Năng suất thấp: Nhìn từ doanh nghiệp và người lao động

19/03/2015 12:00 - 765 lượt xem

Hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải thay đổi, nhất là việc nâng cao năng suất lao động. Bởi vì xét về yếu tố này, hiện Việt Nam đang xếp vào hàng thấp của ASEAN.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 50% các nước thuộc khu vực ASEAN- đây là kết quả khảo sát năng suất lao động do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện năm 2014. Trong đó, các ngành nghề cần phải cải tiến năng suất chính là những ngành thâm dụng lao động và thực hiện gia công hàng hóa là chủ yếu, trong đó có dệt may, da giày....

Theo ILO, dựa trên thời gian gia công và giá gia công cho ra kết quả trung bình một lao động ngành da giày hoặc dệt may làm ra 1,5 USD/giờ. Trong khi đó, tại Indonesia và Thái Lan 1 công nhân có thể thu về 3 USD/giờ. Nếu lấy số tiền lao động làm trong 1 giờ nhân với 208 giờ theo Luật Lao động của Việt Nam thì một người lao động làm được 312 USD/tháng. Như vậy thấy rõ, thu nhập của lao động các nước trong khu vực ASEAN gấp đôi thu nhập của lao động Việt Nam, đó là chưa kể những nước có nền kinh tế công nghiệp hiện đại.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Cty cổ phần Lê & Associate (L&A) cho biết, trừ đi các chi phí quản lý, đóng các khoản bảo hiểm thì thu nhập tối đa của người lao động chỉ ở mức 3,4 triệu đồng/tháng. Với khoản tiền mà một người lao động mang lại cho DN đang là thách thức lớn đối với các ông chủ nhà máy trong giai đoạn hội nhập. Tương tự, ngành chế biến gỗ hoạt động chủ yếu dưới mô hình hộ gia đình, DN vừa và nhỏ, chính vì lẽ đó mà lực lượng tham gia sản xuất phần lớn là lao động nông thôn nên chậm thích nghi với tác phong làm việc theo môi trường sản xuất hiện đại, dù cho kỹ năng tay nghề truyền thống rất tốt. Đây cũng chính là nguyên nhân mà năng suất lao động của ngành này vẫn thấp so với các ngành khác.

Nhìn nhận các yếu tố tác động đến năng suất lao động hiện nay nhiều ý kiến khẳng định, nguyên nhân là do người lao động thiếu tính chuyên nghiệp, đồng thời ý thức thái độ làm viêc chưa cao. Tuy nhiên, xét cho cùng thì điều đó xuất phát từ chính DN. Bởi vì theo số liệu khảo sát 100 DN niêm yết trên sàn chứng khoáng của L&A thì có đến 67% DN có cơ cấu tổ chức cồng kềnh nên hiệu quả công việc không cao. Bên cạnh đó, có 90% xây dựng hệ thống chức danh một cách tùy tiện không được chuẩn hóa như DN các nước. Không chỉ chồng chéo chức năng ở khu vực nhân sự mà trong việc hoạch định công việc cũng thiếu khoa học, không hợp lý. Rất nhiều DN lập kế hoạch công việc cho một năm nhưng vẫn để sử dụng cho nhiều năm tiếp theo mà không có sự đổi mới. Qua khảo sát kết quả thu được là 85% DN không cập nhật, cải tiến quy trình làm việc hàng năm. Điều đặc biệt, có đến 90% DN không xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc.

Thực tế cho thấy, ở các công ty đa quốc gia trong quá trình hoạt động sản xuất DN liên tục đổi mới để cạnh tranh và tồn tại. Đối với DN Việt Nam, trước giờ văn hóa kinh doanh vẫn được coi là có vấn đề, ngại thích ứng và đối diện với cái mới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thu nhập thể hiện rõ năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp đáng báo động. Nếu như năng suất lao động thấp tiếp tục kéo dài thì chắc chắn DN khó lòng cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, môi trường kinh doanh sẽ khắc nghiệt hơn, nghĩa là DN không đơn thuần cạnh tranh trong nước mà phải cạnh tranh xuyên quốc gia. Vấn đề đặt ra hiện nay, đòi hỏi DN phải có sự thay đổi thật sự về mô quản trị DN nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường. Đặc biệt, không ngừng nâng cao năng suất lao động. Theo đó, đối với quy trình sản xuất lắp ráp thì việc cải tiến tập trung vào hoạt động tạo ra giá trị gia tăng của người lao động, đào tạo nhân viên đa năng. Đối với quy trình sản xuất công nghiệp, cải tiến tập trung vào việc giảm thời gian chết của thiết bị và năng cao khả năng vận hành máy móc của công nhân.

Nguồn: Báo Đại đoàn kết
Quảng cáo sản phẩm