Chủ động đối phó rào cản phòng vệ thương mại

30/12/2022 10:24 - 15 lượt xem

Các doanh nghiệp cần nhận thức đúng và đủ về điều tra phòng vệ thương mại, từ đó chủ động hợp tác với bên điều tra để hoàn tất hồ sơ, thủ tục và giải trình phù hợp với thông lệ quốc tế. 


11 tháng năm 2022 Việt Nam phải ứng phó với hơn 16 vụ điều tra chống bán phá giá của các nước nhập khẩu; nhắm vào hàng xuất khẩu của chúng ta.


Xu hướng điều tra phòng vệ gia tăng


Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục Trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương, hiện nay hoạt động khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đang được nhiều quốc gia trên thế giới thúc đẩy. Trong diễn biến chung của thị trường, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt các vụ điều tra phòng vệ thương mại diễn ra ngày càng dày đặc.


Thực tế, trong 11 tháng năm 2022, các nước đã tiến hành điều tra 16 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.


“Các vụ việc rà soát và điều tra mới sẽ tiếp tục gia tăng”, ông Dũng cho biết.


Nhận định về lý do khiến các nước nhập khẩu gia tăng phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam, ông Dũng cho biết có ba nguyên nhân chính. Trong đó, nguyên nhân nội tại là do sau quá trình hội nhập với các hiệp định thương mại lớn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng với tốc độ khá nhanh (tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 7 lần từ 2007 đến nay - PV). Sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong những năm gần đây được cải thiện rõ rệt khiến các nước nhập khẩu gia tăng bảo hộ cho hàng hóa nội địa.


Nguyên nhân thứ hai là trong vòng 2-3 năm qua, với tác động từ dịch Covid-19, nhiều ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của các nước gặp khó khăn, sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Chính vì vậy họ thúc đẩy hơn các biện pháp phòng vệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, xu hướng chung hiện nay là các thị trường lớn trên thế giới luôn có sự cạnh tranh, thậm chí mâu thuẫn nhau trong việc định hình thị phần và sắp xếp lại chuỗi cung ứng hàng hóa.


“Do đó, hoạt động điều tra phòng vệ thương mại sẽ nhắm nhiều đến điều tra trốn thuế chống bán phá giá, minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa”, ông Dũng nhận định.


Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sau dịch Covid-19, hoạt động nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ khiến các quốc gia tập trung hơn cho các biện pháp cạnh tranh, giành giật thị phần và vẽ lại vị thế trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.


Trong bối cảnh không gian thương mại mở và ngày càng đa dạng, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới, đồng thời cũng sẽ phải đối phó với hàng loạt các biện pháp phòng vệ thương mại.


“Không loại trừ một số thị trường chủ động “lạm dụng” các biện pháp khởi xướng, điều tra phòng vệ thương mại, nên bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào cũng có thể bị khởi kiện và áp thuế phòng vệ”, bà Trang nhận định.


Cẩn trọng và chủ động phòng bị


Ông Lê Triệu Dũng cho rằng, trong năm 2023 và các năm sắp tới xu hướng điều tra phòng vệ thương mại của các nước sẽ ngày càng đa dạng nhằm mục tiêu áp dụng các mức thuế cao với hàng nhập khẩu và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.


Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, tùy theo từng ngành hàng tính chất của các vụ việc phòng vệ thương mại sẽ khác nhau. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thủy sản, áp lực đối với các vụ khởi kiện về nguồn gốc sản phẩm nhằm đánh thuế lẩn tránh thuế chống phá giá là không lớn, do mức độ chủ động về nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam khá tốt. Tuy nhiên, đối với ngành gỗ và lâm sản, nguy cơ bị điều tra về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm lại rất lớn.


Từ kinh nghiệm đối phó với các vụ việc phòng vệ thương mại và các cuộc điều tra rà soát hàng năm đối với ngành cá tra và cá ba sa, ông Dũng cho rằng, sự chủ động của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là yếu tố quyết định đến kết quả vụ kiện.


Theo ông Dũng, sau 10 năm liên tục bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, từ mức thuế bị áp ban đầu ở mức 30% đến hiện nay đã có hàng chục doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.


“Các doanh nghiệp này chiếm tới 95% kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào Hoa Kỳ chứng tỏ việc theo kiện bền bỉ, cung cấp đầy đủ thông tin cho đối tác đã có kết quả rất tích cực”, ông Dũng nhìn nhận.


Theo các chuyên gia, thời gian tới những cuộc điều tra phòng vệ thương mại sẽ nhắm nhiều đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, ngay cả các ngành không có nhiều nguy cơ bị điều tra như thủy sản cũng cần phải dè chừng bởi việc đầu tư sâu vào chế biến và đa dạng hóa sản phẩm của nhiều doanh nghiệp lớn đang thách thức nhu cầu về nguyên phụ liệu.


Hơn nữa, Việt Nam có đường biên giới giáp ranh với Trung Quốc là quốc gia đang bị các nước đánh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu, đồng thời Việt Nam nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc trong các năm vừa qua nên đây cũng là một trong những lý do chúng ta bị nhắm tới trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.


Để chủ động đối phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp cần nhận thức đúng và đủ về điều tra phòng vệ thương mại, từ đó chủ động hợp tác với bên điều tra để hoàn tất hồ sơ, thủ tục và giải trình phù hợp với thông lệ quốc tế.


Thực tế, qua các lần rà soát hàng năm của Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp ngành tôm, ngành cá tra đã chủ động đề nghị đối tác đẩy nhanh tiến trình rà soát, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành trong nước và trọng tài quốc tế để giám sát bên điều tra.


Để chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, theo ông Nam, các doanh nghiệp cần quan sát kỹ thị trường để nhận thấy trước những dấu hiệu có khả năng xảy ra điều tra phòng vệ. Chẳng hạn, nếu kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tăng nhanh trong thời gian dài ở một ngành hàng hoặc một thị trường nào đó thì rất dễ dẫn tới điều tra, khởi kiện.


"Những ngành hàng, mã hàng hóa trước đây đã bị điều tra thì các mã hàng gần giống về nguyên liệu và cùng xuất khẩu vào một thị trường thì cũng rất dễ bị điều tra”, ông Nam lưu ý.


Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Quảng cáo sản phẩm