Xuất khẩu dệt may 2019 khó cán đích 40 tỷ USD

22/07/2019 12:00 - 742 lượt xem

Tình trạng các DN dệt may khan hiếm đơn hàng xuất khẩu đang diễn ra khá phổ biến. Điều này khiến cho mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 trở nên khó khăn. 

Theo thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam cung cấp tại buổi họp báo về tình hình xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm và dự báo tình hình 6 tháng cuối năm sáng 19/7: Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may nửa đầu năm ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018.

Về thị trường xuất khẩu: Hoa kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với KNXK 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP đạt 2,57 tỷ USD, tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71%; EU đạt 2,05 tỷ USD, tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD, tăng 5,59%, chiếm tỷ trọng 8,91%.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, hiện tình hình đơn hàng của các DN không được khả quan so với năm 2018; khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.

“Năm nay, ban đầu tưởng thuận lợi đơn hàng nhưng thực ra lại khan hiếm. Đến thời điểm hiện tại, cũng có những DN lo được đơn hàng đến hết quý 4 nhưng số đó không nhiều. Ngay cả với những DN lớn như may Việt Tiến, Nhà Bè, May 10… tình hình đơn hàng cũng khó khăn, không dồi dào như nửa cuối năm 2018. Bản thân hiệp hội khá ngỡ ngàng về điều này” - vị này cho biết thêm.

Liên quan tới nguyên nhân khiến cho đơn hàng dệt may năm nay lại có sự sụt giảm đáng kể, ông Cẩm cho rằng, đó có thể xuất phát từ tác động của các Hiệp định thương mai tự do (FTA).

Các FTA, điển hình như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), ban đầu tưởng rằng sẽ có tác động mạnh, tuy nhiên, thực chất FTA này mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế. Khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật, Việt Nam mới chỉ ở dạng tiềm năng, nếu chuyển đơn hàng sang thị trường khác thì lợi ích cao hơn.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn hiện tại, ông Cẩm đánh giá, để đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong cả năm nay, các DN sẽ phải cố gắng rất nhiều. Nửa cuối năm phải đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 11% trở lên thì cả năm KNXK mới mong đạt con số 40 tỷ USD. Đây là điều không hề dễ dàng. Các DN phải cố gắng hơn nhiều, cần nhất là tìm kiếm được đơn hàng, đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm, có sự chia sẻ phối hợp với nhau.

Nguồn: Báo Dân Sinh
Quảng cáo sản phẩm