Tìm “đất sống” ở thị trường ASEAN

26/08/2014 12:00 - 641 lượt xem

Giai đoạn 2014-2015 là “nước rút” để tiến đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), được kỳ vọng ra đời vào cuối năm 2015. Điều này khiến DN Việt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), không thể chỉ bó hẹp tầm nhìn trong huyện, trong tỉnh, trong phạm vi quốc gia mà cần phải mở rộng hơn.

ASEAN - thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam

Những năm gần đây, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường XK hàng đầu của Việt Nam. Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2013, ASEAN là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và EU, với kim ngạch XK đạt 18,47 tỉ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, tăng trưởng XK của Việt Nam sang ASEAN thời gian qua đang có chiều hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân là các ưu thế về XK với khối thị trường truyền thống có vị trí địa lý gần, như các ưu đãi từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chưa được tận dụng tối đa. Nếu tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để XK các mặt hàng chủ lực như dệt may, gạo, thủy sản, linh kiện điện tử...

Đặc biệt quan tâm đến việc khai thác thị trường ASEAN, nhất là với DNNVV, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng: Việc cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời vào năm 2015 đánh dấu sự hình thành một thị trường thống nhất của 10 quốc gia ASEAN. Điều này đòi hỏi tầm nhìn của DN không thể chỉ bó hẹp trong huyện, trong tỉnh, trong phạm vi quốc gia mà cần phải mở rộng hơn. Khi đó sản phẩm phải phục vụ được nhu cầu của nhiều đối tượng trên phạm vi rộng lớn của cả khu vực và toàn cầu.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, đáng tiếc là do xuất phát điểm từ con số “0”, hình thành và lớn lên trong một môi trường của nền nông nghiệp lúa nước, tiểu nông… nên DNVVN không chỉ nhỏ bé về quy mô vốn liếng, thiết bị đơn sơ lạc hậu, công nghệ đi sau hàng nhiều chục năm so với các nước trong khu vực, lao động chưa qua đào tạo là chủ yếu… mà còn nhỏ bé về tư duy kinh doanh, tầm nhìn ngắn, chủ yếu kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

"Sự nhỏ bé về tư duy kinh doanh và tầm nhìn ngắn của DN Việt Nam mới là điều đáng lo ngại nhất, nguy hiểm nhất khi đất nước đi theo con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu coi hội nhập kinh tế quốc tế giống như việc đi từ ao hồ nhỏ bé ra với đại dương rộng lớn thì đúng như lời ví von của một chuyên gia đã từng nói: “Cộng đồng DN Việt Nam đi ra biển lớn bằng một hạm đội thuyền thúng” - ông Phạm Tất Thắng chia sẻ.

Bán hàng cho ASEAN như bán hàng trong nước

Theo Bộ Công Thương, khi AEC hình thành, các DN Việt Nam có thể bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước. Đây là một trong những lợi điểm đối với việc lưu chuyển hàng hóa của các DN. Ngoài ra, các thủ tục XNK sẽ đỡ rườm rà hơn và việc cải cách thủ tục xuất xứ, tiến tới cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa sang các thị trường ASEAN.

Bộ Công Thương dự báo trước thềm AEC, XK của Việt Nam sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định ATIGA. Bên cạnh đó, nhiều nội dung về đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hóa cam kết trong ATIGA được các nước thành viên thực hiện như: Tự do hóa thuế quan; Xóa bỏ hàng rào phi thuế; Cải thiện yêu cầu về quy tắc xuất xứ... Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục có ưu thế khi XK sang thị trường Lào và Campuchia thông qua Bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế NK với Lào và Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia.

"Đây là thời điểm để các DN cần hết sức linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế của mình với không chỉ khối thị trường ASEAN mà còn với các thị trường khác, trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand" - Bộ Công Thương đánh giá.

TS Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu DNVVN nhận định: Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN Việt Nam, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường.

Trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập ASEAN nói riêng, những khó khăn mà các DN phải đối mặt bao gồm cả những thách thức mang tính khách quan và  những trở ngại chủ quan, trong đó, những khó khăn ngoại cảnh, không tiếp cận được nguồn vốn,  thiếu thông tin thị trường, về thủ tục hành chính… là những gánh nặng chủ yếu cho các DN.

PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng: Thời đại toàn cầu hóa ngày nay cũng là thời đại chi phối thị trường của các công ty lớn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia. Với tiềm lực của mình các “ông lớn” sẽ đặt ra luật chơi trên thương trường. Trong hoàn cảnh đó, các DNVVN hoặc là bị đè bẹp, nghiền nát hoặc là sẽ phát triển nhờ vào sự linh hoạt vốn có của mình.

Đây là một cuộc chiến  một mất một còn, đòi hỏi các DNVVN phải tìm được thị trường ngách để tồn tại. Đó chính là những khe nhỏ bé, với điều kiện kinh doanh khắc nghiệt, cạnh tranh gay gắt… nhưng nếu tìm được đó lại là đất sống của DNVVN Việt Nam. 

Nguồn: Báo Hải quan

Quảng cáo sản phẩm