Tiểu ban Y tế - Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần về Chương trình thanh tra cá da trơn

19/12/2016 12:00 - 845 lượt xem

Theo thông tin từ trang Inside U.S. Trade, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ không bỏ phiếu về việc bãi bỏ Chương trình thanh tra cá da trơn trong năm nay. Như vậy, các nhà làm luật mong muốn chuyển thẩm quyền giám sát quản lý Chương trình này từ Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) về lại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ không có cơ hội được bỏ phiếu đối với nghị quyết đã được Thượng viện thông qua trong năm nay nữa.

        USDA đã bắt đầu Chương trình thanh tra cá da trơn từ tháng 3, và một nghị quyết chung để chuyển giao thẩm quyền về lại cho FDA đã được Thượng Nghị viện thông qua vào tháng 5. Những người phản đối chương trình thanh tra cá da trơn đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Quốc hội đưa quy định này ra bỏ phiếu tại Hạ viện và cho rằng đây là một sự lãng phí tiền thuế và gây chồng chéo trong thẩm quyền giám sát do thẩm quyền của FDA là giám sát chung đối với hải sản. Tuy nhiên, theo thông tin từ Quốc hội và ngành sản xuất, các lãnh đạo Hạ viện đã loại bỏ một cuộc bỏ phiếu trong năm nay bất chấp đề nghị từ những người kêu gọi bãi bỏ việc chuyển giao thẩm quyền cho FSIS.

Tuy nhiên, ngày 07 tháng 12 năm 2016, Tiểu ban Y tế thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hoa Kỳ, do Hạ Nghị sĩ Joe Pitts làm Chủ tịch, đã đã dành phiên điều trần cuối cùng trong nhiệm kỳ này để tổ chức điều trần về sự lãng phí và chồng chéo trong Chương trình thanh tra cá da trơn của USDA.

Tại phiên điều trần, những người phản đối sự chuyển dịch thẩm quyền giám sát sang FSIS cho rằng Chương trình thanh tra cá da trơn tạo ra rào cản thương mại đối với cá da trơn nhập khẩu và có thể kích thích việc trả đũa thương mại, trong khi đó công đoàn và những người ủng hộ khác lại cho rằng Chương trình này giúp cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm.

Ông William Jones, quyền phó trưởng Văn phòng An toàn thực phẩm thuộc FDA và Ông Steven Morris, quyền trưởng về Tài nguyên và môi trường quốc gia thuộc Văn phòng giải trình trách nhiệm của Chính phủ (Government Accountability Office – GAO) đều coi chương trình thanh tra cá da trơn là “lãng phí và gây chồng chéo” và không cần thiết phải chuyển quyền giám sát cho USDA bởi cá da trơn được xem là một “thực phẩm có nguy cơ thấp”.

Chủ tịch Joe Pitts, trong bài phát biểu khai mạc, đã cho rằng giao thẩm quyền giám sát cho USDA có thể gây xung đột giữa các đối tác thương mại của Hoa Kỳ trong bối cảnh một khối lượng lớn cá da trơn tiêu dùng tại Hoa Kỳ được nhập khẩu từ các quốc gia Châu Á như Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc. Ông cũng phát biểu rằng: “Cá da trơn là một loại thực phẩm có nguy cơ cực kỳ thấp”, “rõ ràng việc tạo ra một chương trình dành riêng cho cá da trơn là không cần thiết và phân tán các nguồn lực ra khỏi các thực phẩm có nguy cơ cao để tập trung vào thực phẩm thuộc loại an toàn nhất”, và “thành thật mà nói, mục đích thực sự của động thái này là để gây trở ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu cá da trơn để họ không thể cạnh tranh với người nuôi cá da trơn trong nước”, “hành vi như vậy có thể gây ra một vụ kiện tại WTO”.

Ngược lại, các nhà lập pháp từ các bang sản xuất cá da trơn, dẫn đầu bởi Rick Crawford, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo giữ nguyên chương trình thanh tra cá da trơn của USDA. Những người ủng hộ chương trình này coi việc bãi bỏ chương trình thông qua Đạo luật Rà soát của Quốc hội là một sự lạm dụng đạo luật này và sẽ là “một quan điểm chính sách và thủ tục sai lầm và không khôn ngoan”.
Hạ Nghị sĩ Morgan Griffith đặt câu hỏi về khả năng của các thanh tra viên dưới sự chỉ đạo của FDA, nói rằng “tôi tin rằng thẩm quyền được chuyển cho USDA vì có vấn đề sai sót ở FDA”.

       Nghị sỹ Gregg Harper, đại diện cho quận 3 bang Mississippi cho rằng “Chương trình này cho phép tất cả những người tham gia thị trường cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, chương trình này có hiệu quả và không gây chồng chéo. Hãy cho chương trình này cơ hội để thành công.”

Tổng hợp tin từ Inside Trade, energycommerce.house.gov
                                              (Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài)
Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh
Quảng cáo sản phẩm