Sẵn sàng cho các FTAs, sẵn sàng cho phòng vệ thương mại

05/07/2023 04:26 - 4 lượt xem

Việc Mê-hi-cô đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 3/2023 vừa qua, giảm mức thuế cao nhất từ 12,34% xuống 10,84% là kết quả của sự phối hợp giữa doanh nghiệp với Hiệp hội Thép Việt Nam và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).

 

Mức thuế giảm

 

Ngày 24 tháng 02 năm 2023, Cơ quan Thực thi Ngoại thương (UPCI) thuộc Bộ Kinh tế Mexico đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Mức thuế chống bán phá giá theo kết luận cuối cùng của Mexico giảm mạnh so với kết luận sơ bộ, dao động từ 0% đến mức cao nhất là 10,84% đối với các doanh nghiệp sản xuất thép cán mạ Việt Nam.

 

Trước đó, ngày 14/9/2022, cơ quan điều tra Mexico đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ việc được Mexico khởi xướng từ tháng 8 năm 2021 dựa trên đơn kiện của ngành sản xuất trong nước. Mức thuế sơ bộ áp dụng với các doanh nghiệp Việt Nam từ 0% - 12,34%.

 

Với mức thuế theo quyết định cuối cùng dao động từ 0% đến 10,84% đã giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể tiếp tục cạnh tranh và xuất khẩu sang Mexico. Mức thuế này cũng được đánh giá là tương đối thấp so với mức thuế mà Mexico áp dụng với sản phẩm thép nói riêng và các sản phẩm khác nói chung trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá do Mexico khởi xướng. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

 

Nhìn lại vụ việc

 

Tháng 10 năm 2021, Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên một nước thành viên Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định này có hiệu lực, với quãng thời gian điều tra khá dài, khoảng 10 tháng (tương đương 210 ngày), có thể gia hạn thêm theo quy định của Mexico.

 

Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trước đó, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Liên minh Kinh tế Á - Âu…  Đặc biệt trong khoảng 2 năm 2019, 2020, thép trên thị trường quốc tế thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến Mexico điều tra điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam là do tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Mexico. Cụ thể, theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC (Trademap.org), trong giai đoạn điều tra (năm 2020), Việt Nam xuất khẩu khoảng 170 triệu USD, tăng 70% so với năm 2019. Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, đã phủ, mạ hoặc tráng chiếm gần 80%; năm 2021, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 2 lần lên khoảng 370 triệu USD.

 

Lượng xuất khẩu gia tăng đột biến này đã gây nên hoặc đe dọa gây nên thiệt hại nghiêm trọng đối với thị trường sản xuất nội địa của Mexico. Chính vì vậy mà  tháng 8 năm 2021, Bộ Kinh tế Mexico đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán mạ có nguồn gốc từ Việt Nam sau khi nhận được đơn kiện từ 2 doanh nghiệp sản xuất thép nội địa.

 

Qua vụ việc này, doanh nghiệp Việt Nam có thêm một bài học, sẽ cần lưu ý thêm về việc cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với khối lượng hàng xuất khẩu. Không chỉ vì thuế suất ưu đãi mà không có sự hạn chế nhất định do việc xuất khẩu không hạn chế có thể sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường sản xuất nội địa của nước nhập khẩu và qua đó, dẫn đến việc điều tra chống bán phá giá, phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và bình ổn thị trường.

 

Doanh nghiệp sẵn sàng

 

Khi CPTPP có hiệu lực từ 14/1/2019, kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường Mexico tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 10 tháng đầu năm 2021 (thời điểm Mexico khởi xướng điều tra thép mạ Việt Nam) Việt Nam xuất khẩu sang nước này 2,5 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Đối với sản phẩm thép, liền trong 3 năm 2019, 2020, 2021, đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt con số 700 nghìn tấn, với giá trị gần 800 triệu USD. Số liệu từ Hiệp hội Thép cho thấy, xuất khẩu thép của Việt nam sang thị trường này chiếm 6% về lượng, 8% về giá trị trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2020, lần lượt là 3% và 4%.

 

Bên cạnh đó, Mexico là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm  Mỹ, Canada và Mexico, do đó, thông qua thị trường Mexico, không gian xuất khẩu sản phẩm thép của nước ta được mở rộng rất nhiều. Điều đó cho thấy, Mexico là điểm đến, là một thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu thép Việt Nam.

 

Và cũng vì thế, khi chúng ta thâm nhập sâu vào thị trường này cũng như các thị trường FTAs, việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều dễ hiểu, và doanh nghiệp ngành thép đã sẵn sàng “cuộc chơi” này, trong đó có khả năng thép Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá, ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu sang thị trường này, ảnh hưởng đến hiệu quả, công ăn việc làm của doanh nghiệp xuất khẩu thép.

 

Hiệp hội Thép đã phối hợp cùng Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương hướng dẫn cho doanh nghiệp chuẩn bị số liệu, sổ sách, tài liệu để trả lời, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra Mexico. Thuận lợi cơ bản là hiệp hội và doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Cục Phòng vệ Thương mại; và trong nhiều năm qua, doanh nghiệp thép đã tích lũy được kinh nghiệm trong xử lý vụ việc phòng vệ thương mại.

 

Những cuộc điều tra phòng vệ thương mại có điểm tiêu cực, như khả năng áp thuế cao, hạn chế khả năng xuất khẩu, và có tính “lây lan”, ví dụ như khi Mexico điều tra có thể “gợi ý” các thị trường khác cũng điều tra mặt hàng thép mạ nước ta. Song cũng có điểm tích cực, khi doanh nghiệp xuất khẩu thép chấp nhận “cuộc chơi” trong xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng phổ biến, họ có có tinh thần chuẩn bị tốt hơn, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị của mình để mở rộng không gian xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro ở một vài thị trường. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ Thương mại rất hiệu quả.

 

Khi Mexico khởi xướng điều tra, Hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước, thực hiện đạo đức kinh doanh, công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế thấp nhất những cái cớ dẫn đến các cuộc điều tra.

 

5 trụ cột hỗ trợ

 

Khi Mexico khởi xướng điều tra cũng không quá bất ngờ, vì Hiệp hội thép và doanh nghiệp xuất khẩu thép đã được cảnh báo trước đó hơn 1 năm. Sự cảnh báo dựa trên 2 dấu hiệu, xuất khẩu thép Việt Nam sang Mexico tăng nhanh từ khi CPTPP có hiệu lực; và doanh nghiệp thép Mexico kiến nghị lên Chính phủ, rằng thép Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép của Mexico.

 

Khi Mexico khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội và doanh nghiệp thép để thông tin, phổ biến các quy định của Mexico trong vụ kiện chống bán phá giá. Nhìn chung, pháp luật của nước này về chống bán phá giá cơ bản tuân thủ với quy định trong WTO. Tuy nhiên sẽ có những điểm thuận và không thuận lợi trong vụ việc này.

 

Về điểm không thuận lợi, gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là rào cản ngôn ngữ. Trong bản thông tin họ gửi đi, và bản trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam họ yêu cầu dùng tiếng Tây Ban Nha, và phải hợp pháp hóa bởi lãnh sự. Trong bối cảnh Covid-19, lãnh sự quán Mexico tại TP. Hồ Chí Minh đóng cửa. Bộ Công Thương đã liên hệ với Bộ Kinh tế nước này đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp nước ta tuân thủ tốt nhất yêu cầu điều tra của Mexico. Cuối cùng, Bộ Kinh tế Mexico đã gia hạn thời gian tối đa, và doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra Mexico đúng thời hạn.

 

Về thuận lợi, đây là vụ kiện thứ 19 của các nước đối với thép mạ Việt Nam, nên các doanh nghiệp đã làm quen với quy trình của một vụ kiện. Ngành thép luôn chủ động thu thập thông tin và chủ động hợp tác với cơ quan điều tra. Điều may mắn trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, Việt Nam đã đề nghị và được Mexico chấp nhận nước ta là nền kinh tế thị trường. Vì vậy, khi điều tra, họ sẽ chấp thuận sử dụng các dữ liệu về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, chứ không sử dụng dữ liệu thay thế -điều rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong các vụ kiện mà nước kiện chưa công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường.

 

Nhìn lại các vụ việc trong 20 năm qua, chỉ có 2 nước áp dụng điều tra phòng vệ thương mại mà không có FTA với Việt Nam là Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ. Phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng và chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, chiến lược của Việt Nam là, thứ nhất, coi phòng vệ thương mại như là một điều tất yếu cùng với quá trình hội nhập; thứ hai, khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để sao cho nếu nước ngoài áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu. Đây cũng là hướng ưu tiên để Bộ Công Thương thiết kế những nhiệm vụ của mình để hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, để hạn chế nguy cơ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, duy trì hệ thống sổ sách, kế toán minh bạch. Vì trong các vụ kiện, thường họ cho doanh nghiệp chuẩn bị 30 ngày trả lời các câu hỏi, nếu không có thống sổ sách, kế toán minh bạch, rất khó có thể hoàn thiện đúng thời hạn.

 

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề ra 5 trụ cột chính trong nhiệm vụ của mình.

 

Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn trong bảo vệ sản xuất trong nước.

 

Hai là, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng vệ thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

 

Ba là, tăng cường đào tạo cho các ngành hàng, với từng thị trường cụ thể.

 

Bốn là, tăng cường năng lực cho các trường đại học, viện nghiên cứu - nơi đào tạo đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý.

 

Năm là, tăng cường đối thoại với các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam, thường xuyên sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại; cũng như những đối tác mà Việt Nam nhập khẩu nhiều, nhằm tăng cường vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

 

Cần chuẩn bị nguồn lực

 

Một bài học nữa doanh nghiệp học được thông qua vụ điều tra của Mexico. Đó là năng lực pháp lý của doanh nghiệp khi tham gia vào các vụ kiện rất quan trọng. Không nhiều doanh nghiệp nước ta có bộ phận pháp chế riêng, nhất là cán bộ am hiểu về phòng vệ thương mại, đây là một thực tế. Bên cạnh đó nguồn lực về tài chính cũng là vấn đề.

 

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải có nguồn lực tài chính để ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, và các rủi ro pháp lý khi tham gia vào thị trường mới. Nguồn lực tài chính này dành cho thuê luật sư, công ty tư vấn nước ngoài. Ví dụ như vụ điều tra thép của Mexico chúng ta không chỉ sử dụng luật sư trong nước mà cần thuê đội ngũ tư vấn từ Mexico. Ngoài ra là hệ thống sổ sách phải rõ ràng, minh bạch, nhất là hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực quốc tế.

 

Việc Mexico đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 3/2023 vừa qua, giảm mức thuế cao nhất từ 12,34% xuống 10,84% là kết quả của sự phối hợp giữa doanh nghiệp với Hiệp hội Thép Việt Nam và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Doanh nghiệp và hiệp hội sẵn sàng “cuộc chơi”, cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu cho cơ quan điều tra Mexico. Với cơ quan quản lý nhà nước, trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico thông qua các kênh khác nhau để bày tỏ quan điểm và đề nghị Mexico không sử dụng phương pháp tính toán bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

 

Nguồn: Tạp chí Công Thương

Quảng cáo sản phẩm