Báo cáo của Ban hội thẩm trong vụ Hàn Quốc kiện Hoa Kỳ liên quan đến việc điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng của Hoa Kỳ đối với mặt hàng máy giặt (Large Residential Washers) nhập khẩu từ Hàn Quốc (DS464)

22/04/2016 12:00 - 990 lượt xem

Liên quan đến vụ việc Hàn Quốc kiện Hoa Kỳ về điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng của Hoa Kỳ đối với mặt hàng máy giặt (Large Residential Washers) từ Hàn Quốc (DS464), ngày 11 tháng 3 năm 2016, báo cáo của Ban hội thẩm đã được chuyển tới các bên liên quan.

Một số thông tin chung về vụ việc:

- Ngày 29 tháng 8 năm 2013, Hàn Quốc yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ.

- Ngày 22 tháng 01 năm 2014, Ban Hội thẩm vụ việc được thành lập.

- Ngày 24 tháng 02 năm 2015 Việt Nam đã đăng ký tham gia là bên thứ ba. Ngoài Việt Nam, có 10 thành viên WTO khác cũng đã đăng ký tham gia bên thứ ba vụ việc, bao gồm: Brazil, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Na uy, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi.

- Ngày 11 tháng 3 năm 2015, Việt Nam đã tham gia phiên họp của Ban Hội thẩm với các bên thứ 3 và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã thay mặt Chính phủ Việt Nam có bài phát biểu (oral statement) nêu quan điểm của Việt Nam.

Trong vụ việc này, Hàn Quốc kiện Hoa Kỳ đối với hai nhóm vấn đề chính bao gồm các biện pháp chống bán phá giá (gồm 16 khiếu kiện), trong đó có phương pháp quy về không (“zeroing”) và phương pháp định giá phân biệt (“differential pricing”), và biện pháp chống trợ cấp (gồm 5 khiếu kiện) mà Hoa Kỳ đã thực hiện trong cuộc điều tra.

Với tư cách là bên thứ ba, Việt Nam quan tâm đến hai phương pháp liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ là phương pháp quy về không và phương pháp định giá phân biệt. Trong bài phát biểu gửi Ban hội thẩm, Việt Nam đã lập luận ủng hộ Hàn Quốc liên quan đến hai phương pháp này.

Theo kết luận trong Báo cáo của Ban Hội thẩm liên quan đến các khiếu kiện của Hàn Quốc đối với biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ, Ban Hội thẩm ủng hộ 10/16 khiếu kiện và kết luận Hoa Kỳ đã vi phạm Hiệp định Chống bán phá giá. Trong đó có các vấn đề nổi bật như việc áp dụng phương pháp so sánh bình quân gia quyền của giá trị thông thường với giá xuất khẩu của từng giao dịch (W-T) và phương pháp định giá phân biệt của DOC vi phạm Điều 2.4.2 của Hiệp định Chống bán phá giá; phương pháp quy về không của DOC vi phạm các Điều 2.4, 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá.

Cụ thể, đối với phương pháp W-T, Hàn Quốc cáo buộc phương pháp mà Hoa Kỳ đã sử dụng để xác định liệu các điều kiện áp dụng phương pháp so sánh W-T đã được đáp ứng hay chưa, và phạm vi áp dụng của Hoa Kỳ đã: (i) vi phạm “về mặt áp dụng” (as applied) trong vụ việc điều tra máy giặt; (ii) vi phạm “về mặt quy định” (as such) theo phương pháp định giá phân biệt; và (iii) trong tương lại, việc tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt trong phạm vi quy trình thủ tục vụ việc máy giặt của Bộ thương mại Hoa Kỳ.

Hàn Quốc đã cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã áp dụng phương pháp so sánh W-T đối với cả các giao dịch không thuộc mẫu xác định có sự khác biệt về giá (non-pattern transactions), tức là trái với quy định tại câu thứ hai của Điều 2.4.2 Hiệp định Chống bán phá giá. Ban Hội thẩm đã có kết luận rằng thuật ngữ “độc lập” (“individual”) tại câu thứ hai Điều 2.4.2 đã chỉ ra rằng việc so sánh W-T sẽ không bao gồm tất cả các giao dịch xuất khẩu. Vì vậy, xét về mặt ngữ cảnh, về mục tiêu và mục đích của câu thứ hai nhằm chỉ rõ việc phá giá mục tiêu, Ban Hội thẩm ủng hộ cáo buộc này của Hàn Quốc. Ban Hội thẩm cũng có kết luận tương tự đối với phương pháp định giá phân biệt, trong bối cảnh phương pháp định giá phân biệt sử dụng phương pháp so sánh W-T đối với các giao dịch không thuộc mẫu khi giá trị bán hàng cộng gộp của tất cả các người mua, tất cả các khu vực và khoảng thời gian thông qua “phép thử Cohen’s d” đạt từ 66% tổng giá trị bán hàng trở lên, tức là Hoa Kỳ sẽ không được sử dụng phương pháp so sánh W-T (phương pháp này cho phép Hoa Kỳ tái sử dụng zeroing) đối với các giao dịch không theo mẫu khi có hơn 66% giá trị giao dịch bị xác định là có định giá phân biệt nữa.

Hàn Quốc cũng khiếu kiện Hoa Kỳ đã vi phạm điều khoản liên quan đến vấn đề mẫu (pattern) quy định tại câu thứ hai Điều 2.4.2 vì đã áp dụng các tiêu chí số lượng cố định để xác định sự tồn tại một “mẫu” khác biệt giá đáng kể, và đã loại bỏ sự liên quan tới việc điều tra về bối cảnh thương mại mà theo đó mẫu khác biệt giá đáng kể bị cáo buộc phát sinh. Ban Hội thẩm cho rằng lời văn của câu thứ hai không chứa đựng bất kỳ yêu cầu nào phải xem xét lý do cho sự khác biệt giá, và đã không ủng hộ cáo buộc của Hàn Quốc về việc Hoa Kỳ đã vi phạm điều khoản mẫu do không tiến hành bất kỳ đánh giá định tính nào về lý do cho các khác biệt giá liên quan. Tuy nhiên, Ban Hội thẩm cũng nhận thấy các lý do đằng sau các khác biệt giá là có liên quan trong điều khoản giải thích của câu thứ hai. Do đó Ban Hội thẩm cho rằng cơ quan điều tra phải xem xét lý do cho sự khác biệt về giá, bởi có thể có các yếu tố khác ngoài phá giá mục tiêu có thể gây ra sự khác biệt giá đáng kể. Sự khác biệt đó có thể “thường” được tính tới một cách thích hợp thông qua các phương pháp so sánh “thông thường”. Do vậy, Ban Hội thẩm kết luận rằng, thông qua việc tập trung vào sự khác biệt giữa biên độ phá giá tính toán theo phương pháp so sánh bình quân gia quyền của giá trị thông thường với bình quân gia quyền giá xuất khẩu (W-W) và biên độ phá giá tính theo phương pháp W-T hay phương pháp kết hợp, Hoa Kỳ đã không có bất kỳ xem xét nào về việc liệu các trường hợp thực tế (factual circumstances) liên quan đến các khác biệt về giá có gợi ý điều gì khác ngoài phá giá mục tiêu hay không, và như vậy là vi phạm điều khoản giải thích. Ban Hội thẩm cũng có kết luận như vậy đối với phương pháp định giá phân biệt.
Hàn Quốc cũng cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã không có bất kỳ giải thích nào về việc tại sao các khác biệt về giá mà Hoa Kỳ đã kết luận lại không được xem xét một cách thích hợp thông qua việc dùng đến cả phương pháp W-W và phương pháp so sánh giá trị thông thường của từng giao dịch với giá xuất khẩu của từng giao dịch (T-T), như vậy là vi phạm câu thứ hai Điều 2.4.2. Về lời văn cũng như về ngữ cảnh, Ban Hội thẩm đã không ủng hộ khiếu kiện này liên quan đến vấn đề áp dụng (as applied) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt, và liên quan đến khía cạnh pháp lý (as such) đối với phương pháp định giá phân biệt.
Đồng thời, Hàn Quốc cũng cáo buộc rằng phương pháp định giá phân biệt đã không phân tích hay xác định được một cách hiệu quả một “mẫu” (pattern) về giá cho bất kỳ người mua nào, hay trong bất kỳ khu vực hoặc khoảng thời gian nào, thông qua việc kết hợp 6 loại khác biệt về giá khác nhau liên quan đến các thông số khác nhau. Ban Hội thẩm đã ủng hộ cáo buộc này bởi thông qua việc kết hợp các khác biệt giá ngẫu nhiên và không liên quan, phương pháp định giá phân biệt đã không xác định được một cách hợp lý “một mẫu giá xuất khẩu khác biệt đáng kể giữa những người mua, giữa các vùng hay các khoảng thời gian khác nhau”.
Hàn Quốc còn cáo buộc cách tiếp cận của phương pháp định giá phân biệt trong việc quy về không tất cả các kết quả âm trong so sánh W-W khi kết hợp hai phép tính phá giá trung gian khi áp dụng phương pháp so sánh kết hợp (việc không xem xét mang tính hệ thống-systemic disregarding). Ban Hội thẩm cho rằng câu thứ hai của Điều 2.4.2 (như là một phương pháp so sánh ngoại lệ) cho phép giá trị thuần của việc phá giá được thiết lập từ việc xem xét bằng chứng về phá giá mục tiêu trong các giao dịch mẫu, tuy nhiên việc tính toán phá giá đó theo phần trăm hàng hoá xuất khẩu của một doanh nghiệp xuất khẩu phải phản ánh được tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp đó. Ban Hội thẩm cho rằng sẽ không có lợi ích gì trong việc cho phép cơ quan điều tra thu hẹp và quan tâm đặc biệt tới các giao dịch mẫu nếu cơ quan này sau đó lại yêu cầu mở rộng và cho phép hiệu lực đầy đủ đối với hành vi định giá của doanh nghiệp xuất khẩu trong các giao dịch không theo mẫu. Ngoài ra, việc loại trừ “việc không xem xét mang tính hệ thống” sẽ dẫn tới sự tương đương về mặt toán học với các kết quả khi áp dụng phương pháp so sánh W-W thông thường. Do đó, Ban Hội thẩm đã không ủng hộ cáo buộc này của Hàn Quốc.

Đối với phương pháp quy về không, Hàn Quốc khiếu kiện Hoa Kỳ sử dụng phương pháp quy về không trong phạm vi phương pháp so sánh W-T. Ban Hội thẩm cho rằng câu thứ hai của Điều 2.4.2 cho phép cơ quan điều tra xem xét riêng việc định giá của một nhà xuất khẩu đối với các giao dịch mẫu nhằm xác định ien độ phá giá cho nhà xuất khẩu đó. Tuy nhiên, toàn bộ các hành vi định giá trong mẫu đó đều phải được đưa vào tính toán, Ban Hội thẩm cho rằng không có cơ sở nào cho việc bỏ qua hoặc quy về không các giao dịch mẫu độc lập (individual pattern transactions) có thể được định giá trên mức giá trị thông thường. Ngược lại, Ban Hội thẩm cho rằng từ “độc lập” ở đây có nghĩa là mỗi giao dịch mẫu phải được xem xét độc lập và bình đẳng, bất kể là giá xuất khẩu có cao hơn hay thấp hơn giá trị thông thường. Do dó, Ban Hội thẩm đã kết luận rằng việc Hoa Kỳ sử dụng phương pháp quy về không khi áp dụng phương pháp so sánh W-T là không phù hợp với Điều 2.4.2. Ban Hội thẩm cũng ủng hộ khiếu kiện của Hàn Quốc đối với phương pháp quy về không trong phạm vi phương pháp so sánh W-T theo điều 2.4 và 9.3 Hiệp định chống bán phá giá và điều VI:2 Hiệp định GATT 1994.

Đối với vấn đề liên quan đến các biện pháp chống trợ cấp, Ban hội thẩm đã ủng hộ 2/5 các khiếu kiện của Hàn Quốc đối với Hoa Kỳ, bao gồm:

(ii)            khiếu kiện liên quan tới các kết luận không tương xứng trong cả quyết định ban đầu và quyết định lại bởi Hoa Kỳ đã không tiến hành các phân tích liên quan bắt buộc về lượng trợ cấp được nhận của công ty Samsung; và

(ii) khiếu kiện về việc Hoa Kỳ đã không tính đến hai yếu tố bắt buộc trong quyết định của mình về tính riêng biệt trên thực tế.
Tuy nhiên, Ban Hội thẩm không ủng hộ khiếu kiện của Hàn Quốc liên quan tới quyết định của Hoa Kỳ về tính riêng biệt theo vùng miền liên quan tới Điều 26 RSTA về tín dụng thuế.

Hàn Quốc cũng khiếu kiện kết luận của Hoa Kỳ rằng các trợ cấp tín dụng thuế không được gắn với bất kỳ sản phẩm cụ thể nào. Hàn Quốc lập luận rằng các trợ cấp đó là trợ cấp R&D gắn với các sản phẩm gia dụng kỹ thuật số. Ban Hội thẩm bác bỏ cáo buộc này bởi vì Công ty Samsung đã được tự do sử dụng khoản tiền mặt tín dụng thuế theo cách Công ty này thấy phù hợp, không phân biệt các sản phẩm cụ thể mà chi phí R&D của các sản phẩm này làm phát sinh các khoản tín dụng thuế đã được thực hiện.

Hàn Quốc cũng khiếu kiện quyết định của Hoa Kỳ hạn chế mẫu số của giá trị bán các sản phẩm được sản xuất bởi Samsung tại Hàn Quốc, chứ không phải là bán hàng trên toàn thế giới của Samsung, khi phân bổ lợi ích được cấp bởi các trợ cấp tín dụng thuế theo Điều 10 (1) (3) RSTA. Ban Hội thẩm đã bác bỏ khiếu kiện này.
 
Nguồn: Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương
Quảng cáo sản phẩm