Xuất khẩu 6 tháng cuối năm: Còn nhiều mối lo

20/07/2016 12:00 - 804 lượt xem

6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, lo ngại, để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 10% mà Quốc hội đã đề ra, các doanh nghiệp (DN), ban, ngành phải nỗ lực rất nhiều trong những tháng còn lại. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016, do Bộ Công thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 19-7.

Nhiều ngành sụt giảm

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông - lâm - thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7%; riêng nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ đạt 1,65 tỷ USD, giảm mạnh 39,4% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị sụt giảm, điển hình ngành gạo chỉ xuất khẩu được 2,66 triệu tấn, đạt 1,19 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 6,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm nay ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Dự báo 6 tháng cuối năm tình hình chưa khả quan khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm nhu cầu và các thị trường còn lại thì nhu cầu chưa rõ nét. Vì vậy, so với mức xuất khẩu 3,8 triệu tấn 6 tháng cuối năm 2015, năm nay VFA dè dặt đặt kế hoạch xuất khẩu đạt 3 triệu tấn gạo trong 6 tháng cuối năm.

Trong khi đó, nhiều ngành có tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm nhưng mục tiêu cả năm dự báo vẫn thấp. Chẳng hạn, ngành cà phê 6 tháng xuất khẩu đạt gần 900.000 tấn (tăng gần 40% về lượng và tăng gần 18% kim ngạch). Tuy vậy, dự báo cả năm chỉ xuất khẩu được 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,43 tỷ USD, tăng 10% về lượng nhưng giảm 7% kim ngạch. Dự báo cả năm xuất khẩu thủy sản cũng chỉ tăng khoảng 8%, trong khi các ngành khác như gỗ và các sản phẩm về gỗ chỉ tăng 1,4%; ngành cao su tăng 7,3% về lượng nhưng giảm 8,7% về kim ngạch... so với cùng kỳ.

Lo cũ chưa qua, lo mới ùa về!

Theo Bộ Công thương, nếu xét theo yếu tố chu kỳ thì xuất khẩu 6 tháng cuối năm luôn cao hơn 6 tháng đầu năm. Các mặt hàng xuất khẩu cũng bắt đầu được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký kết, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do thị trường thế giới còn nhiều trở ngại như sự suy yếu kinh tế ở các thị trường chủ lực, sự cạnh tranh gay gắt hơn do các nước có những mặt hàng xuất khẩu tương tự Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu để bù vào sụt giảm 6 tháng đầu năm...

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, biện pháp tăng cường xuất khẩu của các DN thuộc VFA trong 6 tháng cuối năm là củng cố thị trường truyền thống, mở thị trường mới. Tuy nhiên, một thực tế là thị trường truyền thống chưa củng cố được còn thị trường mới, cao cấp không đáp ứng được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. “Nếu các nước truyền thống cũng đặt yêu cầu chất lượng cao thì gạo Việt Nam không còn thị trường”, ông Huệ nói và cho rằng để phát triển xuất khẩu bền vững thì phải tổ chức lại từ khâu sản xuất. Đây cũng là ý kiến của Hiệp hội Thủy sản (Vasep) khi cho rằng, cần đẩy mạnh chương trình nuôi tôm sạch để lấy lại thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu.

Các hiệp hội Dệt may và Thủy sản còn kiến nghị cần dỡ bỏ bớt thủ tục hành chính. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep kiến nghị Chính phủ xem xét lại Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Theo Nghị định này, các lô hàng nhập khẩu để chế biến xuất khẩu phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm khiến thủ tục hành chính kéo dài và tốn kém thời gian của DN. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị điều chỉnh Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin trong sản phẩm dệt may.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, dù có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu năm nay phải quyết tâm phấn đấu bằng hoặc vượt năm vừa qua chứ không thể để sụt giảm. Bộ Công thương ghi nhận và cam kết tiếp thu ý kiến của DN và sẽ cụ thể hóa thành chính sách hướng tới môi trường minh bạch, hiệu quả cho DN trong sản xuất và xuất khẩu. Ông Trần Tuấn Anh cũng đồng tình với ý kiến của các hiệp hội trong tổ chức sản xuất và xuất khẩu bền vững, xây dựng thương hiệu và bảo đảm năng lực cạnh tranh; đồng thời cho biết sẽ sớm có hội nghị với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài trong xuất khẩu gạo, thủy sản. Riêng về Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương, Bộ trưởng cho biết điều này mâu thuẫn giữa yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy Bộ cân nhắc tìm hướng giải quyết hài hòa.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, sắp tới Bộ sẽ có đường dây nóng dành riêng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu để DN có điều kiện phản ánh các khó khăn vướng mắc, cũng như tham mưu chính sách để phát triển. 
Theo Báo Hà Nội Mới
Quảng cáo sản phẩm