Xuất khẩu gỗ Việt Nam sau EVFTA: Gỗ lậu sẽ bị “từ chối”

13/07/2020 12:00 - 319 lượt xem

Sau khi thông thương EVFTA, nhu cầu nhập khẩu về đồ gỗ rất lớn, nhưng lại yêu cầu thương mại đồ gỗ phải đi cùng bảo vệ môi trường toàn cầu. Nên nếu không có xuất xứ rõ ràng đồ gỗ Việt Nam sẽ bị khách hàng châu Âu từ chối.

Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, các nước thành viên châu Âu có nhu cầu nhập khẩu lớn về đồ gỗ, nhưng cũng muốn thương mại đồ gỗ phải đi cùng bảo vệ môi trường toàn cầu. Nếu gỗ không có xuất xứ rõ ràng và bị khai thác trái phép, đồ gỗ Việt Nam sẽ bị khách hàng châu Âu từ chối.

Hiện Việt Nam có khoảng 280.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây là điều rất tốt, giúp sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đến gần hơn được với người tiêu dùng châu Âu, Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2020 đạt 900 triệu USD, tăng 9,9% so với tháng 6/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 719 triệu USD, tăng 21,5% so với tháng 6/2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,55 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019.

Đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng có trị giá tăng cao và liên tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu ở thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU…

Tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm 2020 mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với mặt hàng dăm gỗ đạt 706,6 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, do nhu cầu sử dụng giấy của các nước châu Âu, châu Mỹ tăng cao, nên nhu cầu nhập nguyên liệu dăm gỗ phục vụ sản xuất của Trung Quốc tăng cao.

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2020 còn xuất khẩu một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác như gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ...

Năm 2020, EVFTA “hứa hẹn” mang lại cho ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt hơn 1 tỷ USD. Song bên cạnh đó, cũng đặt ra những thách thức cho ngành chế biến gỗ. Đó là những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU về tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa cao và nguồn gốc gỗ nhằm bảo đảm thực thi các chính sách về môi trường mà như Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam cảnh báo.

Ngoài ra, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngành chế biến gỗ hiện nay đang phải đối diện nhiều thách thức đầu tiên đó là dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, thị trường nguyên liệu chưa ổn định, nguy cơ các doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động lành nghề và mở rộng mặt bằng sản xuất do phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác.

Đáng quan ngại nhất, các doanh nghiệp hiện vẫn phải dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu các nguyên liệu, phụ liệu sản xuất, vừa bị động vừa chịu chi phí cao cho nên giá thành sản phẩm tăng lên, giảm sức cạnh tranh...
Quảng cáo sản phẩm