Quy trình thẩm tra thực địa

21/12/2022 02:17 - 7 lượt xem

Thẩm tra thực địa trong điều tra chống bán phá giá

 

Theo quy định việc thẩm tra thực địa chỉ được tiến hành sau khi DOC thông báo và nhận được chấp thuận của đơn vị dự kiến điều tra. Trước khi thực hiện điều tra, DOC phải gửi bản chương trình điều tra (sơ bộ về những vấn đề cần điều tra) đến cho các đối tượng liên quan.

 

Quá trình thẩm tra thực địa thực chất là việc cán bộ điều tra tìm kiếm các chứng cứ xác minh tính chính xác của thông tin mà doanh nghiệp đã cung cấp cho DOC trước đó. Sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này cụ thể là việc cung cấp cho cán bộ điều tra những chứng cứ (giấy tờ, sổ sách, người phỏng vấn…) mà họ cần và tạo điều kiện để họ thực hiện công việc của mình.

 

Sau khi tiến hành thẩm tra thực địa, cán bộ điều tra sẽ lập một Báo cáo kết quả thẩm tra thực địa trình cán bộ cấp trên trong DOC. Cán bộ này sẽ quyết định chấp nhận Báo cáo điều tra hay không. Luật sư các bên liên quan cũng được tiếp cận báo cáo này.

 

Thực tế

 

Thường thì DOC sẽ cử một nhóm khoảng 2 cán bộ của mình tới trụ sở và các xưởng sản xuất của nhà sản xuất xuất khẩu bị đơn để xác minh tính trung thực của các thông tin mà họ cung cấp cho DOC. Thẩm tra thực địa thường được tiến hành trong khoảng từ 1 đến 2 tuần (cũng có khi ít hơn, khoảng 3-4 ngày), phụ thuộc vào số lượng các công ty cần điều tra cũng như các vấn đề điều tra. Việc điều tra thường khá tỉ mỉ, chi tiết, được hỗ trợ bởi nhiều đơn vị khác bên ngoài.

 

Phương pháp điều tra được cán bộ DOC sử dụng thường bao gồm một hoặc cả hai phương pháp sau:

 

- Điều tra “hướng lên”: Bắt đầu từ các thông tin mà doanh nghiệp khai trong Bảng câu hỏi điều tra, cán bộ điều tra sẽ truy các yếu tố khác nhau đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp – nếu thông tin tập hợp phù hợp với báo cáo tài chính đã được kiểm toán, DOC có thể xem như các thông tin doanh nghiệp cung cấp là chính xác và đáng tin cậy.

 

Chú ý: Báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ không bao gồm tất cả các thông tin mà cán bộ DOC yêu cầu (điều này là tất nhiên, bởi báo cáo tài chính không phải được lập ra để phục vụ cho điều tra chống bán phá giá, và cán bộ DOC cũng rất hiểu điều này). Vì thế trong khá nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải thực hiện bước “tương thích hóa” các thông tin mình cung cấp trong Bảng câu hỏi điều tra với báo cáo tài chính của mình. Ví dụ, báo cáo tài chính của doanh nghiệp chỉ có số liệu về tổng chi phí vận chuyển nội địa cho tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất; khi đó doanh nghiệp phải tính cụ thể ra chi phí vận chuyển nội địa của từng loại sản phẩm (và phải xuất trình thêm số liệu tại Sổ cái làm chứng cứ cho việc này).

 

- Điều tra “hướng xuống”: Bắt đầu từ các thông tin doanh nghiệp khai báo, cán bộ DOC sẽ điều tra đến từng chứng từ cơ bản và sổ sách kế toán. Ví dụ, liên quan đến chi phí vận chuyển nội địa, doanh nghiệp có thể sẽ phải xuất trình từng biên lai vận chuyển mà công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển phát hành, các hóa đơn chứng minh việc đã thanh toán tiền vận chuyển trên thực tế và sổ sách kế toán phải lưu được chứng từ về cả hai việc này. Đôi khi cán bộ điều tra còn đòi hỏi thêm những chứng từ khác liên quan (ví dụ tờ séc ngân hàng đã hủy, giấy tờ ghi nợ của ngân hàng…). Họ cũng có thể đòi doanh nghiệp phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc phân bổ chi phí vận chuyển cho từng sản phẩm cụ thể, từng lô hàng cụ thể.

 

Sau khi kết thúc điều tra, thường là sau khoảng 1-2 tuần (có thể lâu hơn), cán bộ DOC sẽ soạn các báo cáo điều tra chi tiết trong đó tóm tắt các kết quả thẩm tra thực địa.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quá trình thẩm tra thực địa, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn này:

 

- Chuẩn bị về các giấy tờ, sổ sách, tài liệu liên quan hoặc có thể làm căn cứ cho các thông tin mà mình cung cấp (để sẵn có, rõ ràng, hệ thống) để có thể cung cấp trong thời gian sớm nhất khi có yêu cầu;

 

- Chuẩn bị nhân lực, cán bộ phục vụ cho hoạt động điều tra của cơ quan điều tra;

 

- Có sự hỗ trợ đầy đủ của luật sư tư vấn (để đảm bảo có hành động hợp lý, có lợi cho doanh nghiệp).

 

Liên quan đến các chi tiết kỹ thuật, doanh nghiệp bị đơn cần lưu ý rằng:

 

- Bất kỳ sự thiếu thống nhất nào giữa sổ sách kế toán và các báo cáo tài chính, kế toán của doanh nghiệp bị đơn cũng có thể dẫn tới việc DOC quyết định sử dụng thông tin sẵn có bất lợi;

 

- DOC đặc biệt “nhạy cảm” đối với những hành vi lừa dối mà các bị đơn đôi khi sử dụng để làm đẹp số liệu, và có kỹ thuật hữu hiệu để phát hiện ra sự lừa dối này. Vì vậy doanh nghiệp bị đơn không nên cố gắng để thực hiện hành vi này;

 

- DOC không quan tâm lắm đến các hành vi vi phạm pháp luật nội địa nước xuất khẩu (như trốn thuế) mà không ảnh hưởng tới giá trị pháp lý của các số liệu ở trên mà DOC dựa vào đó để tính biên độ phá giá. Như vậy, nếu doanh nghiệp đưa ra số liệu thật (và số liệu này không khớp với số liệu khai báo thuế với cơ quan thuế sở tại) thì cũng không phải lo rằng điều này sẽ bị DOC đánh giá là trốn thuế và có kết luận bất lợi cho doanh nghiệp.

 

Đối với trường hợp của Việt Nam (nền kinh tế phi thị trường), phương pháp tính toán mà DOC sẽ sử dụng cho doanh nghiệp bị đơn Việt Nam không liên quan đến chi phí mà chỉ liên quan đến định mức sản xuất (các nhân tố sản xuất), việc thẩm tra thực địa vẫn hướng tới các giấy tờ tài chính và các giấy tờ khác để chứng minh rằng các định mức sản xuất mà doanh nghiệp khai báo là chính xác (mặc dù chi phí thực tế cho các nhân tố đó không được lấy từ các chứng từ này mà căn cứ vào trị giá thay thế từ nước thay thế). Vì vậy những lưu ý trong nội dung này vẫn đúng với trường hợp nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam.

 

Thẩm tra thực địa trong điều tra chống trợ cấp

 

Cũng giống như trong điều tra chống bán phá giá, sau khi nhận được các thông tin từ Bản trả lời Bảng câu hỏi điều tra của các bên liên quan và các hình thức bổ sung thông tin khác, DOC sẽ tiến hành thẩm tra thực địa tính xác thực và căn cứ của các thông tin trả lời thông qua việc điều tra tại thực địa. Khác với điều tra chống bán phá giá, thẩm tra thực địa trong một vụ chống trợ cấp bao gồm cả việc điều tra các bảng trả lời của Chính phủ nước xuất khẩu.

 

Điểm khác biệt này cũng dẫn tới một số lưu ý đối với doanh nghiệp:

 

- Sự nhiệt tình tham gia kháng kiện của các cơ quan Chính phủ đôi khi không được như mong muốn của doanh nghiệp (bởi nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp có thể là rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng lại không có ý nghĩa nhiều lắm với các cơ quan của Chính phủ. Vì vậy việc doanh nghiệp theo sát và thúc giục, thuyết phục các cơ quan Chính phủ hiểu đúng tính chất của vụ việc và hành động kịp thời, phù hợp trong quá trình thẩm tra thực địa của cán bộ DOC là rất quan trọng;

 

- Các cơ quan Chính phủ đôi khi e dè khi cung cấp một số loại thông tin (có thể vì lý do bí mật quốc gia chẳng hạn). Ví dụ cán bộ ngân hàng thường không mong muốn hoặc không được phép tiết lộ một số thông tin liên quan đến các doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến điều này để có bước chuẩn bị thích hợp.

 

Danh mục một số loại chứng từ sổ sách cần được xuất trình trong quá trình thẩm tra thực địa của DOC

-    Báo cáo tài chính (bao gồm cả báo cáo tài chính hàng năm hoặc nửa năm)
-    Báo cáo quản lý/Thống kê lỗ lãi nội bộ
-    Bảng cân đối kế toán
-    Sổ cái tài khoản
-    Báo cáo bán hàng
-    Báo cáo công nợ theo thời gian (báo cáo khoản phải thu ghi rõ thời gian quá hạn)
-    Thống kê thu tiền mặt
-    Thống kê chi tiền mặt
-    Sổ công nợ
-    Tài liệu bán hàng
-    Bản ghi thanh toán

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm