Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Maroc: Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp

31/03/2015 12:00 - 764 lượt xem

Là "điểm trung chuyển" của châu Âu, châu Phi và các nước khối Ả rập, Maroc là thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, Chính phủ hai nước đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi về pháp lý cho doanh nghiệp (DN) hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Nhu cầu nhập khẩu lớn

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Maroc tổ chức ngày 30/3 tại Hà Nội, ông Mohamed Abbou- Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số đặc trách Ngoại thương Maroc- cho biết, Maroc luôn coi hợp tác với các nước đang phát triển là trọng tâm trong phát triển kinh tế. Theo đánh giá của Chính phủ Maroc, Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn nhất châu Á nhờ những nỗ lực cải cách mà Chính phủ.

Về quan hệ thương mại giữa hai bên, ông Mohamed Abbou đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam sang Maroc đã có những bước phát triển ấn tượng. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Maroc đạt 147,63 triệu USD, tăng 45% so với năm 2013. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Maroc vào Việt Nam còn ở mức thấp, chỉ đạt 8,7 triệu USD năm 2014. "Tiềm năng trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt còn nhiều mặt hàng của Maroc mà các DN Việt Nam chưa khai thác hiệu quả như: khai thác mỏ, hóa chất, lương thực, nông thủy sản, dược phẩm..." - ông Mohamed Abbou nhấn mạnh.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), Maroc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bình dân, chất lượng vừa phải và giá không cao. Maroc lại có những thế mạnh riêng với một số sản phẩm, đặc biệt là phốt-phát. Hai nước đang có nhiều cơ hội trao đổi các sản phẩm thế mạnh của nhau. Một số mặt hàng của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, sắt thép các loại, cao su, giấy và sản phẩm giấy... đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Điểm kết nối các thị trường lớn

Tại cuộc trao đổi riêng với ông Mohamed Abbou, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập bằng việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Bởi vậy, Việt Nam sẽ là điểm kết nối giữa DN Maroc và các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời, hàng hóa của Maroc có thể dễ dàng tiếp cận thị trường ASEAN qua Việt Nam. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi của Chính phủ Maroc cũng mở ra cơ hội cho DN Việt Nam đầu tư liên doanh với các đối tác Maroc, đặc biệt tại các khu công nghiệp hay khu thương mại tự do, từ đó xuất hàng vào nội địa và sang các nước lân cận.

Với nhu cầu nhập khẩu lớn (đạt 39 tỷ USD năm 2014) đặc biệt là các mặt hàng nhiên liệu và máy móc, thiết bị, chủ yếu là các loại hóa chất, chất dẻo nhân tạo, sắt thép, dược phẩm, ví, hàng điện tử, lúa mì, đường, sữa, cà phê, chè, thuốc lá..., Maroc đang là thị trường hết sức tiềm năng cho các DN Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Maroc, các cơ quan hữu quan của hai nước cần kiện toàn khung pháp lý, rà soát lại các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, công nghiệp, đầu tư, tài chính. Đồng thời, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn DN sang khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh doanh.

Nguồn: Báo Công Thương
Quảng cáo sản phẩm