Tăng vị thế để thu hút đầu tư - Kỳ I

21/08/2014 12:00 - 660 lượt xem

Năm 2015 là thời điểm quan trọng đối với các nền kinh tế khu vực ASEAN bởi Cộng đồng Kinh tế khu vực ASEAN (AEC) hình thành và chính thức đi vào hoạt động. Thời gian không còn nhiều, các ngành nghề, doanh nghiệp đã chuẩn bị như thế nào để đón đầu cơ hội do AEC mang lại.

CôngThương - Kỳ I: Khi cơ hội và thách thức được chia đều

Khi AEC đi vào hoạt động, sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Việt Nam cũng sẽ phải cắt giảm thuế đối với các mặt hàng thường được loại trừ ra khỏi phạm vi các hiệp định FTA truyền thống như: xăng dầu, thuốc lá. Chậm nhất tới năm 2018, Việt Nam cũng phải xóa bỏ các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với đường, muối, trứng gia cầm và thuốc lá.

Bên cạnh đó, khi AEC hình thành, rất nhiều sáng kiến thuận lợi hóa thương mại quan trọng như: Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau... cũng sẽ được triển khai. Ngoài ra, ASEAN cũng đẩy mạnh việc xử lý các biện pháp phi thuế quan và thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp. Về dịch vụ và đầu tư, ASEAN hướng tới mức độ tự do hóa cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh:

Để chuẩn bị tốt cho AEC, các doanh nghiệp cần chú trọng nghiên cứu thị trường, xây dựng năng lực để có thể tham gia các chuỗi sản xuất khu vực, phát huy lợi thế so sánh.

Để làm được việc này, cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về AEC, RCEP... từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập quốc tế - cho biết: Với việc hình thành AEC, nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất của Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức lớn. Khi không còn những ngăn cách về biên giới kinh tế, hàng hóa, dịch vụ và vốn được lưu chuyển tự do trong ASEAN thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư ASEAN đều có cơ hội như nhau trong việc tận dụng , phát huy ưu thế của thị trường chung 10 nước ASEAN.

Hiện, ASEAN đang ưu tiên nguồn lực cho đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 nước đối tác gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc. Cùng với việc AEC được thực thi, RCEP được kỳ vọng là một Hiệp định FTA khu vực nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực trên cơ sở tổng hợp và tăng cường các cam kết FTA ASEAN+1. Hiệp định RCEP cũng sẽ giúp duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình hội nhập khu vực mang tính mở.

“Một điểm sáng mà tôi ghi nhận là các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc tận dụng các ưu đãi về thuế trong ASEAN và các FTA ASEAN+, nên tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi của ta đã tăng lên qua các năm thực hiện” – Thứ trưởng Khánh nói.

Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Trong những năm gần đây, cán cân thương mại của Việt Nam với khối ASEAN đã có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang khối các nước ASEAN tương ứng là 13,5 tỷ USD và 20,9 tỷ USD thì con số này của năm 2013 là 18,4 tỷ USD và 21,3 tỷ USD. Cho thấy khoảng cách giữa xuất và nhập của Việt Nam đã được rút ngắn và con số xuất khẩu cũng tăng vọt. 6 tháng đầu năm 2014, tính chung kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 20,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm