Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp 3 tháng tăng gần 100%

29/03/2024 05:02 - 7 lượt xem

Bộ NN&PTNT cho biết, ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

 

Theo đó, quý I năm 2024 ước đạt 2,9 - 3% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó trồng trọt tăng 2,02%; chăn nuôi tăng 4,34%, thủy sản tăng 3,46%; lâm nghiệp tăng 4,11%.

 

Về xuất khẩu, kim ngạch tháng 3 đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước cùng kỳ năm trươc. Trong đó, nông sản chính 2,75 tỷ USD (tăng 31,1% so tháng 3/2023), lâm sản chính 1,22 tỷ USD (giảm 0,3%), thủy sản 653 triệu USD (giảm 14,6%), chăn nuôi 43,6 triệu USD (tăng 8,3%), đầu vào sản xuất 173 triệu USD (tăng 0,2%).

 

Tính chung 3 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cũng kỳ năm trước nên kim ngạch XK tăng, đạt 13,53 tỷ USD; đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%. Đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); Rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); Gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); Cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 799 nghìn tấn, tăng 44,4%).

 

Giá XK bình quân một số nông sản tăng như: Giá XK gạo 661 USD/T, tăng 5%; cà phê 2.373 USD/T, tăng 6,8%, cao su 1.462 USD/T, tăng 5,1%; hạt tiêu 4.153 USD/T, tăng 35,6%. Riêng hạt điều 5.329 USD/T, giảm 8,6%; chè 1.616 USD/T, giảm 2,2%; phân bón 412 USD/T, giảm 9,1%…

 

Giá trị XK tới các thị trường đều tăng. Trong đó XK sang Châu Á 6,27 tỷ USD (tăng 16,6%); Châu Mỹ 2,96 tỷ USD (tăng 27,2%); Châu Âu 1,85 tỷ USD (tăng 34,8%); Châu Đại Dương 188 triệu USD (tăng 22,9%) và Châu Phi 192 triệu USD (tăng 21,6%). Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường XK lớn nhất; giá trị XK sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Hoa Kỳ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.

 

Về thị trường trong nước, trong tháng 3, giá các mặt hàng nông sản không có biến động lớn. Giá lúa tiếp tục giảm ở các tỉnh ĐBSCL; thị trường trái cây giảm so với tháng trước do cầu tiêu thụ giảm; giá lợn hơi có tín hiệu tốt khi giá có xu hướng tăng ở cả 3 miền (tăng trung bình 1.000-2000 đồng/kg); giá tôm thẻ chân trắng (loại 55 con/kg) là 160.556 đồng/kg (giảm 5,6% so với tháng trước); giá cá tra là 28 nghìn đồng/kg, (tăng 4,5% so với tháng trước).

 

Về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ NN&PTNT cho biết tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) được giám sát đạt yêu cầu 99,6%, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP đạt 99,4%, giảm 0,2; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh NLTS ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đạt 92%, tăng 3%.

 

Triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường năm 2024 và tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch; đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ATTP trong sản xuất kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Bộ NN&PTNT cũng đang hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Bộ cũng đang chỉ đạo các địa phương xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm NLTS đến người tiêu dùng trên toàn quốc; đến nay, có 2.510 chuỗi được kiểm soát và duy trì. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát về ATTP, đặc biệt tại các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh.

 

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Quảng cáo sản phẩm