Toàn cầu hóa Tại sao lại bị trì hoãn? (Tạp chí Foreign Affairs)

18/09/2017 12:00 - 531 lượt xem

Trong nhiều thập niên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, rất nhiều các quốc gia cùng chia sẻ một tầm nhìn kinh tế cơ bản. Các nước này chấp thuận một hệ thống mở ngày càng mở rộng cho thương mại hàng hóa và dịch vụ được các tổ chức quốc tế hỗ trợ; cho phép dòng vốn, các tập đoàn và thậm chí đến một mức độ thấp hơn là mọi người được tự do qua lại biên giới; đồng thời khuyến khích sự lan truyền nhanh chóng của dữ liệu và công nghệ. 

Khi thương mại mở rộng, mức sống toàn cầu đã được cải thiện đáng kể và hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Ngày nay, mọi khía cạnh của nền kinh tế toàn cầu hóa đang bị công kích. Một cuộc phản đối mạnh mẽ nổi bật chống lại thương mại tự do và các phong trào không biên giới đã xuất hiện. Ý tưởng về tự do thông tin đã xung đột với những lời kêu gọi xuất hiện ngày càng nhiều về quyền riêng tư, bảo vệ sở hữu trí tuệ và tăng cường an ninh mạng.

Trên khắp thế giới phát triển, quan điểm đã chuyển thành hành động kịch liệt phản đối nhập cư, nhất là khi những người tị nạn Trung Đông tràn ngập châu Âu. Sau một số vòng đàm phán thương mại đa phương thành công vào những năm sau chiến tranh, các hiệp định mới ngày càng trở nên hiếm hoi: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa hoàn thành một vòng đàm phán thành công nào kể từ khi thành lập năm 1995.

Tháng 6/2016, người dân Anh đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử của EU. Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump thề sẽ đưa “nước Mỹ lên trước tiên.”

Trong tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại tự do của 12 nước do người tiền nhiệm của ông dàn xếp - đồng thời ông cam kết đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, mà ông gọi là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất mà đất nước này từng ký kết.”

Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận đang được đàm phán giữa Mỹ và EU, cũng phải đối mặt với tương lai không chắc chắn, sa lầy trong sự phản đối mạnh mẽ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

Khi Mỹ không còn quan tâm đến việc nuôi dưỡng trật tự quốc tế mà nước này từng đóng vai trò xây dựng dẫn đầu, tương lai của toàn cầu hóa sẽ phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn cam kết duy trì một hệ thống toàn cầu mở. Nhưng vào thời điểm này, Trung Quốc sẽ đấu tranh để thay thế Mỹ trở thành nhà tài trợ cho một trật tự mở, đa phương. 

Trong kỷ nguyên thay đổi công nghệ nhanh chóng và mang tính đột phá, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới sẽ cần đẩy mạnh cải cách để có thể bảo tồn được những thành tựu, đồng thời khắc phục những thiếu sót của toàn cầu hóa trước khi quá muộn.

Trong 7 thập kỷ qua, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, toàn cầu hóa đã tiến triển đều đặn. Trong phần lớn thời kỳ này, hầu hết các nước chấp nhận hệ thống thương mại toàn cầu mở. Tuy nhiên, các chính phủ thường tạo ra các rào cản để quản lý tốc độ thay đổi. 

Chẳng hạn, các nước đang phát triển thường trì hoãn việc mở cửa một số lĩnh vực kinh tế đối với thương mại nước ngoài để bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ nội địa và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để bị tránh rơi vào tình trạng mất ổn định hệ thống tài chính.

Mặc dù các nước phát triển thường chấp nhận cái giá của hệ thống kinh tế mở, nhưng đôi khi họ cũng can thiệp để giảm bớt sự gián đoạn do thương mại gây ra. Ví dụ, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô trong nước, Chính quyền Reagan đã hạn chế nhập khẩu ôtô và ép các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản xây dựng nhà máy ở Mỹ, tuy nhiên nỗ lực lớn này đã không thành công.

Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ vừa qua, các nước phát triển đã thất bại trong việc giảm bớt các tác động tiêu cực của thương mại quốc tế cũng như sự thay đổi công nghệ nhanh chóng. 

Dư luận phương Tây cáo buộc thương mại tự do gây ra tình trạng mất việc làm, bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng gia tăng và quan điểm chống thương mại ở Trung Mỹ đã giúp ông Trump vào Nhà Trắng. Trong số các nước có truyền thống ủng hộ toàn cầu hóa - Mỹ, Anh và châu Âu lục địa - những nước ủng hộ mở cửa nền kinh tế đã giảm sút nhanh chóng. 

Vào tháng 11/2016, một cuộc thăm dò do YouGov/Economist thực hiện cho thấy có chưa đến một nửa số người Mỹ, Anh và Pháp được hỏi tin rằng toàn cầu hóa là một “ý tưởng tốt.”

Trong số các nước có truyền thống ủng hộ toàn cầu hóa - Mỹ, Anh và châu Âu lục địa - những nước ủng hộ mở cửa nền kinh tế đã giảm sút nhanh chóng

Những thái độ như vậy không chỉ là của những người dân bình thường; những người phản đối toàn cầu hóa đã lên nắm quyền hoặc đã tiến gần hơn đến quyền lực. Và họ đang tìm kiếm lợi ích chung: Ngày hôm sau khi nước Anh bỏ phiếu cho Brexit, Steve Bannon, khi là chiến lược gia trưởng của ông Trump, đã mời Nigel Farage, sau đó trở thành lãnh tụ đảng Độc lập của Anh, tham gia chương trình phát thanh của mình.

Ông Farage tuyên bố: “Dự án Liên minh châu Âu đã thất bại. Tôi vui mừng khi nói rằng nó đã thất bại”. Ông Bannon cho rằng: “Đó là một thành tựu tuyệt vời. Chúc mừng.”

Trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ông Trump bày tỏ sự ủng hộ cho lãnh đạo đảng Mặt trận quốc gia Marine Le Pen và chương trình nghị sự bảo hộ của bà.

Mặc dù thời gian nắm quyền khác thường của ông Trump tại Mỹ đã chiếm lĩnh các mặt báo, nhưng ở châu Âu, nền kinh tế toàn cầu hóa cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. 

Nước Anh, nơi có thị trường vốn quan trọng nhất của châu Âu, sắp sửa rời khỏi EU; đến nay, các điều khoản vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng không ai nghi ngờ rằng Brexit đại diện cho chiến thắng của những người phản đối toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự cường và chủ nghĩa dân tộc.

Trong khi đó, phần lớn các nước còn lại của châu Âu đang hứng chịu tác động của tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao, những yếu tố này cùng với cuộc khủng hoảng người tị nạn đã thúc đẩy sự ủng hộ cho các đảng theo chủ nghĩa dân túy trên khắp lục địa này. 

Châu Âu bị mắc kẹt trong một hệ thống kinh tế khiếm khuyết vốn có quá ít cơ chế điều chỉnh. Tăng trưởng và lạm phát vẫn còn quá thấp, chưa đủ sức giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và nợ cao, đồng thời tái cơ cấu nợ gần như là điều không thể nếu không phá vỡ khu vực đồng euro.

Tỷ giá hối đoái của đồng euro so với các đồng tiền chính khác là quá thấp đối với Đức và một số nước khác ở phía Bắc, làm tăng thặng dư thương mại của các nước này, nhưng lại là quá cao đối với các nền kinh tế ở phía Nam, vốn có ít khả năng cạnh tranh hơn.

Trong môi trường chính trị hiện nay, khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy trên khắp châu Âu, những cải cách kinh tế nhạy cảm như tăng cường hội nhập tài chính không có khả năng tạo ra sức kéo. 

Việc cử tri Anh bỏ phiếu rời EU và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể là một lời cảnh tỉnh đối với các tầng lớp tinh hoa của châu Âu, châm ngòi cho những cải cách thực sự. Tuy nhiên, một tổng thống mới, thiếu kinh nghiệm tại Pháp cùng với các cuộc bầu cử đang diễn ra ở Đan Mạch, Đức và Italy, châu Âu sẽ vẫn bận rộn với những thách thức kinh tế và chính trị nội bộ trong tương lai gần.

Các thể chế đa phương đóng vai trò quan trọng đối với trật tự thế giới của giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng sẽ phải tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu. Các tổ chức như Quỹ Tiền tệ uốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang gặp khó khăn trong việc thích ứng với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi: Mỹ và châu Âu vẫn chiếm ưu thế, nhưng đang tự làm xói mòn uy tín và ảnh hưởng của mình tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á.

Tuy nhiên, cả nước Mỹ dưới thời ông Trump lẫn EU, vốn đang lúng túng trong cuộc xung đột với IMF về vấn đề nợ của Hy Lạp, có thể sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào các tổ chức này trong những năm tới. 

Khi các thể chế đa phương bị gạt ra bên lề, hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng tài chính ở địa phương và có tính hệ thống.

Công nghệ thông tin có thể được sử dụng để lật đổ cũng như hỗ trợ trật tự kinh tế tự do trên quy mô toàn cầu

Trong khi đó, sự lạc quan sớm về Internet và luồng thông tin tự do, một yếu tố trung tâm khác của toàn cầu hóa, đã biến mất.

Vụ việc nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden tiết lộ thông tin liên quan đến các chương trình giám sát của Mỹ, các vụ tấn công mạng được cho là của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sự gia tăng của “tin giả mạo” và việc các tổ chức khủng bố lợi dụng truyền thông kỹ thuật số để tuyển mộ chiến binh và lên kế hoạch tấn công, đã chứng tỏ rằng công nghệ thông tin có thể được sử dụng để lật đổ cũng như hỗ trợ trật tự kinh tế tự do trên quy mô toàn cầu. 

Internet phải đối mặt với tương lai phức tạp, bị điều tiết và phân tán hơn so với hình ảnh của nó vốn được nhiều người tưởng tượng ra trong những năm 1990.

Ở Trung Quốc, một “Vạn lý trường thành kỹ thuật số” với các quy định nghiêm ngặt đã phần nào cản trở người sử dụng Internet của nước này tiếp cận với phần còn lại của thế giới, trong khi đó EU vẫn bảo lưu nhiều vấn đề bảo mật, đã sử dụng hành động pháp lý nhằm hạn chế một số dịch vụ trên nền tảng web của Facebook và Google. 

Trong vài năm tới, các chính phủ khác cũng sẽ hạn chế luồng thông tin tự do, dữ liệu và kiến thức với lý do đảm bảo an ninh.

Sai sót từ đâu?
Nhiều thách thức hiện nay của nền kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ khoảng thời gian chuyển giao thiên niên kỷ vừa qua. Vào năm 1999, đồng euro ra đời đã tạo ra giai đoạn của những rắc rối về kinh tế gần đây của châu Âu.

Gần ba năm sau đó, tháng 12/2001, Trung Quốc gia nhập WTO, mở cửa thị trường nội địa của nước này cho hàng nhập khẩu và tiếp cận toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, tác động kinh tế của tự động hóa và công nghệ số đã bắt đầu tăng tốc.

Ở Mỹ, việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giảm liên tiếp trong hai thập kỷ qua, nhưng giảm mạnh trong những năm đầu của thế kỷ này: Thời điểm giữa năm 2000 và hiện tại, Mỹ đã mất 6-7 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Số việc làm trong lĩnh vực thương mại, như sản xuất hàng hóa và dịch vụ tăng rất ít, lĩnh vực phi thương mại tiếp nhận khoảng 25 triệu người mới vào thị trường lao động để thay thế những người lao động đã bị sa thải. Đó là một thị trường của người mua dành cho những lao động có trình độ trung bình và thấp và kết quả là tiền lương bị trì trệ.

Trong nhiều năm, tự động hóa đã loại bỏ những công việc lao động chân tay và một số công việc lao động trí óc có lương thấp. Tuy nhiên, những đột phá gần đây trong lĩnh vực cảm biến, học máy và trí tuệ nhân tạo càng làm cho nhiều việc làm dễ bị ảnh hưởng. Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, các công việc có thu nhập trung bình đang giảm trong khi các công việc trả lương thấp và cao hơn đang gia tăng.

Các nước đã phản ứng theo những cách khác nhau. Một số nước đã hành động để giảm sự bất bình đẳng bằng cách phân phối lại tài sản thông qua hệ thống thuế, mở rộng các chương trình an sinh xã hội và các mạng lưới an toàn khác, tăng cường hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề. 

Những nỗ lực này đã thành công tại các nước như Đan Mạch, Đức và Thụy Điển, những nơi mà lao động có tổ chức sử dụng quyền thương lượng mạnh mẽ, các doanh nghiệp và hiệp hội tin tưởng lẫn nhau, tài sản cá nhân và doanh nghiệp có ảnh hưởng rất ít đến chính trị và các chuẩn mực văn hóa quân bình chiếm ưu thế. Trong cả 3 nước này, sự bất bình đẳng vẫn thấp hơn mức trung bình của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, một nhóm gồm hầu hết các nước giàu.

Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, các công việc có thu nhập trung bình đang giảm trong khi các công việc trả lương thấp và cao hơn đang gia tăng.

Nhưng ở những nước mà những yếu tố này vắng bóng - đặc biệt là Anh và Mỹ - sự chênh lệch về thu nhập, sự giàu có và cơ hội đã gia tăng khoảng cách đáng kể.

Sự thiếu vắng một phản ứng chính sách có ý nghĩa và sự thiếu quan tâm của tầng lớp tinh hoa của các nước này đã gây ra sự tức giận sâu sắc trong những người đã thất bại do những thay đổi mà quá trình toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ gây ra.

Việc loại bỏ trật tự cũ không phải là ngay lập tức. Trong một thời gian, nhiều nước cho rằng những khó khăn kinh tế của họ là hệ quả tạm thời từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng theo thời gian, các nước này bắt đầu nghi ngờ rằng mất việc làm và nợ lương đã trở thành những đặc điểm lâu dài của bối cảnh kinh tế.

Họ đã chống lại các tầng lớp tinh hoa mà họ coi là có trách nhiệm, bao gồm các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ sở chính trị. Và khi họ theo dõi các lực lượng kinh tế và công nghệ đã vùi dập đất nước mình - những lực lượng mà các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc gia dường như ít kiểm soát - họ tìm cách chiếm lại quyền sở hữu vận mệnh của mình và tái khẳng định chủ quyền quốc gia.

Điều này đã xảy ra ở hầu khắp châu Âu, nơi mà sự xói mòn chủ quyền thực tế và nhận thức, đặc biệt liên quan đến nhập cư, đóng vai trò quan trọng trong việc cử tri Anh bỏ phiếu rời EU.

Ngay cả những công dân có đặc quyền, những người đã trở nên giàu có trong hệ thống toàn cầu mở, cũng đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, với niềm tin rằng làm như vậy sẽ cho phép họ kiểm soát tốt hơn cuộc sống của bản thân.

Toàn cầu hóa với những đặc điểm của Trung Quốc
Khi Mỹ và châu Âu rút lui, Trung Quốc sẽ gánh phần lớn trách nhiệm duy trì trật tự kinh tế tự do toàn cầu. Trong bài diễn văn tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos tháng 1/2007, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết của nước này đối với toàn cầu hóa. 

Bằng việc tài trợ cho nhiều sáng kiến kinh tế, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Ngân hàng phát triển mới (trước đây gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS) và bằng cách đầu tư đáng kể ra nước ngoài, Bắc Kinh đã báo hiệu rằng nước này dự định sẽ hỗ trợ một hình thức toàn cầu hóa đa phương và toàn diện.

Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc chắc chắn sẽ giúp định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trở thành chủ thể dẫn đầu của toàn cầu hóa.

Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nước khi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư chuyển sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và dịch vụ nhiều hơn, cùng với đó là nền kinh tế nước này đang phải đối đầu với những rủi ro mạnh mẽ, như công suất dư thừa và nợ công cao.

Trung Quốc gần đây đã thắt chặt kiểm soát vốn trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng tháo vốn ra nước ngoài từ nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Nếu Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo, Trung Quốc sẽ không thể cung cấp cho nền kinh tế thế giới một thị trường rộng lớn và dễ tiếp cận cho hàng hóa xuất khẩu của các nước khác, các thị trường vốn sâu, hoặc các thể chế mạnh như Ngân hàng dự trữ liên bang và IMF, vốn cho phép Mỹ ổn định hệ thống tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc gần đây đã thắt chặt kiểm soát vốn trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng tháo vốn ra nước ngoài, ít nhất là cho đến bây giờ, từ nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của nước này.

Tuy thế, sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho các cơ cấu đa phương là một bước tiến quan trọng. Thế giới dựa trên các mối quan hệ song phương có thể phục vụ cho các nước mạnh nhất, nhưng chủ nghĩa đa phương đã xây dựng sân chơi lớn, trong đó các nước nhỏ, nghèo hơn có thể tham gia và thịnh vượng. Họ sẽ phải chịu đựng nếu họ phải tự bào chữa cho mình. 

Quan điểm chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc đã làm gia tăng tầm vóc của nước này với các nước có nền kinh tế nhỏ hơn. Bất chấp việc Mỹ phản đối mạnh mẽ, 57 quốc gia đã tham gia AIIB do Trung Quốc lãnh đạo, nhiều nước trong số đó là các đồng minh lâu năm của Mỹ, như Australia, Pháp, Đức, Israel, Saudi Arabia, Hàn Quốc và Anh. 

Trong quý 1 năm 2017, 13 nước khác đã đồng ý tham gia, bao gồm Afghanistan, Bỉ, Canada, Hungary, Ireland và Peru.

Nếu Washington rút lui về chủ nghĩa song phương và Bắc Kinh muốn lấp khoảng trống, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải tiếp tục phát triển và các nền kinh tế mới nổi khác sẽ phải tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong số các thành viên TPP, đại đa số các nước như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, đang phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi đây là đối tác thương mại lớn nhất của họ cũng như của các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới. Nhưng nếu Mỹ hướng về bảo hộ, nền kinh tế Trung Quốc với trị giá 12.000 tỷ USD vẫn chưa thể đủ lớn để một mình hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.

Chính quyền mới tại Mỹ đổ lỗi cho các thỏa thuận thương mại đã gây ra tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất, thâm hụt thương mại và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ như Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico.

Trong ngắn hạn, Chính phủ Mỹ có thể sẽ đưa ra các biện pháp tăng thuế có chủ đích, ví dụ đối với thép nhập khẩu, cũng như các hình phạt chống bán phá giá nặng và hạn chế thương mại quy mô lớn hơn với lý do là để đối phó với việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. 

Mỹ cũng có thể thử đe dọa các công ty, kêu gọi họ thành lập các nhà máy ở Mỹ. Cho đến nay, ngoài việc phá vỡ thỏa thuận TPP và chỉ trích gay gắt các thỏa thuận thương mại, các đối tác thương mại, ông Trump đã kiềm chế không đưa ra các hành động hung hăng hơn.

Nhưng nếu chương trình nghị sự trong nước bị mắc cạn, chính phủ của ông Trump thất vọng sẽ có thể quay trở lại các chính sách bảo hộ mạnh mẽ hơn và trong trường hợp tồi tệ nhất, sẽ bắt đầu cuộc chiến thương mại với các nước khác.

Tuy nhiên, có một kịch bản lạc quan hơn. Cải cách thuế, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và bãi bỏ quy định - tất cả các mục tiêu của chính quyền mới - có thể kích thích đầu tư tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ, cùng với đó là tăng trưởng toàn cầu. 

Để đạt được kết quả này, ông Trump cần tránh sa lầy trong các cuộc chiến không cần thiết, bất đồng với các phương tiện truyền thông và tòa án, củng cố sự ủng hộ của nội bộ đảng tại Quốc hội. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp ở các nước khác nên hy vọng điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Kỷ nguyên tự động hóa
Bất chấp trọng tâm vào toàn cầu hóa, về lâu dài, lực lượng quan trọng nhất tạo ra thị trường lao động và bất bình đẳng về thu nhập sẽ không phải là thương mại hoặc chính trị mà là sự thay đổi về công nghệ. 

Tự động hóa đã chuyển đổi các nền kinh tế của thế giới phát triển và bản chất của việc làm ở đó và hầu hết các chuyên gia tin rằng phạm vi mở rộng tự động hóa là rất lớn. Khi chi phí giảm và tốc độ đổi mới tăng lên, tác động của tự động hóa sẽ lan đến các quốc gia có thu nhập trung bình và cuối cùng là với các nước có thu nhập thấp hơn.

Khi công nghệ đòi hỏi nhiều vốn thay thế cho sản xuất cần nhiều lao động, các nước đang phát triển ở giai đoạn đầu ở châu Phi và Đông Nam Á sẽ không còn được hưởng lợi thế so sánh với mức lương và chi phí sản xuất thấp hơn. Nhìn chung, thương mại hàng hóa có thể sẽ giảm do giá nhân công không còn đóng vai trò quyết định nơi sản xuất hàng hóa, cho phép sản xuất di chuyển đến gần người tiêu dùng hơn và cắt giảm chi phí vận chuyển, hậu cần.

Tất nhiên, không ai biết chắc chắn rằng những thay đổi này sẽ diễn ra nhanh như thế nào và mọi quốc gia nên đầu tư vào giáo dục, công nghệ và cơ sở hạ tầng để có thể dự đoán tốt hơn. Thời điểm này, thương mại sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép các nền kinh tế đang phát triển phát triển nhanh chóng. 

Mặc dù thương mại hàng hóa vật chất có thể suy giảm, thương mại dịch vụ có thể sẽ tăng lên, vì ngày càng có nhiều dịch vụ có thể được thực hiện từ xa. Do đó, các nước đang phát triển nên tìm cách phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực có thể giao dịch. Các nước đang phát triển cũng nên đầu tư vào các trung tâm đổi mới, có thể giúp thay thế việc làm đã mất trong lĩnh vực sản xuất.

Lịch sử của thay đổi công nghệ đã chứng minh, công nghệ chỉ loại bỏ các công việc cụ thể, chứ không thay thế lao động

Khi đạt được mức thu nhập trung bình, các nước đang phát triển sẽ không còn là các thị trường lao động giá rẻ. Các nước như vậy nên học theo Trung Quốc bằng cách đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao. Làm như vậy đã giúp Trung Quốc thay đổi lối sản xuất truyền thống và vượt qua một số đối thủ cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp mới đầy hứa hẹn như robot học, năng lượng tái tạo, tin nhắn di động và thương mại điện tử.

Lịch sử của thay đổi công nghệ đã chứng minh, công nghệ chỉ loại bỏ các công việc cụ thể, chứ không thay thế lao động, ít nhất là không phải trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, tự động hóa làm cho một số loại vốn con người trở nên dư thừa. Điều này có thể gây ra những sự chuyển tiếp khó khăn và đôi khi kéo dài, đối với cả cá nhân và nền kinh tế. Tuy nhiên, máy móc nâng cao năng suất của con người, tăng thu nhập và sự thịnh vượng. 

Như các nhà kinh tế học Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã giải thích, các nền kinh tế đã chuyển từ việc tạo ra công ăn việc làm mà máy móc là những sản phẩm thay thế sang tạo ra công ăn việc làm mà máy móc là phần bổ sung.

Đầu tư thông minh trong đào tạo nghề có thể đẩy nhanh và làm chậm lại sự chuyển tiếp. Các nhà hoạch định chính sách nên học hỏi từ các nước Bắc Âu, nơi các chính phủ kết hợp các chương trình đào tạo với rất nhiều các hình thức hỗ trợ thu nhập và tái phân phối khác nhau. 

Các chính phủ không nên chỉ đào tạo cho người thất nghiệp. Những lao động thu nhập trung bình bị sa thải, những người cuối cùng thường có các công việc dịch vụ với thu nhập thấp, có thể được hưởng lợi từ việc tái đào tạo, giúp họ cạnh tranh để kiếm được công việc có lương cao hơn.

Cứu toàn cầu hóa
Những dự đoán cho rằng kỷ nguyên toàn cầu hóa sẽ sớm chấm dứt là quá bi quan. Chắc chắn, sự mở rộng nhanh chóng của thương mại, dòng vốn xuyên biên giới gia tăng và trên tất cả, sự lan rộng của các công nghệ mới đã chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu.

Chúng đã tạo ra những thách thức khó khăn và các quốc gia sẽ tiếp tục cố gắng thúc đẩy tăng trưởng và năng suất, đồng thời giảm sự bất bình đẳng và tạo việc làm tốt. Nhưng cũng sẽ có những cơ hội to lớn. Quay ngược thời gian để khôi phục các khuôn khổ cũ là không thể. Thách thức là xây dựng những cái mới có ý nghĩa.

Giương cao ngọn cờ bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc có thể thu hút sự ủng hộ của người dân, ít nhất là tạm thời. Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng cuối cùng, nó có thể đe dọa đến hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu.

Mỹ và thế giới nói chung sẽ trở nên tốt hơn nhiều nếu họ có thể tìm ra con đường dẫn tới toàn cầu hóa bền vững hơn, cải cách trật tự toàn cầu hiện tại thay vì hủy bỏ nó hoàn toàn./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Quảng cáo sản phẩm