Chuỗi giá trị chuẩn mực cá tra

07/08/2014 12:00 - 687 lượt xem

Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2014. Thế là, sau 5 năm ròng rã lấy ý kiến các bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, một hành lang pháp lý đã được tạo dựng nhằm đưa con cá tra đi theo chuỗi giá trị chuẩn mực, từ sản xuất- chế biến đến xuất khẩu.

Nhìn lại 12 năm (2001-2012), diện tích nuôi cá đã tăng từ 1.200 ha lên 6.000 ha; sản lượng từ 37.500 tấn lên 1.350.000 tấn; xuất khẩu từ 17.000 tấn lên 660.000 tấn, giá trị từ 40 triệu USD lên 1,745 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Năm 2013, dù nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu dựng lên, kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn tới 1,76 tỷ USD. Đến nay đã có 149 quốc gia, vùng lãnh thổ tiêu thụ cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, đằng sau những con số đó là một thực tế đáng lo ngại: Sản xuất cá tra mang tính tự phát, liên kết lỏng lẻo; phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị không hài hòa, cạnh tranh thiếu lành mạnh, có quá nhiều đầu mối xuất khẩu; sản phẩm không đồng nhất, kém chất lượng; vai trò của các hội nghề nghiệp mờ nhạt... Hậu quả thế nào chắc người nuôi, doanh nghiệp biết rõ hơn ai hết.

Nghị định 36 được kỳ vọng sẽ thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý ngành hàng cá tra, tạo cơ chế kiểm soát tốt sản xuất, giám sát chặt chế biến, xuất khẩu, điều chỉnh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá... Theo nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp thủy sản, Nghị định 36 rất cần sớm đi vào cuộc sống.

Thế nhưng, Nghị định 36 mới được Thủ tướng ký chưa ráo mực, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng... kêu khó, tập trung vào một số điều: Đăng ký xuất khẩu cá tra; kiểm soát giá sàn; quy định chặt chẽ vùng nuôi, chất lượng sản phẩm xuất khẩu..., đồng thời kiến nghị lùi thời hạn thi hành sang ngày 1/7/2015.

Trong khi đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam lại khẳng định: Thà nuôi ít lại mà nông dân có lãi, còn hơn nuôi nhiều mà nông dân chịu lỗ. Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh chất lượng, khôi phục giá trị vốn có của cá tra Việt Nam. Thậm chí Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định mạnh mẽ hơn: Việc đề nghị lùi thực hiện Nghị định 36 là bảo vệ hình thức kinh doanh chộp giật.

Việc thực hiện Nghị định 36 có lẽ tương tự người chỉ đi trên huyện lộ, tỉnh lộ, nay phải ra quốc lộ lớn, xa lộ rộng, thấy “ngợp”. Song, bất luận thế nào vẫn phải đi thay vì đứng bên lề đường “kêu trời”!

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm