Vì sao Trung Quốc đột ngột “giảm ăn” gạo Việt?

18/07/2018 12:00 - 1152 lượt xem

Tuy vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay nhưng khối lượng bán vào Trung Quốc đã sụt giảm mạnh, nhất là trong tháng 6-2018.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 3,6 triệu tấn với trị giá đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 30% thị phần trong 5 tháng đầu năm 2018.

Xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 884.000 tấn với trị giá đạt hơn 449 triệu đô la, giảm 21,1% về khối lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Đình Bích, Chuyên gia phân tích ngành lúa gạo Việt Nam cho rằng trong tháng 6-2018, Trung Quốc nhập khẩu của Việt Nam chỉ 48.000 tấn, trong khi còn số của cùng kỳ năm 2017 là 160.000 tấn. Còn nếu so với con số thấp nhất của năm 2016, thì kết quả cũng cao hơn gấp đôi so với kết quả của tháng 6-2018, tức tháng nhập khẩu thấp nhất của năm 2016 cũng đạt xấp xỉ 100.000 tấn.

Sụt giảm nhập gạo của Trung Quốc từ Việt Nam được ông Bích cho rằng “là điều không bình thường”. Bởi, nếu so với tháng 6-2015, thì xuất khẩu gạo Việt Nam vào Trung Quốc trong tháng 6-2018 đã giảm đến hơn 210.000 tấn (tháng 6-2015 đạt 263.000 tấn).

Bà Lưu Thị Lan, Phó giám đốc Công ty cổ phần Gentraco khi trao đổi với TBKTSG Online cho biết, việc thị trường Trung Quốc thay đổi mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gạo nếp (loại gạo Việt Nam đạt khối lượng xuất khẩu đến hơn 1 triệu tấn vào Trung Quốc trong năm 2016 và 2017) từ 5% lên 50% và đã áp dụng từ 1-7-2018 cũng như biến động giữa đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ khiến xuất khẩu gạo vào Trung Quốc đột ngột giảm mạnh.

“Đó là hai nguyên nhân làm xuất khẩu gạo vào Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng”, bà nhấn mạnh.

Theo bà Lan, một nguyên nhân khác là việc thị trường này tăng cường kiểm soát nhập khẩu gạo tấm. “Lượng gạo tấm xuất sang Trung Quốc trước đây rất nhiều, nhưng cuối năm ngoái họ kiểm soát chặt quá nên các doanh nghiệp không dám xuất khẩu tấm nữa, đó cũng là một lý do lớn”, bà nói và cho biết trước đây doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo tấm cho các nhà máy làm bánh và chế biến rượu của Trung Quốc rất nhiều, nhưng 6 tháng đầu năm nay hầu như doanh nghiệp không dám xuất khẩu nữa.

Thực tế, hồi đầu năm 2018, đã có 3 doanh nghiệp Việt Nam (3 trong số 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc) bị Trung Quốc “tuýt còi” do trong sản phẩm gạo tấm xuất khẩu vào đây có số lượng hạt cỏ vượt quy định cho phép của thị trường này.

Được biết, trong năm ngoái đã có khoảng 700.000 tấn gạo tấm của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, việc siết chặt này có thể đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2018.

Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Đình Bích, thì việc Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo Việt Nam có khả năng xuất phát từ giá bán bị đẩy lên quá cao.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thịnh Phát cho rằng, trong bối cảnh nhập khẩu tiểu ngạch bị quản lý chặt và hầu như không đi được để chuyển sang chính ngạch, thế nhưng, chính ngạch cũng bị đề ra những yêu cầu rất khắc khe nên bị sụt giảm. “Điển hình là Trung Quốc đề ra yêu cầu phải có giấy phép của họ cấp, thì thương nhân mới được xuất khẩu vào thị trường của họ. Nhưng, khi cấp phép rồi thì hiện nay họ lại tìm đủ mọi cách ngăn bớt, mà cụ thể là đã có 3 doanh nghiệp bị đình chỉ xuất khẩu gạo tấm”, ông lý giải.
Nguồn: Thời báo Knh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm