Nếu bị áp dụng các biện pháp về chống lẩn tránh, doanh nghiệp rất khó xuất khẩu lại vào Hoa Kỳ

26/12/2022 04:03 - 27 lượt xem

Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tinh vi và quyết liệt hơn, đặc biệt gia tăng các biện pháp điều tra mới là chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại...


Chia sẻ tại tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết Hoa Kỳ có số lượng các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hàng đầu trên thế giới.


Hoa Kỳ cũng là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.


GIA TĂNG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA MỚI


Tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đã khởi xướng 51 vụ việc với hàng hoá của Việt Nam, chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó 22 vụ việc là điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.


Đặc biệt, quan sát cho thấy, nếu như trước đây các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá như cá tra, cá basa hoặc tôm từ những năm 2003, 2004, thì giờ đây, ngoài việc sử dụng các công cụ điều tra bán phá giá, họ còn sử dụng hoạt động điều tra mới đó là chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.


Điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại tức là không chỉ điều tra những hành vi gian lận thương mại mà còn là điều tra để xem hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam lớn hay không.


Thậm chí năm 2021, Hoa Kỳ còn sửa đổi lại các quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để các thủ tục, điều kiện quy định chặt chẽ hơn và tạo cho cơ quan có thẩm quyền là Bộ Thương mại Hoa Kỳ một quyền hạn phù hợp hơn cho các hoạt động điều tra.


Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng từ sau khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7/2018, Mỹ đã áp dụng mức thuế 25% cho 818 mặt hàng của Trung Quốc xuất sang thị trường này.


Đây cũng là cơ hội cho hàng hoá Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ. Nếu so sánh kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 sang Hoa Kỳ sẽ thấy con số này tăng đến 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng thì các biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ áp dụng cũng ngày càng tăng nhằm hạn chế và ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.


Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cũng cập nhật thông tin xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 101,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới.


Song song với cơ hội khi tận dụng được chuỗi cung ứng bị gián đoạn và Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với một số quốc gia thì Việt Nam cũng tận dụng được cơ hội này, mở rộng thị trường và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.


Nhưng cơ hội cũng kèm theo thách thức. Theo ông Hưng, đó là số lượng các vụ việc về điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp về chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa của Việt Nam ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua.


Điều đáng nói, khi áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc thì các mặt hàng tương tự từ một số quốc gia khác xuất sang Hoa Kỳ lại gia tăng, đặc biệt từ những nước có giáp đường biên giới với các nước đang bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.


Đây cũng là một trong những lý do mà Hoa Kỳ sẽ tiến hành nghiên cứu điều tra và có thể khởi xướng, áp các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các quốc gia đó, trong đó có Việt Nam.


CẦN PHẢI TẠO ĐƯỢC GIÁ TRỊ GIA TĂNG LỚN CHO SẢN PHẨM


Tại hội thảo, ông Đỗ Ngọc Hưng cũng nhấn mạnh tới sự khác biệt giữa các vụ việc điều phòng vệ thương mại thông thường và các vụ việc điều tra về lẩn tránh thuế và lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp.


Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là do hai cơ quan độc lập tiến hành bao gồm Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) - xác định về mức độ vi phạm và Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ xác định về mức độ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ.


Chỉ khi nào hai cơ quan trên đưa ra kết luận khẳng định có vi phạm và có các hành vi liên quan về các biện pháp gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ thì cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ mới áp dụng các biện pháp phòng vệ.


“Chính vì đặc điểm này mà việc tham gia đấu tranh trong các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ được tiến hành ở nhiều kênh khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau và phạm vi khác nhau cũng như trong một số trường hợp có thể mang lại cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hưng cho biết.


Nhưng đối với các biện pháp về lẩn tránh thuế và lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp thì hoàn toàn khác. Ông Hưng phân tích, việc điều tra và ban hành kết luận hoàn toàn do Cơ quan thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiến hành và tiêu chí để xác định hành vi lẩn tránh thì hoàn toàn khác với tiêu chí đánh giá trong vụ việc phòng vệ thương mại thông thường.


Thêm vào đó, nếu bị áp dụng các biện pháp về chống lẩn tránh thì doanh nghiệp rất khó hoặc gần như không thể xin rà soát và phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc biện pháp ban đầu mà Hoa Kỳ áp dụng với hàng hóa của các nước khác thuộc diện áp thuế lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp.


Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn của Bộ Công Thương.


Trong quá trình sản xuất và xuất khẩu phải tạo được giá trị gia tăng, giá trị thặng dư trên sản phẩm, qua đó cũng góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như hạn chế các vụ việc về phòng vệ thương mại.


Ngoài ra, khi đã vướng vào các vụ việc điều tra,Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng doanh nghiệp cần phải có sự chủ động, sự tích cực và khắc phục tâm lý e ngại, thông tin cung cấp cho cơ quan điều tra phải có sự nhất quán với nhau.


Đồng thời, nâng cao năng lực, hệ thống quản trị của doanh nghiệp để góp phần hạn chế rủi ro bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.


Nguồn: VnEconomy

Quảng cáo sản phẩm