Xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản: Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đảm bảo chất lượng hàng hoá

19/09/2008 12:00 - 1303 lượt xem

Nhật Bản là thị trường còn khá nhiều tiềm năng để tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng như dầu thô, than đá, thuỷ sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, rau hoa quả, linh kiện điện tử, dây và cáp điện... Để nắm bắt một cách rõ nét về thị trường Nhật Bản.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đảm bảo chất lượng hàng hoá, nhất là đối với nhóm hàng nông-lâm-thuỷ sản, hàng tiêu dùng. Chúng ta hoạt động tại thị trường Nhật Bản khá nhiều nhưng việc tiếp cận vẫn chưa bài bản. Cần thiết lập được mạng lưới tiêu thụ, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, cố gắng phát triển các mặt hàng mới.

Nhiều năm qua, ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam luôn đứng trong TOP những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn chưa thực sự phát huy hết lợi thế của mình, với thị trường Nhật Bản – thị trường quà tặng 10 nghìn tỷ Yên, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cần đặc biệt lưu ý.

Nhật Bản được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nếu phấn đấu tốt thì sẽ đạt trên 17%, thậm chí có thể đạt là 19-20%, vượt mục tiêu mà Bộ Công Thương đề ra. Chúng ta biết rằng trong những năm gần đây xuất khẩu của chúng ta chỉ chiếm khoảng trên dưới 0,9% trong tổng nhập khẩu Nhật Bản từ nước ngoài vào. Như vậy thấy rằng về số lượng tuyệt đối thì tiềm năng còn rất lớn.

Thời gian qua các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy quảng bá vào thị trường này, nhưng kết quả mang lại vẫn chưa cao. Theo Tham tán, việc trước mắt là các doanh nghiệp nên tiếp tục củng cố chất lượng sản phẩm. Yêu cầu về chất lượng hàng hoá tại Nhật là rất cao và khắt khe, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thuỷ sản, hàng tiêu dùng. Hơn nữa, thị trường Nhật Bản hội tụ rất nhiều đối thủ cạnh tranh nên để thắng đối thủ thì phải xác định tạo được sức cạnh tranh mạnh ở bình diện cạnh tranh hàng hoá, cạnh tranh doanh nghiệp và cả cạnh tranh quốc gia. Vấn đề khác là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tiếp cận thị trường Nhật Bản. Chúng ta xuất khẩu sang Nhật Bản khá lâu rồi nhưng việc tiếp cận thị trường chúng ta làm vẫn chưa thật đầy đủ, bài bản. Chúng ta phải thiết lập được mạng lưới nhập khẩu ổn định lâu dài, mạng lưới tiêu thụ vững bền hàng xuất khẩu của ta vào thị trường Nhật Bản thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Hướng của thị trường là củng cố những mặt hàng đã có, phải cố gắng phát triển những mặt hàng mới, phải nghĩ đến chuyện chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của ta vào Nhật Bản vì ta và Nhật Bản là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, xuất khẩu - nhập khẩu hài hoà nhưng thực sự đã đến thời điểm nếu chúng ta không thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu thì chúng ta khó có thể tăng mạnh xuất khẩu.

Để thực hiện điều này, theo Tham tán có rất nhiều việc cần phải khắc phục trong thời gian tới.Đó là trao đổi thông tin, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu, những việc gì thương vụ phản hồi về thì rất mong doanh nghiệp quan tâm giải quyết, đặc biệt là những vấn đề vướng mắc về chất lượng hàng hoá v.v.. Thương vụ là cơ quan không chỉ riêng của Bộ Công Thương mà là đại diện chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản nên sẽ có nhiều việc có thể làm được cho doanh nghiệp bằng cách thông tin và giới thiệu vềnhững cơ hội kinh doanh, đặc biệt là những cơ hội để sản xuất hàng mới và đổi mới cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam.

Nguồn: Vinanet

 

Quảng cáo sản phẩm