Thử nhận diện những lá bài của mỗi bên trong cuộc chiến thương mại hiện nay

27/02/2019 12:00 - 20651 lượt xem

Có lẽ đã rất lâu rồi, ít nhất là kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập từ cách đây hơn 3 thập kỷ, thậm chí kể từ khi Hiệp định thương mại mậu dịch tự do (GATT) năm 1947 đến nay, thương mại toàn cầu mới lại rơi vào tình huống nước sôi lửa bỏng như hiện nay mà không phải vì một cuộc khủng hoảng kinh tế hay tài chính nào. 

Cuộc chiến thương mại mà nước Mỹ của Tổng thống Donald Trumps khởi xướng mỗi lúc một diễn biến phức tạp. Ban đầu, “cuộc chiến” tưởng như có vẻ rất hỗn loạn với những hành động bất ngờ, những quyết định đâm bị thóc chọc bị gạo khắp nơi của “kẻ khởi xướng”, và những phản ứng lúng túng, đầy bức xúc của “người chịu trận”. Thực tế, chuyện dường như không phải vậy. Qua thời gian, xâu chuỗi các sự kiện, người ta bắt đầu nhìn thấy những đường hướng ngày càng rõ nét, mục tiêu cũng như logic hành động của mỗi bên.

Nhận thức được điều này một mặt giúp người ta nhìn rõ hơn bức tranh chiến lược của mỗi Bên. Mặt khác nó mang đến một tin không vui: Dường như cuộc chiến này có thể sẽ dài lâu hơn dự đoán, những hệ quả của cuộc chiến thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới thương mại thế giới nhiều năm sau này.


Bài vở của “kẻ khởi xướng”

Cuộc chiến thương mại mà thế giới đang chứng kiến bắt đầu từ thời điểm Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu năm 2017, với quyết tâm thực hiện một trong các lời hứa quan trọng nhất trong quá trình tranh cử của mình: “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong quan hệ thương mại với các đối tác toàn cầu.

Trong cuộc chiến này, là người khởi xướng, Mỹ tất nhiên có nhiều cơ hội hơn tất cả các đối thủ còn lại trong việc chuẩn bị chiến lược lâm trận. Các lá bài đưa ra tất nhiên cũng bài bản và đầy đủ lớp lang hơn hẳn những người ở vị trí phải ứng phó.

Lá bài đầu tiên của ông Trump, thực hiện trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, là việc trực tiếp “xuống tay” với các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác mà ông cho là đã hoặc sẽ là nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại của Mỹ. Tháng 1/2017, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố một thỏa thuận đa phương như vậy khiến Mỹ thiệt thòi, cần được thay thế bằng các thỏa thuận song phương (mà ai cũng biết rằng ở đó Mỹ thường chiếm thế thượng phong).

Tháng 5/2018 Mỹ tuyên bố với Canada và Mexico, hai đối tác trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã có tuổi đời trên 25 năm, rằng nếu không đàm phán lại, Mỹ sẽ rút, khiến hai nước còn lại buộc phải bước vào cuộc tái đàm phán NAFTA từ 8/2018. 

Cũng trong giai đoạn này, Mỹ chĩa mũi nhọn vào Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn (KORUS) với cùng lập luận, rằng Mỹ thua thiệt với thâm hụt thương mại hàng hóa cao chưa từng có từ khi có Hiệp định này. Và như ý Mỹ, KORUS rốt cuộc phải bước vào đàm phán lại từ 10/2018. Đó là chưa kể động thái của Mỹ đối với một số Thỏa thuận quốc tế khác, mặc dù không phải là thương mại nhưng mang lại có hiệu ứng trực tiếp và tức thời tới lợi ích thương mại của Mỹ (ví dụ: Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Kyoto về biến đổi khí hậu, phá vỡ Thỏa thuận hạt nhân với Iran…). 

Lá bài thứ hai, thực hiện từ đầu năm 2018, chính là can thiệp trực tiếp vào dòng chảy thương mại hàng hóa, mà cụ thể là dựng lên các hàng rào thuế quan trực diện vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài với nhiều lý do khác nhau. Nổi bật trong số đó là lệnh áp thuế bổ sung đối với tất cả nhôm thép nhập khẩu vào Mỹ, khơi mào cho căng thẳng thương mại giữa Mỹ với tất cả các nước có nhôm thép xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra còn có một số động thái khác theo cùng chiều hướng, dù quy mô nhỏ hơn hoặc hướng tới diện hẹp hơn như việc Mỹ tự khởi xướng điều tra tự vệ đối với pin mặt trời và máy giặt mà không cần đơn kiện nào của ngành sản xuất trong nước (một việc mà Mỹ đã không làm từ hàng thập kỷ qua), thay đổi biện pháp tính toán khiến một loạt các loại thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu tăng cao bất thường, đe dọa áp thuế bổ sung đối với ô tô nhập khẩu từ EU…

Sau 2 năm nhìn lại, người ta thấy các lá bài này được Mỹ sử dụng theo một chiến lược rất chặt chẽ. 

Ví dụ, biện pháp thuế đối với nhôm thép nhập khẩu đã được Mỹ chuẩn bị năm nay 2017, với cuộc điều tra dựa trên lý do an ninh quốc phòng theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng 1962 mà Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ tiến hành theo yêu cầu của Tổng thống. 

Trong khi đó, các tác động hoặc đe dọa từ những biện pháp thực hiện năm 2018 lại tạo ra sức ép để Mỹ đạt được kết quả mong muốn trong các đàm phán thương mại mà Mỹ khởi xướng năm 2017. Ví dụ, sau nhiều tháng đàm phán trầy trật, dưới sức ép của biện pháp thuế đối với nhôm thép nhập khẩu mà Mỹ áp dụng, Canada và Mexico đã phải chấp nhận ký với Mỹ một NAFTA mới, có tên USMCA. Hàn Quốc cũng chung số phận, với việc chấp nhận ký lại KORUS sửa đổi. Mỹ tuyên bố những FTA này là biểu tượng thỏa thuận thương mại công bằng và đầy tiềm năng mà nước Mỹ đang theo đuổi. Thực tế đây chỉ là hai FTA giống hệt như cũ, với các sửa đổi ở một số nội dung mà Mỹ đề cập, để đạt thêm nhiều nhượng bộ từ đối tác vì lợi ích của doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất xe hơi. Không khó để nhận ra kết quả mà Mỹ rất hài lòng này đạt được nhờ những đòn liên hoàn đánh vào các lợi ích trực tiếp của đối tác, đặc biệt là thuế nhôm thép, và các đe dọa về thuế đối với ô tô nhập khẩu mà Mỹ sử dụng.

Cũng như vậy, các đề xuất đàm phán thương mại song phương mà Mỹ đưa ra hồi đầu năm 2017 chả khiến mấy đối tác quan tâm. Tuy nhiên, sau một loạt biện pháp thuế cùng đe dọa áp thuế năm 2018, nay Mỹ đã ép các đối tác phải “tình nguyện” cân nhắc con đường này đánh đổi lấy quyền miễn trừ hoặc tạm hoãn các lệnh áp thuế với mình. Tháng 7/2018, trước sức ép áp thuế nhôm thép và ô tô, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã phải công du tới Mỹ để thảo luận về tình hình thương mại và “tự nguyện đề xuất” hai Bên bước vào đàm phán. Nhật Bản vốn rất cương quyết tiếp tục TPP (nay là CPTPP) và kiên trì con đường đa phương, giờ đã phải chấp nhận ý tưởng một đàm phán song phương với Mỹ. Theo tuyên bố gần đây của Đại diện Thương mại Mỹ, nước này đã đạt được sự nhất trí để khởi động đàm phán với EU và Nhật Bản từ giữa 1/2019.

Riêng với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đối tác mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn nhất, và đang từng bước vững chắc mở rộng tầm ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu, Mỹ có một chiến lược riêng, cũng bài bản không kém, nếu không nói là hơn. 

Đầu tiên là những công kích tưởng là ở diện hẹp, với mục tiêu chỉ là một doanh nghiệp Trung Quốc - ZTE (Trung Hưng) – Tập đoàn công nghệ lớn, có vốn sở hữu Nhà nước của Trung Quốc, hoạt động mạnh ở Mỹ. Sau một loạt các cáo buộc, tháng 3/2017, ZTE chính thức thừa nhận đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với việc vận chuyển các thiết bị của Mỹ cho Iran và Triều Tiên và chịu nộp phạt 1.2 tỷ USD. Dù vậy, nửa tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ lại ra quyết định cấm tất cả các công ty Mỹ bán phần mềm, phần cứng cho ZTE trong vòng 7 năm khiến Chính phủ Trung Quốc phải nhập cuộc ngay lập tức, tham gia đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp cho ZTE. Kết quả công ty này tiếp tục kinh doanh, nhưng phải chịu thêm khoản tiền phạt trị giá 1 tỷ USD, cũng như buộc phải tiếp nhận một đội ngũ quản trị do Mỹ ứng cử, trực tiếp tham gia và ban điều hành và hội đồng quản trị của công ty. 

Bước thứ hai trong chiến lược vây Trung Quốc của Mỹ diễn ra chỉ 2 tháng sau đó. Tháng 8/2017, theo lệnh của Tổng thống, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khởi xướng điều tra Trung Quốc theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974, chính thức châm ngòi cháy chậm cho “quả bom chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc, phát nổ sau đó vào năm 2018. 

Báo cáo kết quả điều tra được Mỹ công bố tháng 3/2018, trong đó, tất nhiên, cho kết luận Trung Quốc vi phạm các quy định của Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 do áp dụng các chính sách phân biệt đối xử, bất hợp lý và hạn chế thương mại của Hoa Kỳ ở góc độ sở hữu trí tuệ. Dựa trên báo cáo này, ông Trumps lần lượt áp dụng thuế bổ sung đối với 34 tỷ USD, rồi 50 tỷ và tới tháng 9 là 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trước phản ứng khá cứng rắn của Trung Quốc, ông Trump còn đang đe dọa sẽ áp thuế bổ sung lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, trị giá trên 500 tỷ USD. 

Ban đầu những mặt hàng chịu trừng phạt chỉ giới hạn ở những nhóm có hàm lượng công nghệ cao (phần lớn danh sách này nhắm vào các sản phẩm công nghệ được ưu tiên trong chiến dịch Made in China 2025 của Trung Quốc). Các sản phẩm này suy đoán là liên quan tới sở hữu trí tuệ, gốc rễ “được công bố” của biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, tới nay, khi phân nửa kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ của Trung Quốc bị áp thuế thì không còn bất kỳ giới hạn nào về loại hàng hóa chịu thuế nữa, nó có thể là bất kỳ hàng hóa nào miễn nằm trong danh mục bị áp thuế được công bố. 



Bước đi thứ ba của Mỹ trong cuộc chiến này (mà thực ra là “nhiều bước thứ ba”) chính là sử dụng chung các công cụ khác như thuế bổ sung với nhôm thép, biện pháp tự vệ, rút ra khỏi Liên minh Bưu chính thế giới…Những biện pháp này tất nhiên không nhắm riêng vào Trung Quốc, nhưng Trung Quốc là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất, do là nguồn đưa nhiều hàng hóa nhất vào Mỹ.

Thậm chí, Mỹ còn chuẩn bị sẵn công cụ để bao vây Trung Quốc bằng việc ép các đối tác thương mại của mình không được làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại với Trung Quốc. Điều khoản về ngăn cản Canada, Mexico ký các FTA với một “nền kinh tế phi thị trường” được xem là biểu hiện rõ nhất của động thái này. Nghe nói Mỹ dự kiến sẽ đưa điều khoản tương tự vào các thỏa thuận thương mại dự định sẽ đàm phán với các đối tác Nhật, EU… trong tương lai.

Có vẻ như Mỹ đã chuẩn bị sẵn các đòn khác để tung ra vào từng thời điểm, tùy thuộc vào phản ứng của Trung Quốc. Tại thời điểm hiện tại, hai Bên vẫn đang nắn gân nhau, vì vậy chưa ai biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có hồi kết như thế nào.

Chiến lược của người phản đòn

Toàn bộ kinh tế thế giới, bao gồm cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, và đặc biệt là Trung Quốc, đều là đối tượng phải chịu tác động từ các lá bài chiến lược thương mại mà Mỹ thực hiện hai năm vừa qua.

Ở thế bị động, phản ứng ban đầu của các nước chịu trận là khá uất ức và lúng túng. Nhưng sau một thời gian, khi các lá bài của Mỹ dần lộ diện và được xâu chuỗi, dường như các biện pháp phản đòn cũng đã bắt đầu rõ nét hơn.

Trên bình diện đa phương, xu hướng được ghi nhận là lấy hợp tác và tự do hóa để đối phó với bảo hộ và cục bộ.

Biều hiện rõ nhất của xu hướng này là các diễn tiến liên quan tới TPP – Hiệp định bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách của Mỹ. Ban đầu khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định thương mại tự do đình đám nhất trong hơn nửa thập kỷ qua đột ngột trở thành rắn mất đầu khiến tất cả các nước thành viên còn lại của thỏa thuận Xuyên Thái Bình Dương này đều hoang mang. Dù vậy, một vài tháng sau đó, với sự cầm trịch của Nhật Bản, TPP đã hồi sinh với các đàm phán mới về cách thức tiếp tục TPP. Kết quả như đã được biết, TPP tái xuất với tấm áo mới CPTPP, được ký kết ngày 8/3/2018, với nội dung hầu như vẫn giữ được đầy đủ các cam kết tự do hóa toàn diện và tiến bộ của TPP trước đây.

Cũng như vậy, trong khi phải đơn lẻ tự mình đối đầu với các đòn áp thuế cụ thể của Mỹ, các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đầu tàu, lựa chọn kiên trì theo đuổi tự do hóa thương mại và hợp tác đa phương trong các vấn đề kinh tế, một cách thức mà có người gọi là “hợp tác để đáp lại xung đột”. Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa năm 2017, và tháng 7/2018, Hiệp định lớn nhất thế giới này đã được ký kết. RCEP, Hiệp định khu vực giữa 10 nước ASEAN nằm trong khu vực kinh tế năng động nhất thế giới với 06 đối tác bên ngoài (là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand) cũng đẩy nhanh nhịp độ đàm phán, với kỳ vọng có thể hoàn tất càng sớm càng tốt. 

Đó là chưa kể nhiều FTA song phương khác, cũng được đẩy nhanh trong thời gian vừa rồi, như những lời hồi đáp trước chính sách bảo hộ của Mỹ, cũng là những lối thoát nhất định cho những thiệt hại mà kinh tế thế giới phải hứng chịu từ đòn đánh của Mỹ. Chỉ trong năm 2018 chẳng hạn một loạt các FTA khởi động, hoàn tất đàm phán hoặc đẩy nhanh thủ tục ký kết phê chuẩn (ví dụ các FTA giữa EU với Mexico, với Singapore, với Việt Nam, giữa Georgia với Hong Kong – Trung Quốc, giữa khối EFTA với Ecuador, giữa Canada với Liên minh Thái Bình Dương gồm 4 nước Nam Mỹ…).

Bên cạnh đó, các nước vẫn kiên trì giải pháp sử dụng các công cụ đa phương trước nay để giải quyết các xung đột thương mại với Mỹ. Ví dụ, sau khi biện pháp áp đặt thuế bổ sung lên nhôm thép vì lý do an ninh quốc phòng của Mỹ được công bố, một loạt nước EU, Canada, Mexico, Nga…đã kiện Mỹ ra WTO, với lý do việc Mỹ sử dụng ngoại lệ an ninh quốc phòng để tăng thuế so với mức MFN đã cam kết trong trường hợp này là không xác đáng. Sau quyết định áp thuế đối với 34 tỷ hàng hóa của Mỹ, Trung Quốc cũng kiện nước này ra WTO, với cáo buộc việc Mỹ đơn phương sử dụng biện pháp này theo pháp luật nội địa của Mỹ là không phù hợp với nguyên tắc xử lý tranh chấp đa phương trong WTO.

Trên bình diện đơn phương, sau các chỉ trích ban đầu, ngoại trừ Trung Quốc, các đối tác phần lớn đều lựa chọn đàm phán và có những thỏa hiệp nhất định với Mỹ. 

Canada, Mexico, Hàn Quốc đã phải chấp nhận những NAFTA, KORUS mới với những thua thiệt nhất định để đổi lại để đổi lại quyền được miễn trừ khỏi phạm vi biện pháp thuế bổ sung đối với nhôm thép của Mỹ.

Nhật Bản – đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ chỉ sau Trung Quốc và Mexico, với thặng dư thương mại lên tới 68,8 tỷ USD (khoảng 7.400 tỷ yên Nhật) năm 2017, lại tương đối bình thản với các động thái của Mỹ. Khi Mỹ rút khỏi TPP, tuyên bố muốn thúc đẩy các thỏa thuận song phương, Nhật Bản là nước đầu tiên mà Mỹ đích thân trao đổi về khả năng này. Mặc dù vậy Nhật Bản đã từ chối, với câu trả lời rất rõ ràng rằng nước này ưu tiên tự do hóa thương mại qua con đường đa phương. Tiếp đến, khi Mỹ tuyên bố thuế đối với nhôm thép, Nhật Bản vẫn rất bình tĩnh. Nguyên nhân chính được cho là vì gần như toàn bộ các sản phẩm thép, nhôm mà Mỹ nhập khẩu từ Nhật Bản không thể sản xuất được bởi các doanh nghiệp Mỹ. Không nhập khẩu nghĩa là các doanh nghiệp khâu sau (downstream- tham gia các giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất) của Mỹ phải ngừng sản xuất, khi đó người thiệt hại nhất là các doanh nghiệp Mỹ cần nhôm thép đặc biệt từ Nhật. Do đó doanh nghiệp Mỹ lại chính là những người phải tìm cách để nhôm thép Nhật Bản được hưởng miễn trừ. Tuy nhiên, với việc Mỹ có những đe dọa tiếp theo liên quan tới ô tô và một số lĩnh vực khác, giới kinh doanh Nhật Bản bắt đầu lo lắng. Những cân nhắc này có thể đã khiến Nhật Bản phải lùi một bước, với quyết định hồi tháng 9/2018 – đồng ý xem xét khả năng đàm phán thương mại với Mỹ song phương với Mỹ. 

Về phần EU, khi Trump đình hoãn vô thời hạn việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa hai Bên ngay khi lên nắm quyền, EU cũng không có phản ứng nào quá lớn. Tuy nhiên, tình hình đã khác khi Mỹ áp dụng thuế bổ sung đối với nhôm thép, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của EU vào Mỹ. EU “trả đũa” bằng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với nhôm thép, dù vậy hiệu lực là khá yếu ớt. Thậm chí, trước động thái của EU, Mỹ còn đe dọa sẽ áp mức thuế tới 20% đối với mọi xe ôtô lắp ráp tại EU thay vì mức thuế hiện nay là 2,5%. EU đã phải chọn phương thức nhượng bộ, ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, chấp nhận sẽ nhập thêm nhiều đậu tương Mỹ - nông sản xuất khẩu lớn nhất của nước này, để đổi lấy việc Mỹ rút lại đe dọa với ô tô. Đồng thời EU cũng chấp nhận cùng Mỹ đàm phán lại về thương mại.

Riêng với Trung Quốc, đối tượng trực diện của các biện pháp tấn công của Mỹ, dường như cách thức phản đòn của nước này khá cứng rắn và rất ít nhân nhượng. Ngày 6/7/2018 khi Mỹ thực thi việc áp thuế 25% với 34 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả tương đương bằng lệnh áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm lĩnh vực thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm và than đá, dầu nhiên liệu, ôtô... những khu vực mà cử tri ủng hộ Trump với mức và trị giá tương tự. Tình hình cũng lặp lại y hệt với lệnh áp thuế lần 2, mở rộng đến 50 tỷ hàng hóa. Kịch bản chỉ khác đi đôi chút khi lệnh áp thuế của Mỹ leo thang lần 3 lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, ở mức thuế là 10%. Trung Quốc vẫn đáp trả, nhưng chỉ ở mức 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Lý do là Trung Quốc không còn nhiều dư địa để áp dụng thuế khi mà tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ trên dưới 150 tỷ USD. Trước đe dọa tiếp tục áp thuế với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, Trung Quốc dường như đang tính đến các công cụ trừng phạt khác, trong đó có việc kiểm soát đầu tư.

Ảnh hưởng mới của vòng xoáy thương mại đến Việt Nam

Bài viết Chuyên đề “Mỹ khơi mào căng thẳng thương mại toàn cầu” trong Bản tin Doanh nghiệp và Tự do hóa Thương mại số 12 đã phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam. Những cảnh báo và khuyến nghị đó vẫn còn nguyên giá trị khi Mỹ và Trung Quốc chưa thực sự đưa ra thêm đòn tấn công đặc biệt nào mà vẫn chỉ dừng ở mức đe dọa qua lại sau khi hoàn tất đợt áp thuế đầu tiên lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý những diễn tiến mới sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của mình, đặc biệt là tiến trình của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham dự. 

Các FTA Việt Nam tham gia đều đạt được những bước tiến đáng kể thời gian gần đây, bao gồm việc CPTPP đã được Australia – quốc gia thứ 4 chính thức thông qua, RCEP hoàn tất đàm phán thêm 2 chương mới, và EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu) được Ủy ban châu Âu thông qua, đã trình lên Hội đồng châu Âu chuẩn bị ký kết chính thức vào cuối năm 2018. Cùng với 10 FTA khác đang có hiệu lực mà Việt Nam đã ký kết, những Hiệp định này sẽ mở ra một loạt thị trường mới cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Ngoài ra, chính sách mới của Mỹ khi đưa điều khoản hạn chế ký kết hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế phi thị trường vào trong USMCA, và có thể là cả các Hiệp định thương mại có Mỹ tham gia sau này, dù là được cho là nhắm vào Trung Quốc, nhưng vẫn có thể sẽ là một trở ngại lớn với Việt Nam trong việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia khác trên thế giới, do tới hiện tại Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. 

Ngoài ra, trong một chừng mực nhất định, việc Trung Quốc liên tiếp là đối tượng của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ có thể sẽ dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng thị trường nước khác để gian lận xuất xứ, né thuế quan. Nếu không kịp thời nhận diện và ngăn chặn, Việt Nam rất có thể sẽ phải chịu hệ lụy. 

Do đó, với các doanh nghiệp Việt Nam, có lẽ việc cần thiết phải làm là tiếp tục quan sát chặt chẽ các động thái từ các thị trường, các động thái của Chính phủ để chủ động tính toán các biện pháp thích hợp tận dụng cơ hội hoặc tránh thiệt hại ở mức có thể. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đặc biệt cảnh giác trước các hành vi gian lận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tìm hiểu và tận dụng triệt để những FTA đang hoặc sẽ có hiệu lực để mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh giữa tình trạng thương mại quốc tế nhiều biến động.
Thu Trang
Tháng 10.2018
Quảng cáo sản phẩm