Ứng phó với phòng vệ thương mại: Không thể lơ là

22/04/2019 12:00 - 612 lượt xem

Số vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng gia tăng đòi hỏi cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp… phải có phương án ứng phó phù hợp. 

Diễn biến khó lường

Theo đánh giá của ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) - diễn biến PVTM trên thế giới đang ngày càng phức tạp. Hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với trên 140 vụ việc khởi xướng điều tra PVTM có liên quan tới hàng xuất khẩu (XK). Những vụ việc phần lớn đều liên quan tới đối tác là thị trường XK lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ… Tuy nhiên, gần đây, có sự xuất hiện của một số thị trường mới của ASEAN. Thêm vào đó, nếu như trước kia, chỉ có một số mặt hàng kim ngạch XK lớn, giá trị cao như thép, thủy sản… bị điều tra, thì nay, nhiều mặt hàng kim ngạch XK nhỏ cũng nằm trong diện điều tra, nguy cơ bị áp thuế.

Ngay cả điều kiện điều tra, quy tắc cũng khắt khe hơn trước. Các nước điều tra gia tăng biện pháp phi truyền thống; không chỉ điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC), tự vệ... mà còn theo dõi rất kỹ các luồng giao dịch thương mại, chống lẩn tránh thuế từ nước thứ 3.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Trưởng phòng PVTM Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI - cho biết, theo quy định của WTO, để đứng đơn khởi kiện CBPG, CTC hoặc tự vệ, bên đi kiện phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện: Sản xuất ít nhất 25% tổng lượng sản phẩm liên quan sản xuất tại Việt Nam; đơn kiện phải nhận được sự ủng hộ của các DN sản xuất ít nhất 50% tổng lượng sản phẩm liên quan sản xuất tại Việt Nam. Điều này không hề đơn giản với DN Việt khi chủ yếu là DN nhỏ và vừa, mức độ liên kết ngành thấp.

Ngoài ra, các vụ PVTM còn phức tạp về pháp lý, thông tin, tài chính kế toán... DN vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế về nhân lực, nguồn tài chính và kinh nghiệm nên rất khó đáp ứng đầy đủ nếu không có sự trợ giúp của cơ quan chức năng, hiệp hội…

5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành "Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025".
Chương trình tổng thể về PVTM đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về PVTM; tăng cường thực thi các quy định pháp luật về PVTM; nâng cao năng lực sử dụng biện pháp PVTM cho ngành công nghiệp trong nước; nâng cao năng lực về PVTM của các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với vụ việc PVTM nước ngoài.

Các nhóm nhiệm vụ trên được cụ thể hóa thành những chương trình, hoạt động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia. Từ đó, tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do; nâng cao năng lực sử dụng biện pháp PVTM; ứng phó hiệu quả các vụ kiện PVTM bảo vệ ngành công nghiệp trong nước; nâng cao kiến thức về PVTM cho cán bộ, công chức, nhân viên ở cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Nguồn: Báo Công thương
Quảng cáo sản phẩm