Xuất khẩu vẫn còn có lối đi

06/01/2009 03:23 - 1081 lượt xem

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu thời gian vừa qua vẫn tăng trưởng, nhưng hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với hai vấn đề chính trong xuất khẩu, đó là sự suy giảm trong chỉ số giá và sự suy giảm nhu cầu trên toàn cầu từ các đối tác thương mại chính như Mỹ, EU và Nhật Bản… Trong thời gian tới, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên hiện vẫn tồn tại các dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu còn có lối đi. Mối đe doạ trực tiếp chính là sự xuống dốc của những nền kinh tế phát triển và từ đó nhu cầu tiêu thụ hàng hoá cũng suy giảm theo. Về mặt lý thuyết, kinh tế suy thoái có thể làm gia tăng nhu cầu với nhóm hàng giá rẻ như sản phẩm thay thế và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng giá rẻ, hàng lương thực thiết yếu.

Như vậy, dự báo nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn giữ được thị trường và có thể tăng trưởng. Ngoài ra, việc phát triển mặt hàng xuất khẩu mới cũng là một trong những giải pháp quan trọng cần có chiến lược đầu tư.

Phương hướng xuất khẩu vào các thị trường chủ lực:

Tiếp tục quán triệt phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới vẫn được xác định là Châu á (Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông); EU; Mỹ và Châu Đại Dương. Ngoài ra, cần tiếp tục khai thác một số thị trường truyền thống hoặc thị trường mới như Nga, Trung Đông, Mỹ LaTinh, Châu Phi.

Dự báo cơ cấu thị trường xuất khẩu đến năm 2010

Khu vực thị trường

Năm 2009

Năm 2010

Trị giá (triệu USD)

Tăng (%)

Cơ cấu (%)

Trị giá (triệu USD)

Tăng (%)

Cơ cấu (%)

Tổng kim ngạch

66.660

5,0

100

74.650

12,0

100

Châu á:

31.800

6,0

47,7

36.400

14,5

48,8

Nhật Bản

8.500

 

12,8

9.800

15,3

13,1

Trung Quốc

5.100

10,9

7,7

6.000

17,6

8,0

ASEAN

12.000

9,1

18,0

13.800

15,0

18,5

Hàn Quốc

1.750

-7,9

2,6

2.000

14,3

2,7

Đài Loan

1.500

7,1

2,3

1.700

13,3

2,3

Châu Âu:

12.800

6,7

19,2

14.300

11,7

19,2

EU

11.000

10,0

16,5

12.400

12,7

16,6

Châu Mỹ:

14.800

5,7

22,2

16.100

8,8

21,6

Hoa Kỳ

12.800

4,9

19,2

14.000

9,4

18,8

Châu Đại Dương

4.500

-10,0

6,8

4.900

8,9

6,6

Châu Phi Tây Nam á

2.760

10,4

4,1

2.950

6,9

4,0

 

1. Nhật Bản:

Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt nam, ngoài dầu thô và khoáng sản thì các mặt hàng thuỷ sản, dệt may, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng chế tạo của Việt nam đang được người Nhật ưa chuộng.
Năm 2008, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 31,6% so với năm 2007. Thị trường này hiện chiếm khoảng 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt nam. Với việc triển khai thực hiện giai đoạn 3 của sáng kiến chung Việt nam- Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh... tình hình xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Nhật Bản dự báo sẽ gặp thuận lợi hơn trong thời gian tới. Dự kiến, xuất khẩu đến năm 2010 đạt 10,2 tỷ USD, tăng bình quân 21,6%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

- Dệt may: trong thời gian tới, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, thay thế hàng nhập khẩu; thực hiện công tác R&D ngay tại Việt nam để sản xuất hàng dệt may có giá trị gia tăng cao cũng như tận dụng các ưu đãi về thuế sau khi Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nhật được ký kết nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Phấn đấu, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 1,3 tỷ USD, tăng bình quân 22,8%/năm giai đoạn 2008- 2010.

- Giày dép: tương tự như mặt hàng dệt may, các sản phẩm giày dép của Việt nam đang đứng thứ 4 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, nhưng thị phần còn rất khiêm tốn. Hiện nay, Việt nam xuất khẩu chủ yếu là giày thể thao vào thị trường Nhật Bản. Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 220 triệu USD, tăng bình quân 25,3%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

- Thuỷ sản: các mặt hàng thuỷ sản trọng điểm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gồm tôm, mực, bạch tuộc đông lạnh, cá ngừ đại dương. Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng bình quân 16,8%/năm giai đoạn 2008- 2010.

- Các mặt hàng chế tạo: chủ yếu là dây và cáp điện, máy tính và linh kiện, sản phẩm nhựa. Việc triển khai tốt chương trình hành động của sáng kiến chung Việt- Nhật sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh vào sản xuất các mặt hàng này. Phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, tăng bình quân 42%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

- Đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ: nhu cầu về mặt hàng này của Nhật Bản vẫn lớn, nhưng thị phần của Việt nam rất nhỏ, nhất là trong những năm gần đây khi thị hiếu người tiêu dùng đang có thay đổi. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản đến năm 2010 đạt 700 triệu USD, tăng 27%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

2. Trung Quốc:

Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với Việt nam, tuy nhiên kể từ năm 2003 đến nay Việt nam liên tục phải nhập siêu từ thị trường này, với mức nhập siêu hàng năm vào khoảng trên 2 tỷ USD, đặc biệt nhập siêu tăng đột biến trong năm 2007, với hơn 9,1 tỷ USD.

Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu các nhóm hàng nguyên liệu như cao su, than đá, dầu thô của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu tận dụng triệt để được cơ hội thì các mặt hàng nông sản và hải sản của Việt nam có khả năng tăng khá do tác động của việc thực hiện chương trình thu hoạch sớm giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Các mặt hàng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới gồm: thuỷ sản, rau quả nhiệt đới, hạt điều, gạo, sắn lát, dây và cáp điện, đồ gỗ giả cổ...
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã được đề ra trong đề án phát triển xuất khẩu với thị trường Trung Quốc đã được Bộ Thương mại (cũ) phê duyệt trong năm 2007.

3. ASEAN:

Do cơ cấu hàng hoá của Việt nam và ASEAN có nhiều điểm giống nhau, nhưng Việt nam ở trình độ phát triển thấp hơn nên hàng hoá của Việt nam chưa thâm nhập được nhiều vào thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vào thị trường ASEAN có xu hướng tăng chậm, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN tăng tương đối nhanh nên nhập siêu từ khu vực này đang có xu hướng tăng mạnh.
Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt nam sang thị trường ASEAN ước đạt 11 tỷ USD, tăng 41% so với năm 2007. Dự kiến đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt khoảng 14,5 tỷ USD, tăng 23,6%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

Việc thực hiện đầy đủ các cam kết theo CEPT/AFTA đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt nam thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN. Tuy nhiên, những lợi thế này vẫn chưa được các doanh nghiệp tận dụng để thâm nhập vào thị trường khu vực và Thế giới. Định hướng xuất khẩu một số mặt hàng vào thị trường ASEAN được xác định như sau:

- Gạo: trong số các nước ASEAN, Indonesia, Philippines, Malaysia là những nước thường xuyên nhập khẩu gạo của Việt nam. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 dự kiến tăng khoảng 23,9%/năm và đạt 1,8 tỷ USD. Do lợi thế về vận tải và nhu cầu gạo phẩm cấp thấp, phù hợp với sản xuất của Việt nam nên thị trường ASEAN vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt nam.

- Cà phê: dự kiến kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 220 triệu USD, tăng bình quân 15%/năm. Tuy nhiên, để đạt được kim ngạch xuất khẩu nêu trên cần tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đến vấn đề chất lượng để tăng thêm gia trị gia tăng.

- Thuỷ sản: tuy các nước ASEAN cũng xuất khẩu thuỷ sản, nhưng Việt nam vẫn có thể thâm nhập vào những thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 dự kiến đạt 320 triệu USD, tăng bình quân 24%/năm.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, việc ký thoả thuận về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm giữa các cơ quan quản lý chất lượng các nước ASEAN là rất cần thiết.

- Hàng dệt may và giày dép: do trùng hợp về cơ cấu xuất khẩu nên Việt nam khó có khả năng thâm nhập mạnh vào thị trường này. Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 380 triệu USD, tăng bình quân 30%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

- Hàng điện tử và linh kiện: đây là mặt hàng chủ yếu do các công ty liên doanh tại Việt nam sản xuất và xuất khẩu sang các nước ASEAN. Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng bình quân 61%/năm.

4. EU:

Kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vào EU năm 2008 dự kiến đạt 10,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2007. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 14,1 tỷ USD, tăng bình quân 18,5%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

Về thị trường, cần tiếp tục khai thác triệt để các thị trường trọng điểm như Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường mới của EU.

Về mặt hàng, bên cạnh những mặt hàng đã có chỗ đứng trên thị trường như dệt may, giày dép, nông thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ... cần phát triển các mặt hàng mới, có triển vọng tăng kim ngạch như sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử... Định hướng đối với một số mặt hàng cụ thể như sau:

- Dệt may: năm 2008 đã bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng đáng kể đối với xuất khẩu dệt may của Việt nam sang thị trường này. Việt nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, nhất là khi sản phẩm dệt may của Trung Quốc có sức cạnh tranh cao, chủ động được nguyên liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại phẩm cấp hàng hoá. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 2,3 tỷ USD, tăng bình quân 16,6%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

- Giày dép: EU là thị trường nhập khẩu gaìy dép lớn thứ 2 trên Thế giới, sau Mỹ. Tuy đạt được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nhìn chung xuất khẩu của Việt nam còn nhiều hạn chế như nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu, tiêu thụ phụ thuộc lớn vào đối tác trong liên doanh, mẫu mã và phát triển sản phẩm mới còn yếu. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 3,2 tỷ USD, tăng bình quân 14,3%/năm.

- Thuỷ sản: EU là thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn nhất Thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên tới 34 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng bình quân 23%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

- Cà phê: EU là thị trường tiêu thụ lớn đối với cà phê Việt nam, chiếm tỷ trọng 45% trong xuất khẩu của Việt nam. Phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng bình quân 6,2%/năm trong giai đoạn 2008- 2010.

- Sản phẩm gỗ: đây là mặt hàng có nhiều tiềm năng do EU là thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất Thế giới. Nhìn chung, trình độ sản xuất của các doanh nghiệp Việt nam trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, có thể đáp ứng được yêu cầu tương đối khắt khe của khách hàng EU về chất lượng, quy cách. Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng bình quân 26%/năm.

5. Hoa Kỳ:

Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này năm 2008 đạt 12,2 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2007. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng là do kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng mạnh như dệt may, thuỷ sản, sản phẩm gỗ, dầu thô, cà phê... Phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD, tăng 11,2%/năm.

Định hướng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực:

- Dệt may: kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ năm 2008 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2007. Nhu cầu hàng dệt may của thị trường này là rất lớn, với nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên tới khoảng 100 tỷ USD/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 6 tỷ USD, tăng bình quân 12,2%/năm.

- Giày dép: kim ngạch xuất khẩu giày dép vào thị trường này năm 2008 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 24,3% so với năm 2007. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu hiện còn khiêm tốn so với dung lượng của thị trường Mỹ (nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD/năm). Phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, tăng bình quân 14%/năm.

- Sản phẩm gỗ: kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ năm 2008 đạt 1 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2007. Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm này của Mỹ hiện vẫn tăng (khoảng 60 tỷ USD/năm), phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 1,3 tỷ USD, tăng bình quân 10,5%/năm.

- Thuỷ sản: xuất khẩu năm 2008 vào thị trường Mỹ đạt 800 triệu USD, tăng 10% so với năm 2007. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn thứ 3 của Việt nam, với nhu cầu nhập khẩu khoảng 14 tỷ USD/năm. Phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng bình quân 15%/năm.

- Cà phê: Mỹ hiện là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất Thế giới, phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD, tăng bình quân 8%/năm (năm 2008 xuất khẩu đạt 200 triệu USD).

- Túi xách, vali, mũ, ô dù: đây là mặt hàng mới có nhiều triển vọng để xuất khẩu. Năm 2008 xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Mỹ đạt 260 triệu USD; phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 420 triệu USD, tăng bình quân 28%/năm.

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn

Quảng cáo sản phẩm