Thông báo về việc lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ pháp lý (Notice of selection of legal service provider)

22/12/2023 03:19 - 12 lượt xem

Căn cứ Quyết định số 1739⁄QĐ-BCT ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành tiêu chí lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý trong các vụ kiện phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp tại WTO về phòng vệ thương mại, trên cơ sở nhu cầu thực tế, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) thông báo về việc lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ pháp lý để đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền Kinh tế thị trường của Việt Nam trong các vụ việc.

 

A- THÔNG TIN VỤ VIỆC

 

Ngày 08 tháng 9 năm 2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã gửi yêu cầu tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành cuộc rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR) để xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường (KTTT) của Việt Nam trong bối cảnh cuộc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với mật ong từ Việt Nam.

 

Ngày 23 tháng 10 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng cuộc rà soát CCR để xem xét lại vấn đề KTTT cho Việt Nam.

 

Theo thông báo khởi xướng, các bên quan tâm có quyền nộp Bình luận về vấn đề này và ý kiến phản biện trong thời gian quy định (theo thông báo cụ thể của DOC và có thể gia hạn).

 

Trừ khi được gia hạn, kết quả cuối cùng của CCR này sẽ được ban hành chậm nhất là ngày 26 tháng 7 năm 2024.

 

Do đây là một vấn đề phức tạp và được thực hiện theo luật pháp Hoa Kỳ nên cần phải thuê một đơn vị tư vấn pháp lý phù hợp để đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền KTTT của Việt Nam.

 

B – ĐIỀU KHOẢN GIAO VIỆC

 

Phạm vi công việc

 

Đơn vị tư vấn pháp lý được lựa chọn có nhiệm vụ thực hiện các công việc sau:

 

1.Cung cấp cho Chính phủ Việt Nam một chiến lược toàn diện và kế hoạch chi tiết cho quá trình tham gia CCR.     

 

2.Vận động các công ty và hiệp hội của Hoa Kỳ và Việt Nam và các bên liên quan khác ủng hộ việc công nhận nền KTTT cho Việt Nam.

 

3.Chuẩn bị danh sách các yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để chuẩn bị bình luận và ý kiến phản biện của Chính phủ Việt Nam trong vụ việc CCR.

 

4.Thay mặt Chính phủ Việt Nam chuẩn bị và nộp bình luận đúng hạn.

 

5. Hỗ trợ trong việc soạn thảo các ý kiến ủng hộ việc công nhận KTTT cho Việt Nam đối với các công ty, hiệp hội của Hoa Kỳ và Việt Nam và các bên liên quan khác, nếu cần. 

 

6. Phân tích ý kiến của các bên liên quan để chuẩn bị ý kiến phản biện.

 

7. Thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia phiên điều trần công khai nếu Bộ Thương mại tổ chức.

 

8. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, liên hệ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và các bên liên quan trong vụ việc CCR nếu cần.

 

9. Cập nhật kịp thời và thường xuyên diễn biến của vụ việc CCR cho Chính phủ Việt Nam.

 

C – TIÊU CHÍ LỰA CHỌN

 

1. Có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tư vấn trong các vụ việc PVTM do Hoa Kỳ khởi xướng hoặc giải quyết tranh chấp tại WTO (nêu rõ số lượng các vụ PVTM và/hoặc giải quyết tranh chấp tại WTO đã từng tham gia tư vấn và đã đạt được kết quả thành công…).

 

2. Am hiểu về pháp luật và thủ tục điều tra PVTM của Hoa Kỳ, giải quyết tranh chấp tại WTO; am hiểu pháp luật quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO.   

 

3. Có kinh nghiệm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và/hoặc các nước có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc PVTM với Hoa Kỳ và/hoặc giải quyết tranh chấp tại WTO.

 

4. Có đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm trong một số lĩnh vực liên quan: phân tích tài chính, kế toán doanh nghiệp, thương mại quốc tế… Có kinh nghiệm, năng lực và cơ sở thu thập thông tin, phân tích số liệu.

 

5. Có hãng luật đối tác có kinh nghiệm tại Việt Nam hoặc ngược lại tại Hoa Kỳ cùng tham gia hỗ trợ tư vấn pháp lý.  

 

6. Có mức phí tư vấn hợp lý và/hoặc cạnh tranh.

 

7. Am hiểu về quy trình thủ tục xem xét/rà soát vấn đề kinh tế thị trường của Hoa Kỳ.

 

8. Có kinh nghiệm liên quan đến các vụ việc xem xét/rà soát vấn đề kinh tế thị trường và/hoặc điều tra chống trợ cấp và/hoặc điều tra chống bán phá giá có lựa chọn nước thay thế.

 

9. Am hiểu về nền kinh tế của Việt Nam, có khả năng tổng hợp, phân tích phân tích chính sách, kinh tế vĩ mô và thu thập các đánh giá từ các tổ chức quốc tế độc lập uy tín về nền kinh tế Việt Nam cũng như rà soát, so sánh với các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế trong khu vực.

 

10. Có mối quan hệ với các cơ quan chính phủ và các bên liên quan của Hoa Kỳ và có các kênh tiếp cận thông tin phù hợp để đưa ra chiến lược hiệu quả.

 

11. Có thời gian hoạt động đủ lâu trong lĩnh vực pháp luật nói chung và lĩnh vực PVTM nói riêng.

 

12. Thứ hạng của hãng luật trong các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới (làm rõ nếu có).

 

13. Tiêu chí phù hợp khác.

 

D – CƠ CHẾ GIÁM SÁT

 

Tiến độ công việc cần hoàn thành

 

Nhà cung cấp dịch vụ pháp lý được lựa chọn dự kiến sẽ hoàn thành công việc theo thời gian dưới đây:

 

1. Hoàn thành bình luận của Chính phủ Việt Nam trước thời hạn quy định của DOC (có thể được gia hạn).

 

2. Nộp bình luận của Chính phủ Việt Nam lên cổng thông tin điện tử của Bộ Thương mại Hoa Kỷ, theo hướng dẫn, trong thời hạn quy định của DOC (có thể được gia hạn).

 

3. Hoàn thành ý kiến phản biện của Chính phủ Việt Nam trước trước thời hạn quy định của DOC (có thể được gia hạn).

 

4. Nộp ý kiến phản biện lên cổng thông tin điện tử của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, theo hướng dẫn, trong thời hạn quy định của DOC (có thể được gia hạn).

 

5. Thường xuyên báo cáo Bộ Công Thương về kết quả vận động các công ty, hiệp hội Hoa Kỳ và các bên liên quan khác ủng hộ việc Hoa Kỳ công nhận nền KTTT cho Việt Nam cho đến khi kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được ban hành.    

 

6. Hoàn thành dự thảo Bài phát biểu của Chính phủ Việt Nam chậm nhất là 10 ngày trước khi phiên điều trần công khai diễn ra.

 

Các quy tắc giám sát

 

1. Tất cả các tài liệu và các trao đổi trước khi nộp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải được Chính phủ Việt Nam (đại diện bởi Bộ Công Thương) rà soát và cho ý kiến và chỉ được nộp khi đã có ý kiến chấp thuận của Chính phủ Việt Nam (đại diện bởi Bộ Công Thương).

 

2. Hãng luật và đối tác cần có các cuộc họp thường xuyên với Bộ Công Thương để cập nhập tình hình vụ việc.

 

3. Chuẩn bị và gửi các báo cáo kịp thời về các diễn biến và tiến độ của vụ việc tới Bộ Công Thương.

 

Để đảm bảo tiến độ xử lý vụ việc, các Đơn vị tham gia cần gửi Hồ sơ hãng luật, thông tin luật sư dự kiến tham gia vụ việc và Bản chào (bản cứng hoặc bản mềm) căn cứ các nội dung nêu trên về Cục PVTM trước 17h00 ngày 25 tháng 12 năm 2023 (giờ Hà Nội) để Bộ Công Thương quyết định, lựa chọn đối tác phù hợp.

 

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 

Cán bộ phụ trách: Bà Nguyễn Yến Ngọc – Trưởng phòng và Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Trưởng phòng, Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương

 

Di động: 0968456865

 

Email: nganha@moit.gov.vnngocny@moit.gov.vn.

 

(Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài)

 

 Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

Quảng cáo sản phẩm