Trung Quốc giảm nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam

11/08/2016 12:00 - 891 lượt xem

Trong 6 tháng đầu năm, dù xuất khẩu nông sản có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều mặt hàng nông sản lại giảm rất mạnh như gạo, sắn, dăm gỗ… Một trong những nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2016 với bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm, mặt bằng giá cả hàng hóa ở mức thấp, cộng thêm sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình hình khô hạn, xâm nhập mặn nặng nề dẫn tới tăng trưởng âm, nhưng xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các mặt hàng tăng trưởng tốt về xuất khẩu là cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả; thủy sản và lâm sản tăng nhẹ.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam nhưng nước này đã giảm nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là gạo, sắn và dăm gỗ đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

The báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại buổi họp sơ kết 6 tháng ban chỉ đạo thị trường và giao ban với các doanh nghiệp xuất khẩu diễn ra ngày 9-8 tại Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn tới việc xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh là do phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho hay Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo hành lang pháp lý cho gạo và cám gạo của Việt Nam sang thị trường này thuận hơn. Song Trung Quốc đã lùi thời hạn áp dụng từ tháng 9 đến tháng 11. Ngoài ra, vẫn chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc theo Nghị định thư này.

Không chỉ gạo, theo phát biểu của ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản rất thấp và dự kiến sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 10% như nhiều năm trước đây. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ 6 tháng đầu năm giảm rất mạnh, khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Quyền, xuất khẩu dăm gỗ giảm chủ yếu do thị trường Trung Quốc, nơi chiếm tới một nửa lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam, giảm mua. Đồng thời, họ cũng giảm giá dăm nhập khẩu từ Việt Nam. Năm 2015, nếu như bán một tấn dăm khô khoảng 144 đô la Mỹ thì nay chỉ còn 132-126 đô la Mỹ. Hơn nữa, do chất lượng dăm của Việt Nam không cao nên bị cạnh tranh gay gắt từ các nước như Úc, Brazil, NewZeland….

Việc xuất khẩu sắn trong 6 tháng đầu năm cũng gặp rất nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu đã giảm gần 45% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm tới hơn 85% thị phần sắn xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, xuất khẩu sắn theo đường tiểu ngạch sang thị trường này gặp rất nhiều khó khăn do phía Trung Quốc đã đóng gần như các cửa khẩu biên giới 2 tháng nay. Song, một điều ông Tiến không hiểu là vì sao chất lượng sắn ở các nước khác tương tự như Việt Nam nhưng phía Trung Quốc lại tăng mua.

Ngoài ra, đối với ngành sắn, do giá dầu trên thế giới vẫn đứng ở mức thấp, tác động tới việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học dẫn đến giảm chế biến nguyên liệu sinh học bằng sắn lát.

Một mặt hàng nữa là thịt heo. Xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc cũng đã bị dừng lại khoảng 3 tháng nay khiến giá heo cũng đã sụt giảm mạnh tại thị trường trong nước. Hiện nay giá heo chỉ còn khoảng 46.000 đồng/kg, trong khi có thời điểm lên 56.000 đồng/kg.

Bà Dương Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Con số này là chưa chính xác vì xuất khẩu tiểu ngạch chưa được thống kê vào số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan. Điều này cho thấy Trung Quốc là một thị trường lớn và trọng điểm của ngành nông nghiệp.

Vừa rồi, khi làm việc với Bộ Công Thương, phía Trung Quốc cho rằng họ sẽ tạo điều kiện tối đa cho hàng nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông lâm thủy sản, trong đó có rau quả, chăn nuôi, gạo…

“Song Trung Quốc cũng đưa ra thông điệp rõ ràng là trong thời gian tới họ sẽ siết hoạt động nhập khẩu biên mậu, tăng cường công tác chống buôn lậu. Họ có nói rõ là sẽ tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm”, bà Thảo nói.
 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Quảng cáo sản phẩm