Thép Trung Quốc tăng chóng mặt - ASEAN chống chọi

15/04/2015 12:00 - 813 lượt xem

Năm 2014 Trung Quốc sản xuất 823 triệu tấn thép, tăng 0,9% so với năm 2013, vẫn giữ vị trí số 1 thế giới trong nhiều năm về sản xuất thép. Đáng chú ý, trong năm 2014 Trung Quốc đã xuất khẩu ra toàn thế giới tới gần 94 triệu tấn, trong đó xuất khẩu sang các nước ASEAN 23,9 triệu tấn sản phẩm thép các loại, tăng 51,8% so với năm 2013.

Theo đó, sản lượng của các loại sản phẩm thép mà Trung Quốc đã xuất khẩu sang các nước ASEAN trong năm 2014, là: thép cây đạt 6.726.01 tấn, tăng 41,3%; thép dây 4.405.881 tấn, tăng 23,7% so với năm 2013; thép tấm cuộn cán nóng đạt 3.723.013 tấn, tăng 89,4% so với năm 2013; tôn mạ và phủ màu 2.977.295 tấn, tăng 19,3% so với năm 2013; thép tấm đạt 1.716.406 tấn, tăng 53,3% so với năm 2013; thép ống đạt 1.544.396 tấn, tăng 19,4% so với năm 2013; thép hình đạt 1.326.670 tấn, giảm 3,2% so với năm 2013 và các loại thép khác đạt.1479.838 tấn, tăng 27,4% so với năm 2013. Trong tổng số thép mà Trung Quốc đã xuất khẩu sang các nước ASEAN trong năm 2014 nói trên chỉ có mỗi sản phẩm thép hình là giảm 3,2% so với năm 2013. Tuy nhiên, sản phẩm thép tấm cuộn cán nóng lại xuất khẩu tăng chóng mặt tới 89,4% so với năm 2013.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), điều đáng bàn tới là trong tất cả các loại sản phẩm thép xuất khẩu từ Trung Quốc thì tỷ lệ thép chứa Bo (thép hợp kim) là rất lớn. Nhưng trên thực tế chúng lại là thép carbon có cho thêm một lượng nhỏ Bo (0,0008%) vào sản xuất mà không làm thay đổi tính chất của thép và cũng không làm tăng chi phí cho sản xuất.

Trong khi đó, những năm qua thép hợp kim của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước ASEAN được hoàn thuế về 0%. Chính vì lợi thế đó nên hàng năm Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước ASEAN. Tại Việt Nam nhập khẩu nhiều loại thép này, thậm chí đã diễn ra gian lận thương mại, như “hô biến” thép hợp kim thành thép xây dựng để được hoàn thuế xuất khẩu về 0% bán với giá rẻ, cạnh tranh trực tiếp với thép xây dựng sản xuất trong nước. Từ đó làm cho sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hàng năm chỉ đạt khoảng trên 50% so với công suất thiết kế, khiến doanh nghiệp thép trong nước ngày càng mất chỗ đứng.

Để bảo vệ sản xuất của mình, các nước ASEAN đã tiến hành nhiều biện pháp chống trả thông qua các cuộc đối thoại giữa Hội đồng Gang thép ASEAN (AISC) và Hiệp hội Gang thép Trung Quốc (CISA), yêu cầu phía Trung Quốc phải hủy bỏ trợ thuế xuất khẩu cho tất cả các sản phẩm thép khác chứa Bo, như: Thép hình, thép tấm cuộn cán nóng có chiều rộng từ 600 mm trở lên. Đồng thời, AISC cũng yêu cầu phía Trung Quốc phải có hành động ngăn cản việc lừa dối của các nhà sản xuất thép đang thu lợi từ việc hoàn thuế xuất khẩu bằng cách cho thêm các nguyên tố hợp kim khác như Cr để giảm thuế dưới danh nghĩa “thép hợp kim khác”.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đang hoàn thiện hệ thống xuất nhập khẩu của mình thông qua tăng cường việc chuẩn hóa mã HS. Theo đó, tất cả các nhà xuất khẩu phải nộp chứng thư xuất khẩu cho hải quan các nước ASEAN, từ đó làm căn cứ để các cơ quan hải quan làm chứng thư cho nhập khẩu. Đó là một trong những biện pháp phòng vệ hữu hiệu đối với sản phẩm thép của mỗi nước.

Nguồn: Báo Công Thương
Quảng cáo sản phẩm