Xuất xứ hàng nhập khẩu: Đảm bảo bình đẳng cho doanh nghiệp

26/08/2008 12:00 - 1344 lượt xem

Theo quy định của Hiệp định CEPT/AFTA, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu có Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ASEAN mẫu D sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Vậy làm thế nào để xác định chính xác C/O hàng nhập khẩu để áp dụng đúng đối tượng là yêu cầu đặt ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động XNK, đồng thời tạo sự công bằng cho hàng hóa trong nước, góp phần hạn chế nhập siêu. Gần đây, qua công tác kiểm tra, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp hàng hoá không đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ ASEAN cho thấy yêu cầu cần thiết của vấn đề này.

Theo Tổng cục Hải quan, qua kiểm tra cho thấy một số hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ ASEAN. Chẳng hạn như Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ghi hàm lượng ASEAN rất khác nhau (40% và 60%), trong khi đây là mặt hàng cùng chủng loại, trong cùng một thời gian, của cùng một nhà sản xuất. Có trường hợp một C/O cấp cho nhiều sản phẩm có thành phần nguyên liệu rất khác nhau nhưng không ghi rõ tỷ lệ phần trăm hàm lượng ASEAN cho từng sản phẩm theo quy định của quy chế, mà ghi chung một tỷ lệ cho tất cả các sản phẩm. Trường hợp sai sót khác như sửa chữa C/O nhưng không xác nhận theo quy chế hay C/O được cấp trước ngày người XK xin cấp C/O(?)

Điểm đáng chú ý là khi cơ quan Hải quan Việt Nam nghi ngờ C/O và xác minh thì cơ quan cấp C/O của nước XK không trả lời hoặc trả lời rất chung chung, không có số liệu, tài liệu chứng minh.

Thực trạng trên cũng có nguyên nhân là do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế...

Chính vì vậy, những đề nghị mới đây của Bộ Tài chính đối với Bộ Công Thương cho thấy các cơ quan quản lý đã nhận thức rõ hơn về sự cần thiết tăng cường quản lý xuất xứ hàng hóa, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa. Về mặt ngoại giao, theo ý kiến của Bộ Tài chính, để ngăn chặn tình trạng trên trong các cuộc họp liên quan của ASEAN, chúng ta cần bày tỏ yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện đúng Hiệp định và Quy chế về xúât xứ hàng hóa, cũng như tích cực trả lời, cung cấp hồ sơ, tài liệu về tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu của nước có hàng hóa nhập khẩu.

Đối với quản lý trong nước, để kiểm soát chặt chẽ C/O đối với hàng hóa nhập khẩu, cần thống nhất chỉ đạo việc thực hiện và xử lý các vấn đề về xuất xứ hàng hóa đảm bảo đúng theo quy định của các Hiệp định, Quy chế xuất xứ liên quan và các quy định của pháp luật, không được vận dụng, giải thích tùy tiện. Đối với các lô hàng NK mà C/O có các dấu hiệu trên đây thì không chấp nhận cho hưởng ưu đãi về xuất xứ. Cùng với đó yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát về XNK, xuất xứ hàng hóa phải khắc phục ngay các sơ hở, yếu kém trên.

Thực tế cho thấy nếu không phát hiện những sai phạm C/O thì hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi không đúng đối tượng, từ đó dẫn đến bất bình đẳng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, có thể gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN.

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Quảng cáo sản phẩm