VASEP phản biện quy định ghi nhãn 'hàng hóa Việt Nam' đối với hàng xuất khẩu

12/08/2020 12:00 - 213 lượt xem

Dự thảo nghị định về ghi nhãn hàng hóa bắt buộc hàng hóa xuất khẩu phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước xuất khẩu. Tuy nhiên, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đây là điều bất hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp, không thực sự hữu ích cho người tiêu dùng.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đơn vị này vừa có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý hai dự thảo đang được lấy ý kiến, đó là dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa và dự thảo thông tư ghi nhãn điện tử.

Theo đó, VASEP đề nghị bỏ “hàng hóa xuất khẩu” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định ghi nhãn hàng hóa. Bởi, việc cho “hàng hóa xuất khẩu” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo là bất hợp lý, tốn kém, bất khả thi, trái với thông lệ quốc tế...

Cụ thể, theo VASEP, hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, trong khi phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước xuất khẩu là bất hợp lý, gây tốn kém và không có lợi gì cho người tiêu dùng, thậm chí bất khả thi khi pháp luật Việt Nam và pháp luật nước xuất khẩu có điểm khác biệt.

VASEP cho biết, quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã được cân nhắc với thực tiễn và thông lệ quốc tế, chưa có bất cứ báo cáo đánh giá tác động nào khẳng định rằng việc “không quy định” đã ảnh hưởng và gây hệ luỵ đến giao thương, kinh tế và hội nhập.

Về tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, VASEP dẫn chứng, ngành thuỷ sản mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn thành phẩm thuỷ sản hay ngành da giày mỗi năm xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi giày dép các loại (năm 2017 là 1,02 tỉ đôi). “Nếu phải thay đổi nhãn, sẽ tốn thêm 100 đồng để làm nhãn mới cho mỗi đôi dép, thì ngành da giày đã tốn hơn 100 tỉ đồng mỗi năm”, VASEP dẫn chứng và cho biết nếu tất cả các ngành sản xuất khác đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại của tất cả các ngành kinh tế do việc thay nhãn sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Lý giải cho nhận định bất khả thi, VASEP cho rằng, hàng xuất gia công thường chỉ ghi tên của chủ sở hữu như: Cotsco, Walmart, AquaStar.... theo luật của Mỹ và châu Âu, cho nên, dự thảo bắt ghi tên nhà sản xuất theo luật Việt Nam chắc chắn nhiều đối tác không chấp nhận.

Còn với lập luận cho rằng trái với thông lệ quốc tế, theo VASEP, thông lệ quốc tế quy định các tổ chức, cá nhân xuất khẩu tại Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo giao kèo trong hợp đồng, còn người nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu. “Đây chỉ nên là lưu ý cho các doanh nghiệp cẩn trọng khi ký kết hợp đồng, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thay cho doanh nghiệp nước ngoài được”, VASEP nhấn mạnh.

Chính những lý do như nêu ở trên, VASEP đề nghị bỏ cụm từ “hàng hóa xuất khẩu” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo ghi nhãn hàng hóa như nêu ở trên.
 
Quảng cáo sản phẩm