Cảnh báo nguy cơ Ấn Độ điều tra CBPG đối với cao su thiên nhiên từ Việt Nam, Thái Lan và Indonesia

10/11/2014 12:00 - 1132 lượt xem

Theo thông tin từ IANS Ấn Độ, ngày 8 tháng 9 năm 2014 vừa qua, các cá nhân và tổ chức trồng cao su, đặc biệt là các nhà sản xuất nhỏ ở vùng Kerala miền Nam Ấn Độ, đã kiến nghị Chính phủ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cao su thiên nhiên nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ cao su thiên nhiên trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá thấp từ các nước Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Đại diện của ngành sản xuất cao su cho biết, các nhà sản xuất trong nước đã đề nghị Chính phủ áp thuế CBPG hoặc tăng mức thuế nhập khẩu đối với cao su thiên nhiên nhập khẩu do sự gia tăng quá mức, đồng thời giá của các loại cao su nhập khẩu đã giảm 16% trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2014, giá bình quân của cao su tấm xông khói loại 4 (ribbed smoke sheet - RSS-4[1]) đã giảm từ 171 Rs/kg (tương đương 2,78 USD/kg) xuống 144 Rs/kg, tương đương giảm 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá của cao su tấm xông khói loại 5[2] (RSS-5) cũng giảm 15,9%, từ 167 Rs/kg xuống 140 Rs/kg. Trong khi đó, giá của cao su tấm xông khói loại 3[3] (RSS-3) trên thế giới cũng giảm mạnh 21,5% trong 8 tháng đầu năm 2014, từ 165 Rs/kg xuống 129 Rs/kg.

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 121 của Hiệp hội các nhà sản xuất miền Nam Ấn Độ (UPASI), ông R. Sanijth - Chủ tịch UPASI cho rằng Chính phủ cần có các biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ lợi ích cho hơn một triệu nông dân trồng cao su có diện tích canh tác nhỏ, bởi hiện nay chi phí sản xuất đã tăng do chi phí đầu vào, tiền lương, chi phí vận chuyển đều tăng.

Phần lớn cao su thiên nhiên được trồng ở miền Nam Ấn Độ, với 600.943 ha trong đó tại Kerala là 539.565 ha, Karnataka là 41.588 ha và tại Tamil Nadu là 19.790 ha. Với diện tích canh tác này, trong năm tài chính 2013-2014[4] miền Nam Ấn Độ đóng góp 796.500 tấn tương đương 13.306 triệu Rupee, trong đó Kerala đóng góp 748.250 tấn, giá trị là 12.501 triệu Rupee; Karnataka là 25.000 tấn với 417 triệu Rupee và Tamil Nadu là 23.250 tấn với 388 triệu Rupee. Tuy nhiên trong số các nhà sản xuất chè, cà phê, cao su và các loại gia vị, các nhà trồng cao su đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng trong vòng 40 tháng qua, khi giá cao su giảm mạnh còn 144 Rs/kg tại thời điểm tháng 5 năm nay so với mức giá 243 Rs/kg vào tháng 4 năm 2011, đồng thời chi phí sản xuất và tiền lương đều tăng.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp sử dụng cao su làm nguyên liệu đầu vào tại Ấn Độ cũng chuyển từ sử dụng cao su nhập khẩu từ Thái Lan sang sử dụng cao su nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam, đây cũng là một trong những nhân tố gây ra cuộc khủng hoảng trong ngành cao su Ấn Độ, do các nhà sản xuất lốp xe bắt đầu sử dụng cao su như RSS-4 và RSS-5 làm nguyên liệu thô. Nông dân trồng cao su và ngành sản xuất lốp xe tại Ấn Độ hiện đang tranh cãi về việc nhập khẩu cao su thiên nhiên. Trong khi nông dân trồng cao su tại Ấn Độ cho rằng cao su nhập khẩu tăng mạnh đã khiến giá giảm mạnh, thì ngành sản xuất lốp xe và các ngành tiêu thụ khác tại Ấn Độ lại cho rằng sản lượng nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu hiện đang tăng cao, do vậy, cần phải nhập khẩu.

Ấn Độ hiện là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 5 thế giới nhưng nhập khẩu đã tăng khoảng 4 lần trong vòng 6 năm qua. Theo kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), cao su thiên nhiên của Indonesia xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ chiếm 42% tổng lượng nhập khẩu cao su thiên nhiên tại Ấn Độ, tiếp đến là Thái Lan 26% và Việt Nam chiếm 24%.
 
 

 
Nguồn: Ủy ban Cao su Ấn Độ

“Tính cả mức thuế nhập khẩu hiện nay là 20% thì giá cao su nhập khẩu tại Ấn Độ vẫn thấp hơn giá bán nội địa, kết quả là cầu trong nước giảm. Ngoài ra, giá nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam thường không được báo giá trước, khác với giá cao su nhập khẩu từ Thái Lan” ông Sanijth khẳng định. Hiệp hội cũng kiến nghị chính quyền tại các bang kể trên cần tiến hành rà soát lại các tiêu chuẩn quy định đối với cao su nhằm hạn chế nhập khẩu, do hiện nay một số ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp tại Ấn Độ đã chuyển từ sử dụng cao su thiên nhiên chủng loại RSS sang chủng loại SMR-20[5]. Theo số liệu của Hiệp hội UPASI, nhập khẩu SMR-20 đã tăng 68% đạt 100.800 tấn trong quý đầu tiên (từ tháng 4 đến tháng 6) của năm tài chính 2014-2015 so với 59.553 tấn trong cùng kỳ của năm tài chính 2013-2014.

Ông Sanijth cho biết thêm, nếu giá cao su tại thị trường Ấn Độ còn tiếp tục giảm và chính phủ không can thiệp để bảo vệ lợi ích của những người trồng cao su trước sự gia tăng của hàng nhập khẩu thì phần lớn trong số họ có thể bị buộc phải từ bỏ trồng cao su hoặc chuyển sang cây trồng khác. Bên cạnh đó, những người trồng cao su tại Ấn Độ cũng đề nghị chính phủ nghiên cứu để đưa ra các quy định về hạn ngạch nhập khẩu theo chương trình cấp phép nhập khẩu.

Sản lượng sản xuất cao su tại Ấn Độ đã giảm 70.000 tấn tương đương 7,6% từ 919.000 tấn năm 2012 xuống còn 849.000 tấn năm 2013, trong khi sản xuất
toàn cầu lại tăng 3,8% từ 11,6 triệu tấn năm 2012 lên 12 triệu tấn năm 2013.
 
 

 
Nguồn: Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC)

Theo số liệu nghiên cứu của ASSOCHAM cho biết, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép của Ấn Độ (CAGR) là 32% và giá trị nhập khẩu cao su thiên nhiên trong 9 tháng đầu năm tài chính 2013-2014 (từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2013) đạt 734 triệu USD thì dự báo kim ngạch nhập khẩu cao su thiên nhiên tại Ấn Độ có thể chạm ngưỡng 1.107 triệu USD vào cuối năm tài chính 2014-2015.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm 2014 là 58.328 tấn, trị giá 108 triệu USD chiếm 8,4% tổng khối lượng xuất khẩu và chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2014[6]. Trước tình hình kêu cứu của các nhà trồng cao su của Ấn Độ nêu trên, các nhà xuất khẩu của Việt Nam cần phải theo dõi diễn biến tình hình để có những phản ứng phù hợp như rà soát giá xuất khẩu cũng như phối hợp với các ngành sản xuất ưu tiên hàng nhập khẩu để sản xuất như các nhà sản xuất lốp xe ô tô để bảo vệ lợi ích khi cần thiết.

Nguồn: Phòng Điều tra vụ kiện PVTM của doanh nghiệp trong nước-
Cục Quản lý cạnh tranh

(Tổng hợp từ http://www.rubberworld.com/newsweek.asp?id=21703&date=month và https://in.news.yahoo.com/rubber-planters-want-anti-dumping-duty-imports-105205662--finance.html)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
----------------------------------------------------------------------------------- 

[1]  RSS-4: Mốc khô không được quá 20%, sạch, khô, chắc, rải rác bọt khí, chấp nhận lẫn vỏ cây kích cỡ vừa, không phồng giộp, không có cát, vật lạ (theo: The Green Book – 1969) http://aseanrubber.com.vn/?page_id=83

[2] RSS-5: Mốc khô không được quá 30%, sạch, khô, chắc, rải rác bọt khí, chấp nhận lẫn vỏ cây kích cỡ lớn, phồng giộp nhỏ, không có cát, vật lạ quá mức cho phép (theo: The Green Book – 1969) http://aseanrubber.com.vn/?page_id=83

[3] RSS-3: Mốc khô không được quá 10%, sạch, khô, chắc, rải rác bọt khí, chấp nhận lẫn vỏ cây kích cở nhỏ, không phồng giộp, không có cát, vật lạ, không bị sấy chưa chín.

[4] Năm tài chính 2013-2014 của Ấn Độ bắt đầu từ 01/4/2013 đến 31/3/2014.

[5] SMR-20 (Standard Malaysian Rubber): là một trong các sản phẩm cao su khối trong Hệ thống cao su tiêu chuẩn Malaysia. SMR-20 gồm các chỉ tiêu hóa lý sau: hàm lượng chất bẩn dưới 0,16% tính theo trọng lượng (wt); hàm lượng tro dưới 1% (wt); hàm lượng nitơ dưới 0,6% (wt); hàm lượng chất bay hơi dưới 0,8% (wt); độ dẻo ban đầu trên 30 (wt); chỉ số duy trì độ dẻo dưới 40 (wt),

[6]http://customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuanLichCongBo/Attachments/577/2014-T09T-5X%28VN-SB%29.pdf
Quảng cáo sản phẩm