quay lưng lại với những cam kết ấy.
Thế giới đang đối mặt với chiến tranh thương mại

Bóng ma chủ nghĩa bảo hộ

Chỉ ba ngày sau tuyên bố Washington, ngày 18/11/2008, Ấn Độ đã tăng thuế suất nhập khẩu dầu đậu nành thêm 20% để bảo hộ nông dân trong nước khi giá dầu ăn trên thị trường thế giới giảm mạnh. Đầu tháng này Indonesia bắt đầu hạn chế nhập khẩu ít nhất 500 mặt hàng, đòi doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy phép đặc biệt và phải nộp một khoản lệ phí mới. Nga đã tăng thuế suất nhập khẩu xe hơi, thịt heo và thịt gia cầm. Từ ngày 10/12/2008, thuế nhập khẩu xe hơi vào Nga tăng thêm 35% nhằm bảo hộ ngành công nghiệp xe hơi nội địa đang chật vật vì sức tiêu thụ giảm sút. Tuần trước 3.000 công nhân bốc xếp tại hải cảng Vladivostock - mà thu nhập chính dựa vào nguồn xe hơi nhập khẩu, đã biểu tình phản đối biện pháp tăng thuế này. Xung đột với cảnh sát đã xảy ra và đã có 15 người bị bắt. Thủ tướng Nga V. Putin vừa tỏ ý sẽ tăng 15% thuế nhập khẩu thiết bị nông nghiệp, riêng việc tăng thuế nhập khẩu thịt gia cầm đã làm căng thẳng quan hệ thương mại với Mỹ vì Nga là thị trường tiêu thụ nhiều gia cầm của Mỹ nhất, năm nay dự kiến nhập khẩu 740 triệu đô-la. Ở Nam Mỹ, các chính phủ Argentina và Brazil đang tìm cách nâng thuế suất nhiều mặt hàng nhập khẩu, từ rượu vang đến hàng dệt may, hàng da giày và trái cây…

Ngoài việc "che chắn" cho nền sản xuất trong nước trước sức tấn công của hàng hóa nhập khẩu, nhiều nước đang ra sức nâng đỡ các ngành công nghiệp ốm yếu. Pháp vừa khai trương một quỹ của nhà nước nhằm bảo vệ các công ty Pháp khỏi sự thôn tính của nước ngoài. Tại Mỹ, quyết định của Nhà Trắng tài trợ 17,4 tỉ đô-la Mỹ cho ngành xe hơi đang bị giới phân tích đánh giá là một hành động trợ cấp không công bằng, đặt các đối thủ cạnh tranh vào vị trí bất lợi. Quyết định của Mỹ đã bật đèn xanh cho nhiều quốc gia khác bỏ ra những khoản tiền lớn để cứu nguy ngành xe hơi như Canada, Hàn Quốc, Cộng hòa Czech v.v…

Theo các nhà phân tích, trong thời buổi khó khăn, các quốc gia càng có xu hướng “ngăn sông cấm chợ” và thường gây ra những hậu quả kinh khủng. Những hạn chế thương mại nhằm bảo vệ thị trường nội địa-mà nhiều nước áp dụng năm 1930 chẳng hạn đã leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại, khiến cho cuộc Đại Suy thoái bị kéo dài và nghiêm trọng hơn.

Viễn cảnh chiến tranh thương mại

Mặc dù quy mô của những động thái này vẫn còn tương đối hẹp song các nhà quan sát cảnh báo trong những tháng tới chúng có thể lan rộng thành một làn sóng bảo hộ thương mại. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn vì chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây ách tắc thương mại thế giới vốn đang đối mặt với đợt suy thoái đầu tiên kể từ năm 1982.

Cho đến nay phần lớn những biện pháp bảo vệ sản xuất nội địa mà các nước đưa ra vẫn còn nằm trong giới hạn của các điều luật thương mại quốc tế, nhưng xu thế chung hướng về chủ nghĩa bảo hộ có thể làm xói mòn những thành quả của tự do thương mại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc sẽ là người bị thiệt thòi nhiều nhất. Và theo giới quan sát, Trung Quốc hiện là nước khai thác triệt để những lỗ hổng trong các điều luật thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nhằm giảm thiểu những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước. Như một phản ứng đầu tiên với mưu toan này, chính phủ Mỹ cho biết sẽ nộp đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khiếu nại Trung Quốc áp dụng những biện pháp hỗ trợ không công bằng cho ngành xuất khẩu, bao gồm việc tài trợ bằng tiền, hoàn thuế xuất khẩu, cho vay ưu đãi và phá giá đồng bạc để giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu thường có khả năng canh tân, năng động và tạo ra công việc làm. Nếu chiến tranh thương mại gây ra “bế quan tỏa cảng”, làm sập tiệm các doanh nghiệp xuất khẩu thì các nhà cung cấp nguyên liệu cũng phải đóng cửa, nạn thất nghiệp gia tăng và chúng ta sẽ thấy tác động suy thoái xảy ra trong toàn bộ nền kinh tế”, giáo sư Eswar S. Prasad, khoa chính sách thương mại Đại học Cornell, nói.

Doha bế tắc

Cú đấm nặng nhất vào thương mại tự do toàn cầu có lẽ là sự bế tắc ngày càng trầm trọng của vòng đàm phán Doha của WTO. Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã chua chát thông báo rằng, vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các nền kinh tế lớn để khai thông cuộc thương thảo về thương mại trước khi năm 2008 kết thúc, như cam kết của Hội nghị thượng đỉnh G20. Sự ủng hộ đối với hiệp định thương mại mới đang lụi tàn khi các nước thành viên WTO đang cố gắng hết sức để ngăn chặn nạn thất nghiệp trong năm 2009.

Tại Mỹ, sự thay đổi chính quyền từ Tổng thống G. Bush sang Tổng thống B. Obama cũng đặt ra những trở ngại mới cho tự do thương mại. Giới quan sát cho rằng, đối với các hiệp định thương mại tự do không bị ràng buộc, tân Tổng thống Mỹ B. Obama có thái độ hoài nghi sâu sắc hơn nhiều so với những người tiền nhiệm G. Bush và B. Clinton. Trong thời gian tranh cử, ông Obama nhiều lần nói rằng, cần phải gia tăng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong các cuộc đàm phán tự do thương mại; ông hứa sẽ hiệu chỉnh Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã ký dưới thời tổng thống B. Clinton theo hướng đó. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Obama đã nhiều lần bỏ phiếu phản đối hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ với các nước Trung Mỹ và Caribbean vì cho rằng các điều khoản về lao động và môi trường chưa đủ mạnh mẽ... Có nhiều dữ kiện cho thấy rằng, thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu không phải là một nhiệm vụ ưu tiên trong nghị trình của chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama.

Và như vậy cũng có nghĩa là, tự do hóa thương mại toàn cầu tiếp tục bế tắc, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan tràn và chiến tranh thương mại là thảm họa đã được báo trước.

Nguồn: http://www.vcci.com.vn
Quảng cáo sản phẩm