Trung Quốc lên án EU vì áp dụng ồ ạt các biện pháp chống bán phá giá đối với nước này

25/09/2008 12:00 - 1281 lượt xem

Tin từ Xiamen, Trung Quốc (Reuters) – Ngày 9/9/2008, một quan chức cấp cao của Bộ thương mại cho biết châu Âu nên thừa nhận năng lực cạnh tranh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong việc sản xuất với chi phí thấp và chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá lên các công ty của Trung Quốc.

Liên minh Châu Âu đã tiến hành 12 vụ kiện chống bán phá giá chống lại Trung Quốc trong vòng 12 tháng qua đối với rất nhiều các sản phẩm khác nhau từ các loại búp bê đến bóng đèn tiết kiệm điện năng sau khi có kết luận là các công ty sản xuất các mặt hàng này của Trung Quốc bán hàng với giá thấp hơn chi phí sản xuất.

Cheng Yongru, giám đốc Ban thương mại công bằng đối với xuất nhập khẩu thuộc Bộ thương mại Trung Quốc , cho biết EU nên chấp nhận năng lực của Trung Quốc như một chức năng của phân công lao động quốc tế.

Ông cho biết thêm “Các công ty của EU nên thay đổi quan điểm của họ để thích  nghi với xu hướng toàn cầu hóa. Ở mức độ toàn cầu hóa hiện nay thì lợi thế của Trung Quốc là các ngành sản xuất gia công, chi phí thấp và cần nhiều nhân công.”  

Ông Cheng phát biểu bên lề một hội thảo về đầu tư ở phía Nam Xiamen “EU nên nhận thấy điều này và cố gắng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao, xa xỉ và các ngành dịch vụ của mình, đây là những ngành mà họ có lợi thế.”

Ủy viên thương mại EU, ông Peter Mandelson, thực hiện chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 9, đã thúc giục Trung Quốc mở cửa thị trường đối với hàng hóa và đầu tư nước ngoài để  xoa dịu làn sóng phản đối Trung Quốc ngày càng gia tăng từ Châu Âu và thặng dư thương mại tăng vọt của nước này với Châu Âu.

Một ngày sau khi các nguồn tin liên quan đưa tin, ông Cheng cho biết 27 thành viên của Liên minh Châu Âu dường như sẽ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam trong khi Brussels xem xét các yêu cầu áp mức thuế này một cách chính thức.

Các nhà sản xuất giày hàng đầu của Châu Âu cũng bày tỏ mối quan ngại ngày càng gia tăng về “việc lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá” trong các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu và thúc giục khu vực này nên ngừng áp thuế đối với mặt hàng giày nhập khẩu.”

Chủ tịch Hiệp hội ngành sản xuất đồ thể thao Châu Âu trong đó có các công ty như Adidas, ông Alberto Bichi phát biểu “ Liên minh Châu Âu đang tự đánh chính mình nếu họ giả vờ rằng việc phá vỡ các dây chuyền cung cấp quốc tế là có lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự sáng tạo và tính cạnh tranh của các công ty”.

Ông Cheng cho biết EU cũng đang lặp lại sai lầm trong việc xem các công ty của Trung Quốc hoạt động trong nền kinh tế thị trường, điều này giúp các công ty của  Trung Quốc tránh khỏi các biện pháp chống bán phá giá của  EU.

EU vẫn chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trên cấp độ quốc gia, và cho rằng nhà nước còn đóng vai trò quá lớn trong nền kinh tế của quốc gia này.

Liệu EU có áp thuế đối với sản phẩm thép và chốt cài?

Ông Cheng chỉ ra một số công ty lớn của Châu Âu, trong đó có nhà sản xuất thép ArcelorMittal, đã lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá vì lợi ích của riêng mình.

Hiện nay, Châu Âu đang điều tra các nhà xuất khẩu thép của Trung Quốc sau khi các nhà sản xuất Châu Âu nộp đơn kiện.

Theo tin từ một ấn phẩm thương mại của ngành thép vào cuối tháng 7 vừa qua thì EU dường như không  có ý định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với  thép mạ kẽm (hot-dip galvanised) - một mặt hàng  đang trong quá trình điều tra.

Vào tháng 8, các nhà sản xuất Châu Âu cho biết trong một cuộc điều tra về chốt cài bằng thép của Trung Quốc, Brussels đã tìm thấy bằng chứng cho thấy có hiện tượng bán phá giá nhưng đã không áp thuế chống bán phá giá trong khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục được thực hiện.

WTO cho biết  Trung Quốc là đối tượng lớn nhất của các cuộc điều tra chống bán phá giá mới được tiến hành trong nửa năm cuối 2007, với 40 cuộc điều tra do EU và các nước xuất khẩu khác của Trung Quốc tiến hành.

Ông Cheng cho biết “Trung Quốc rất quan ngại về việc này vì EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và nước này mong muốn đạt được tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ổn định vào khu vực này”.

Chủ nghĩa bảo hộ chỉ là một trong số nhiều vấn đề hóc búa mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải đối mặt. Chi phí môi trường và nhân công tăng mạnh, cùng với việc tăng giá nguyên liệu thô, duy trì tiền tệ mạnh, thắt chặt tín dụng ngân  hàng và các chính sách của chính phủ nhằm kiềm chế xuất khẩu những mặt hàng giá rẻ, tất cả những điều này đang làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.

Trung Quốc đã hỗ trợ lĩnh vực sản xuất mặt hàng dệt may bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng cho các nhà xuất khẩu từ ngày 1 tháng 8.  

Ông Cheng nói rằng động thái này cho thấy mối quan ngại của chính phủ đối với các ngành cần nhiều nhân công,  nhưng ông từ chối không trả lời câu hỏi liệu rằng sự giúp đỡ tương tự có được giành cho các ngành khác hay không.

Nguồn : www.reuters.com
Quảng cáo sản phẩm