Bộ Công Thương Philippines kiến ​​nghị áp thuế chống bán phá giá xi măng Việt Nam

27/12/2022 10:15 - 275 lượt xem

- Bộ Công Thương Philippines (DTI) đang xem xét thuế chống bán phá giá đối với xi măng Portland Type 1 và xi măng hỗn hợp Type 1P nhập khẩu từ Việt Nam trong 5 năm

 

- Theo Lệnh hành chính số 22-17, DTI cho rằng cần phải áp dụng thuế CBPG để để ngăn chặn thiệt hại cho ngành xi măng trong nước

 

- Các nhà sản xuất xi măng CEMEX Holdings Philippines (Solid Cement Corp. và APO Cement Corp.), Holcim Philippines Inc. và Republic Cement and Building Materials Inc cáo buộc xi măng Portland Type 1 và Type 1P từ Việt Nam đang được bán phá giá tại thị trường Philippines

 

DTI đang đề xuất áp dụng thuế chống bán phá giá đối với xi măng từ Việt Nam trong 5 năm do hàng nhập khẩu giá rẻ có thể gây ra “thiệt hại vật chất” đối với ngành xi măng trong nước.

 

Theo Lệnh hành chính số 22-17 được DTI ban hành ngày 16/12, các mức thuế chống bán phá giá chính thức sẽ được áp dụng đối với xi măng Portland thông thường Type 1 (AHTN 2523.29.90) và xi măng hỗn hợp Type 1P (AHTN 2523.90.00) nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Đề xuất này được đưa ra sau khi Ủy ban Thuế quan (TC) đưa ra kết luận điều tra chính thức rằng “mối đe dọa thiệt hại đáng kể đối với ngành xi măng trong nước sắp xảy ra trong tương lai gần do hàng nhập khẩu bán phá giá từ Việt Nam”. DTI cũng đưa ra thời hạn 5 năm đối với việc áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng Portland thông thường Type 1 và xi măng hỗn hợp Type 1P nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam.

 

DTI đã tiến hành điều tra sau khi nhận được đơn của các nhà sản xuất xi măng CEMEX Holdings Philippines (Solid Cement Corp. và APO Cement Corp.), Holcim Philippines Inc., và Republic Cement and Building Materials Inc vào tháng 4/2021 

 

Các nhà sản xuất xi măng trong nước cáo buộc xi măng Portland Type 1 và Type 1P từ Việt Nam đang được bán phá giá tại thị trường Philippines, gây thiệt hại đáng kể cho ngành xi măng trong nước.

 

Thực hiện theo quy định của Đạo luật 8752, hay Đạo luật Chống bán phá giá 1999, vào tháng 4 năm 2021, DTI cho biết họ đã xem xét bằng chứng do các nhà sản xuất xi măng trong nước cung cấp và “xác định có đủ bằng chứng để có thể khởi động một cuộc điều tra”.

 

DTI đưa ra lệnh áp thuế chống bán phá giá tạm thời 4 tháng đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam như một biện pháp tự vệ tạm thời.

 

Theo báo cáo cuối cùng của TC gửi DTI vào ngày 11/10 về cuộc điều tra chính thức từ năm 2019 đến tháng 12/2020, đã có sự khác biệt về giá trong trị giá thông thường và giá xuất khẩu giữa xi măng Portland thông thường Type1, xi măng hỗn hợp Type 1P của Philippines và xi măng tương tự có xuất xứ từ Việt Nam.

 

Hơn nữa, TC cho biết lượng nhập khẩu của hai loại xi măng với giá bán phá giá không ở mức “không đáng kể”, chiếm 53% tổng lượng xi măng nhập khẩu của Philippines từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020. Tuy nhiên trong giai đoạn 2017-2021, TC ghi nhận ngành xi măng trong nước không bị thiệt hại về vật chất do xi măng bán phá giá từ Việt Nam.

 

TC cho biết mối đe dọa thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp trong nước được thể hiện bởi việc hàng hóa được bán phá giá có tốc độ nhập khẩu gia tăng đáng kể, chiếm thị phần đáng kể tại Philippines; sự hiện diện của hành vi cắt giá, ép giá và kìm giá trong giai đoạn điều tra; năng lực sản xuất sẵn có đáng kể của Việt Nam có thể đáp ứng việc xuất khẩu ngày càng tăng sang Philippines, thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam; và sự mở cửa của thị trường xi măng Philippines”.

 

Theo Lệnh hành chính 22-17, mức thuế cho “tất cả những nhà xuất khẩu khác” sẽ được áp dụng cho các nhà xuất khẩu không thông báo cho TC; không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra chính thức; và các nhà xuất khẩu mới không xuất khẩu các mặt hàng bị điều tra sang Philippines trong giai đoạn điều tra và giai đoạn cập nhật.

 

Tuy nhiên, đối với các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại Việt Nam chưa xuất khẩu xi măng Type 1 và Type 1P sang Philippines trong giai đoạn 2017-2021, biên độ phá giá riêng của họ có thể được xác định sau khi rà soát theo Đạo luật 8752 và được xây dựng theo Mục 18 (g) của IRR (Rà soát chủ hàng mới).

 

Việc rà soát sẽ được bắt đầu và tiến hành trên cơ sở nhanh chóng, với điều kiện là các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đó có thể chứng minh rằng họ không liên quan đến bất kỳ nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nào ở Việt Nam đang chịu thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nói trên của họ.

 

Điều tra sẽ kết thúc đối với các nhà xuất khẩu được xác định có biên độ phá giá tối thiểu và/hoặc biên độ phá giá âm. Với việc kết thúc này, thuế chống bán phá giá sẽ không được áp dụng, kể cả ở mức 0%. Mức thuế cho “tất cả những nhà xuất khẩu khác” cũng sẽ không được áp dụng đối với họ và do đó họ bị loại khỏi phạm vi của Lệnh hành chính 22-17.

 

Theo đó, tiền được đặt cọc/thanh toán bởi các nhà xuất khẩu theo Lệnh ghi nhớ hải quan số 38-2021 sẽ được trả lại ngay khi Lệnh hành chính 22-17 có hiệu lực.

 

Lệnh ghi nhớ hải quan 38-2021 triển khai Lệnh hành chính 21-07 quy định rằng thuế chống bán phá giá tạm thời dưới hình thức bảo đảm bằng tiền mặt được áp dụng trong bốn tháng đối với hàng nhập khẩu xi măng Portland thông thường Type 1 và xi măng hỗn hợp Type 1P có xuất xứ tại Việt Nam.

 

Đối với khoản tiền mặt được đặt cọc/thanh toán của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Phương Imex và của các nhà xuất khẩu theo mức thuế cho “tất cả những nhà xuất khẩu khác khác” theo Lệnh ghi nhớ hải quan 38-2021 vượt quá mức thuế chống bán phá giá được đánh giá, phần dư ra sẽ được trả lại ngay sau khi Lệnh hành chính 22-17 có hiệu lực.

 

Lệnh hành chính sẽ có hiệu lực khi kết thúc thời hạn kiến nghị xem xét lại mà không có kiến nghị nào được đệ trình hoặc có kiến nghị được đệ trình nhưng không được chấp thuận. Tổng cục Hải quan Philippines sau đó sẽ ra Lệnh ghi nhớ hải quan để thực hiện Lệnh hành chính này.

 

Bản mềm Lệnh hành chính 22-17 của DTI (tiếng Anh) được đính kèm dưới đây:

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập, dịch từ PortCalls Asia

 

Tải tài liệu
Lệnh hành chính số 22-17
Quảng cáo sản phẩm