Việt Nam tính rủi ro khi làm ăn với Trung Quốc thế nào?

02/12/2014 12:00 - 721 lượt xem

Với Trung Quốc là câu chuyện dễ rơi vào chi phí thấp, nếu Việt Nam chỉ phát huy lợi thế tĩnh thì mãi chỉ nằm ở đáy của chuỗi giá trị.

Đó là cảnh báo của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khi đề cập đến sự chuyển mình của kinh tế Trung Quốc và một số vấn đề Việt Nam cần phải tính đến trong quan hệ làm ăn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Không thể không chơi

Theo TS. Võ Trí Thành, vào thời điểm này, Trung Quốc đang có hai mong muốn. Về đối ngoại, quốc gia này muốn cho cả thế giới thấy sự trỗi dậy hòa bình của mình, thể hiện ở tiếng nói của Trung Quốc, cách chơi của Trung Quốc, trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và sự quốc tế hóa dần đồng Nhân dân tệ.

Về đối nội, Trung Quốc muốn tái cấu trúc thành công, bởi hiện nay nước này đang rơi vào sự mất cân bằng. Đó là sự mất cân bằng về tiêu dùng và đầu tư, vấn đề tăng trưởng hiệu quả, công nghệ, quản lý, thân thiện với môi trường. Trung Quốc cũng muốn tái cấu trúc một phần chính sách dân số, bảo hiểm xã hội, sinh thái...

"Các nước trên thế giới đang nhìn nhận Trung Quốc là nước lớn không thể không chơi. Khi chúng ta nói thoát Trung, tôi cho rằng có hơi cực đoan một chút, xét dưới góc độ kinh tế, vì ngay cả Mỹ cũng phải chơi với Trung Quốc. Ngoài ra, thế giới cũng đang nhìn nhận Trung Quốc đang muốn tiến tới điểm đặt ra luật chơi cho toàn cầu" - TS. Thành chỉ rõ.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, có 3 tác động lớn từ phía Trung Quốc đến các nước khác, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cụ thể, các nước sẽ có xu hướng phát triển cùng chiều với Trung Quốc, sự tác động do Trung Quốc đem lại mang tính tích cực khá cao.

Thứ hai, các nước sẽ phát triển theo xu thế khác biệt với Trung Quốc nhưng mang tính bổ sung của kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế khác.

"Điều này có thể xuất phát từ quy mô kinh tế của Trung Quốc, do dòng vốn của Trung Quốc tràn sang các nước khác, do sự khác biệt về cấu trúc dân số hay do sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc, chuyển dịch giữa các lĩnh vực, ngành sản xuất khi Trung Quốc phát triển cao hơn sang các nền kinh tế thấp hơn trong một giai đoạn nhất định" - TS. Thành lý giải.

Tác động thứ ba, theo TS Thành rất phức tạp, đó là chủ nghĩa dân tộc, vấn đề cạnh tranh và những lo ngại về trò chơi của Trung Quốc có đủ minh bạch và ít bị chính trị hóa hay không.

"Trung Quốc vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức, nhưng có lẽ cơ hội nhiều hơn thách thức", ông Thành mượn câu nói của một chuyên gia kết lại.

Trước lo ngại Trung Quốc sẽ tuồn "rác công nghệ" sang các nước phát triển thấp hơn, trong đó có Việt Nam, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, về lý thuyết và thực tiễn, có cạnh tranh tĩnh và cạnh tranh động.

Cạnh tranh tĩnh là lợi thế so sánh vốn có của Việt Nam, lợi thế so sánh vốn có ở mức nào thì sự tham gia vào quá trình thương mại đầu tư vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị ở mức ấy. Đó là phát huy lợi thế so sánh, ví dụ những ngành hàm lượng lao động cao, nhưng đồng thời phải dần tạo ra lợi thế so sánh về cạnh tranh động, những cái do cạnh tranh, công nghệ, quản lý, lợi thế nhờ quy mô...

"Dưới góc độ ấy, với lợi thế vốn có của mình, mức độ phát triển của Việt Nam, tạm gọi là cũng phải "chấp nhận". Dòng rác công nghệ có thể không phải chỉ từ Trung Quốc mà từ đâu đó đến. Chẳng nhẽ Mỹ mang sang công nghệ tốt nhất sang Việt Nam? Có thể, nhưng chưa chắc. Mà ngay cả họ mang công nghệ tốt nhất sang,Việt Nam cũng chỉ tham gia vào mấy phân khúc phù hợp với năng lực của mình, trong chuỗi giá trị gia tăng thấp nhất mà thôi. Cho nên phải hiểu để tránh cái nhìn thoát ly khỏi thị trường, thoát ly khỏi kinh tế", ông Thành nói.

Việt Nam phải lưu ý gì?

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, Việt Nam có ba vấn đề cần quan tâm. Trước hết là bài học trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có Trung Quốc. Theo ông Thành, một thời gian dài Việt Nam quan tâm đến số lượng, đến đồng tiền, có bao nhiêu vốn... như là một thành tích, nhưng bây giờ Việt Nam phải quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng.

Đó là vì cách nhìn về phát triển phải bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường, đồng thời chất lượng, mức phát triển của Việt Nam cũng cao hơn trước.

Thứ hai, đó là vấn đề giám sát xúc tiến đầu tư bên cạnh quá trình tự do hóa. Không thể nói tự do hóa với nhiều nước mà lại không nhận của nước này, nước kia. Vấn đề là trò chơi về xúc tiến thương mại, cách thức giám sát, tiêu chuẩn đặt ra thế nào.

Thứ ba, câu chuyện với Trung Quốc là câu chuyện của quan hệ thị trường, quan hệ hội nhập nhưng bên cạnh đó có ba rủi ro mà Việt Nam phải tính đến trong quan hệ làm ăn. Theo đó, bên cạnh các rủi ro chung trong làm ăn kinh tế phải tính đến chuyện dù mình thích hay không thích, tức rủi ro về chính trị có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh.

"Làm kinh doanh phải tính đến tất cả các rủi ro để lựa chọn. Đó là cách mà Việt Nam đang làm: mở rộng các chân trời chơi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nhìn rủi ro để chơi, chứ không phải không thích thì không chơi", ông Thành lưu ý.

Với Trung Quốc là câu chuyện dễ rơi vào chi phí thấp. Nếu Việt Nam chỉ phát huy lợi thế tĩnh thì mãi mãi chỉ nằm ở đáy của chuỗi giá trị cho nên phải biết chơi với những người khác, tự vươn lên để nâng cao dần trong chuỗi giá trị, tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Chính điều này giúp Việt Nam tranh được rủi ro chỉ phụ thuộc vào một nước và bản thân cạnh tranh được với thế giới", TS Thành nói.

Một điểm nữa, TS Võ Trí Thành lưu ý, Trung Quốc có những chính sách khác nhau, như những chính sách gắn với WTO, hiệp định thương mại tự do và không loại trừ các vấn đề liên quan đến những nhân tố ngoài kinh tế. Vậy nên Việt Nam phải đánh giá tất cả những vấn đề tiềm tàng trong quá trình làm ăn cũng như hoạch định chính sách.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề cập đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và những tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Thành, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, với rất nhiều nước, nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này thể hiện rõ nét ở các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và quốc tế đang thực hiện, 6 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang đàm phán.

"6 hiệp định này đều chung một điểm là thúc đẩy mức độ hội nhập, thương mại đầu tư của Việt Nam gắn kết với các nước, khu vực và thế giới sâu sắc hơn vì mức độ tự do hóa về thương mại, đầu tư dịch vụ của các hiệp định này cao hơn, đặc biệt là những hiệp định như TPP, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hiệp định ASEAN+6". Đối với Việt Nam, rất nhiều nghiên cứu cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể, nhất là những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt. Với đầu tư, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên, các hiệp định này, đặc biệt là TPP, hiệp định Việt Nam-EU, những hiệp định chất lượng cao, liên quan đến rất nhiều chính sách sau đường biên giới, các vấn đề cải cách thể chế ở bên trong quốc gia, nên nó phần nào gây sức ép, tạo cho Việt Nam có động lực để thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế. Nhìn một cách tổng thể, cam kết của các hiệp định này đảm bảo nếu được ký kết thì nó sẽ nhất quán, tương đồng với ý đồ, xu hướng cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đây mới là lý do quan trọng", ông Thành phân tích.

Dù vậy, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, không có nghĩa tất cả đều thắng trong cuộc hội nhập này. Hội nhập cũng có rủi ro, có một số ngành do năng lực cạnh tranh, do lợi thế so sánh cả tĩnh hay động không thể vươn lên thì có thể bị thu hẹp, thậm chí có thể có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ấy bị phá sản, phải dừng sản xuất, kéo theo những vấn đề xã hội, như về công ăn việc làm.

"Như vậy, bên cạnh lợi ích thúc đẩy cải cách thì phải biết tối thiểu các chi phí chuyển đổi trong quá trình hội nhâp. Hội nhập cũng là sự chuyển đổi các dòng vốn, sự kết nối mạnh mẽ hơn của kinh tế Việt Nam với thế giới cho nên quản trị kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Đây là bài học của Việt Nam sau khi gia nhập WTO.

Việt Nam đã có những sai lầm về chính sách nên gây ra bất ổn về kinh tế vĩ mô. Sự bất ổn này gây ra nhiều tai hại, đó là lòng tin đối với nền kinh tế của các nhà đầu tư, dù trong nước hay nước ngoài, tác động xấu đến thu nhập của những người yếu thế và nguồn lực bị đầu cơ nhiều hơn là các giá trị sản xuất kinh doanh bền vững", ông Thành nói.

Nguồn: Báo Đất Việt
Quảng cáo sản phẩm