“Vùng trắng” về chống bán phá giá

19/06/2015 12:00 - 1377 lượt xem

Các ngành hàng XK của Việt Nam ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), song nghịch lý là không ít DN, nhất là DN quy mô vừa và nhỏ hiện đang khá thờ ơ, bị động trong vấn đề này, thậm chí lãnh đạo DN còn chưa hiểu chính xác thế nào là CBPG.

Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các vụ kiện về CBPG đang ngày càng phổ biến và phức tạp hơn với các đặc điểm: Hiệu ứng dây chuyền, thời gian áp thuế gần như vô thời hạn do liên tục gia hạn, gây thiệt hại lớn cho DN, kể cả các DN nhỏ và vừa, chứ không chỉ các DN lớn như trước đây.

Các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, DN cần sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG để hạn chế thiệt hại do các vụ kiện này gây ra từ các nước NK; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, DN thành viên để xây dựng và triển khai chiến lược ứng phó, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân lực…

Không tìm hiểu vì chưa bị kiện

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Bắc Việt kiêm Phó chủ tịch Hội DN Trẻ Hà Nội cho biết: Từ trước tới nay, Thép Bắc Việt chưa phải đối mặt với vụ kiện CBPG nào. Ở hiện tại, khả năng những mặt hàng mà Công ty sản xuất bị kiện CBPG cũng rất thấp. Do đó, DN chưa dành sự đầu tư, quan tâm hay chuẩn bị gì liên quan tới đối phó với các vụ kiện CBPG mà chỉ tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

“Nếu đặt trường hợp có bị kiện CBPG, không riêng gì Thép Bắc Việt mà nhiều DN quy mô vừa và nhỏ khác cũng sẽ rất lúng túng. Thực tế, bản thân lãnh đạo DN còn chưa hiểu rõ bản chất của các vụ kiện CBPG ra sao, DN sẽ thua thiệt, được mất và phải đối phó như thế nào cho hiệu quả nhất… Có lẽ chỉ khi nào thực sự bị kiện CBPG, DN mới bắt đầu tìm hiểu thông tin, học hỏi từ các DN có kinh nghiệm và kiếm tìm sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng”, ông Trần Anh Vương nhấn mạnh.

Nói về cảnh báo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) về việc các DN cần sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG để hạn chế thiệt hại do các vụ kiện này gây ra từ các nước NK, ông Vương cho biết, đến nay DN còn chưa biết đến hệ thống cảnh báo sớm này. Trên thực tế, chỉ DN quy mô lớn, mới có sự đầu tư xa, quan tâm sử dụng các biện pháp phòng tránh trước các vụ kiện CBPG, còn DN nhỏ hầu như giữ tâm lý đến đâu lo đến đó.

Mới đây, mặt hàng gỗ dán và gỗ tấm MDF của Việt Nam đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ nghi ngờ bán phá giá và tiến hành điều tra. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Về hai vụ điều tra cụ thể thì chưa đáng lo. Đây là những điều tra xuất phát từ các quốc gia nằm ngoài dự đoán, mang tính chất thăm dò. Điển hình như trong vụ điều tra CBPG gỗ dán MDF của Ấn Độ, hiện nay phía Ấn Độ đang tìm hiểu xem DN Việt Nam sản xuất bao nhiêu, NK bao nhiêu vì DN Việt sản xuất gỗ dán khá ít, phía Ấn Độ lo ngại nguồn gỗ dán XK của Việt Nam có NK từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là thị trường đã bị Ấn Độ đánh thuế CPBG mặt hàng này.

“Điều đáng lo nhất là sự loay hoay, bị động của DN XK trong nước. Ở cả hai vụ điều tra, Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý cạnh tranh cũng như hiệp hội đã làm việc với nhau, có phản hồi với phía điều tra của nước bạn, dịch câu hỏi điều tra gửi để DN XK nghiên cứu, hướng dẫn cách trả lời cho DN… Các DN gần như tồn tại “vùng trắng” về CBPG. Thậm chí, hiện nay hiệp hội còn phải biên tập lại định nghĩa thế nào là bán phá giá để gửi cho DN”, ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định.

Yếu khâu tuyên truyền

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, bên cạnh sự bị động, tâm lý “nước đến chân mới nhảy” của phần đông DN Việt, nguyên nhân khiến cho các DN khá lúng túng, loay hoay khi đối diện với các vụ kiện CBPG là bởi khâu tuyên truyền về vấn đề này còn quá kém. Hiện nay chưa có tài liệu hướng dẫn nào về CBPG để DN tham khảo. Khi bị kiện hoặc gặp phải vấn đề vướng mắc nào đó, DN thường tìm tới hiệp hội, hiệp hội chủ động tìm hiểu cụ thể hơn rồi thông tin lại cho DN.

Liên quan tới vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam: Thiếu thông tin và những nghiên cứu cần thiết về những vấn đề có thể xảy ra khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới như các thay đổi về thuế suất NK, các cơ chế của WTO về CBPG hay tự vệ thương mại,… là điều khiến các DN lúng túng khi ứng phó với các vụ kiện. “Với riêng BlueScope, DN chú trọng phát triển thị trường trong nước nên ít bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện. Tuy nhiên, đối với thị trường XK, DN luôn chủ động tìm kiếm những khách hàng có cùng quan điểm xây dựng sản phẩm chất lượng cao và có thể chứng minh không vi phạm các định chế thương mại của WTO”, ông Phong nói.

Về khuyến cáo DN cần sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG để hạn chế thiệt hại do các vụ kiện này gây ra từ các nước NK, theo ông Phong, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn, ví dụ như định hướng cho các hiệp hội hoặc DN những bước cần chuẩn bị và cách thức giảm thiểu những rủi ro chứ không chỉ dừng ở chỗ cảnh báo.

“DN mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để có những qui chuẩn chặt chẽ hơn về chất lượng tôn thép nhằm ngăn chặn thép kém chất lượng NK vào Việt Nam, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh chủ động cung cấp thông tin số liệu XNK và hướng dẫn các DN cách thức phòng chống bị kiện và chủ động khởi kiện lên WTO nếu cần”, ông Phong nhấn mạnh.
18/06/2015
Nguồn: Báo Hải quan
Quảng cáo sản phẩm