Xuất khẩu năm 2019: Khó lặp lại kỳ tích năm trước

02/05/2019 12:00 - 544 lượt xem

Đối diện với xu hướng bảo hộ đang diễn ra mạnh mẽ khắp thế giới, hoạt động XK của Việt Nam được nhận định sẽ khó có thể đạt được thành tích ấn tượng như năm 2018, thậm chí, mục tiêu tăng trưởng 10% cũng không dễ đạt được.

Tăng trưởng chậm lại

Ngay từ cuối năm 2018, những khó khăn đối với hoạt động XK đã được dự báo trước khi chính sách kinh tế, thương mại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu... thay đổi nhanh và tác động đa chiều, ảnh hưởng đến hoạt động XK, NK của Việt Nam. Mặt khác, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi các thị trường đẩy mạnh chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK dẫn tới cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK hàng hóa nông, thủy sản - mặt hàng chủ lực của nước ta.

Những khó khăn này đã "ngấm" vào hoạt động XK khi kim ngạch XK chung cả quý I/2019 chỉ đạt 58,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ấn tượng 24,5% của quý I/2018.

Về yếu tố tác động tới kết quả xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, ngay trong những tháng đầu năm, XK nhóm hàng nông, thủy sản đã gặp khá nhiều khó khăn về đầu ra cũng như giá bán. Điều này thể hiện qua việc hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản có giá XK giảm so với cùng kỳ năm 2018 như hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, cao su... Trước sự tăng trưởng thấp của hoạt động XK trong quý đầu năm, Bộ Công Thương nhận định, kết quả XK nhiều khả năng sẽ không thể đạt được thành tích ấn tượng như năm 2018. Thậm chí, mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% khó có thể đạt được.

Nắm bắt cơ hội

Bộ Công Thương nhận định, quý II/2019, kim ngạch XK hàng hóa mặc dù vẫn tăng trưởng, song tốc độ sẽ không cao như cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Liên Hợp quốc... đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay với sự giảm tốc của các nền kinh tế chủ chốt như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, với chính sách mở cửa thị trường, triển vọng từ các FTA đã có hiệu lực/đang đàm phán là cơ sở quan trọng đối với hoạt động XK của Việt Nam trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, chỉ sau 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK của Việt Nam sang một số thị trường trong khối CPTPP như Canada đã tăng tới 36,6% so với cùng kỳ năm 2018, Mexico tăng 11,2%... Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ XK.

PGS - TS. Phạm Tất Thắng - Chuyên gia nghiên cứu thương mại - cho biết, năm 2018, Việt Nam đã XK 36,8 tỷ USD sang các nước CPTPP, Việt Nam cũng xuất siêu sang EU. Đây là hai thị trường lớn và tiềm năng của Việt Nam trong năm nay. Do đó, việc tham gia CPTPP sẽ không chỉ giúp gia tăng kim ngạch XK mà còn là một trong những tiêu chí để Việt Nam điều chỉnh thể chế và môi trường kinh doanh. Đối với FTA Việt Nam - EU (EVFTA), khi được thông qua sẽ góp phần quan trọng cho XK năm 2019.

Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - chia sẻ, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện CPTPP; phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của hiệp định và các FTA song phương. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho XK. Bên cạnh đó, tập trung lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến XK vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể.
Nguồn: Báo Công thương
Quảng cáo sản phẩm