Vụ việc tư vấn số 1 - Cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam của Hoa Kỳ

01/04/2009 12:00 - 1794 lượt xem

Tư vấn của hôi đồng TRC cho Hiệp hội dệt may và Chính phủ trong việc đối phó với Cơ chế giám sát hàng dệt may và nguy cơ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng này tại thị trường Hoa Kỳ.

Nội dung sự việc:

Từ đầu năm 2007 (thời điểm Việt Nam gia nhập WTO), Bộ Thương mại HK (DOC) đã tiến hành cơ chế giám sát đối với hàng dệt may VN nhập khẩu vào Hoa Kỳ (như một điều kiện để Hoa Kỳ trao quy chế PNTR cho Việt Nam). Cơ chế giám sát này có thời hạn 02 năm (2007-2008), áp dụng đối với 05 nhóm hàng dệt may của Việt Nam (VN), 6 tháng một lần cơ quan giám sát sẽ ra Báo cáo giám sát, trên cơ sở báo cáo này DOC sẽ quyết định có tự khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) hay không.

Để đối phó với nguy cơ bị kiện AD tại Hoa Kỳ, ngành dệt may VN (Ban điều hành dệt may cũ) đã có những động thái như:
(i)    Thuê luật sư HK hỗ trợ để bình luận, phản đối cơ chế giám sát hàng dệt may Hoa Kỳ và tư vấn các bước tiếp theo;

(ii)    Huy động đóng góp của các doanh nghiệp dệt may để tạo thành quỹ phòng tránh, đối phó với khả năng bị kiện AD tại HK (quỹ này đến nay chưa có nguồn thu lớn, hiệp hội dệt may vẫn tiếp tục vận động doanh nghiệp);

(iii)    Phối hợp với Bộ Công thương đề xuất những giải pháp phòng ngừa từ xa (ví dụ cấp Export Certificate; biện pháp cấm xuất khẩu hàng có giá thấp hơn giá tối thiểu; quy định điều kiện tối thiểu về số lượng máy móc, năng lực sản xuất đối với doanh nghiệp xuất khẩu….); tuy nhiên VCCI đã phản đối mạnh mẽ những biện pháp này bởi chúng không có hiệu quả, không khả thi, can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; trên thực tế các biện pháp này về cơ bản đã không thực hiện được (cơ chế cấp EC chỉ áp dụng tạm thời được 3 tháng).

Cuối năm 2007, Báo cáo giám sát hàng dệt may VN vào HK 6 tháng đầu năm của DOC đã được thông qua, trong đó nêu không có dấu hiệu hàng dệt may VN nhập khẩu vào HK bán phá giá gây thiệt hại.

Hiện tại, để đối phó với cơ chế giám sát và nguy cơ bị kiện AD trong năm 2008, trong điều kiện nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam vào HK tiếp tục tăng mạnh với giá thấp (đối với 5 nhóm hàng nhạy cảm), Hiệp hội Dệt may đang đề xuất Bộ Công thương:
(i)    Yêu cầu Hải quan cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác về tình hình xuất khẩu hàng dệt may định kỳ hàng tuần;
(ii)    Tiếp tục giám sát số liệu xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo hồ sơ xin cấp C/O, đặc biệt quan tâm ngăn chặn các đơn hàng thấp dưới mức giá của CAFTA (giá từ các nước thuộc khu vực thương mại tự do Trung Mỹ, vốn là nhóm nhập nhiều vào Hoa Kỳ) – riêng đối với 6 nhóm hàng nhạy cảm đối với NCTO (hiệp hội lobby mạnh nhất cho việc kiện AD hàng dệt may VN) và CAFTA thì đề nghị bắt buộc doanh nghiệp phải xin C/O 100% (để kiểm soát số lượng và trị giá) và đặt dưới sự giám sát đặc biệt của Bộ Công thương;
(iii)    Bộ Công thương chỉ đạo Thương vụ tại Hoa Kỳ và các vụ chức năng tiếp tục làm việc với DOC và các hiệp hội, đối tác tại HK để theo dõi sát biến động chính trường, thị trường Hoa Kỳ để giúp ngành đối phó linh hoạt, kịp thời;

Tóm tắt tư vấn của Hội đồng TRC

Ở vụ việc này, việc tư vấn của Hội đồng tập trung vào việc nghiên cứu các cơ chế mà ngành dệt may (Hiệp hội dệt may phối hợp với Bộ Công thương) dự kiến áp dụng nhằm chủ động đối phó với Cơ chế giám sát hàng dệt may mà Hoa Kỳ đặt ra đối với một số nhóm hàng dệt may của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và đe dọa có thể kiện chống bán phá giá đối với những mặt hàng thuộc diện bị kiểm soát này.

Vấn đề đặt ra là liệu các biện pháp phòng tránh khả năng bị kiện bằng cách “tự hạn chế” lượng xuất khẩu (gia tăng các thủ tục kiểm soát để làm nản lòng doanh nghiệp, chỉ cho phép các doanh nghiệp có quy mô lớn được xuất khẩu sang Hoa Kỳ…) và kiểm soát giá cả các đơn hàng có hiệu quả trong việc phòng tránh kiện chống bán phá giá không? So sánh chi phí mà Nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp phải bỏ ra để triển khai các biện pháp “tự hạn chế” này với lợi ích thu được như thế nào?

Trên cơ sở các phân tích kỹ lưỡng về các nguyên tắc kiện chống bán phá giá, khả năng Hoa Kỳ có thể kiện hàng dệt may Việt Nam, bản chất vụ việc, các tác động có thể có của các biện pháp “tự hạn chế” của ngành dệt may đối với các doanh nghiệp trong so sánh với hiệu quả của chúng, Hội đồng TRC đã đi đến kết luận rằng trong vụ việc này, nguy cơ bị kiện là không rõ ràng trong khi các giải pháp đối phó có thể gây ra những thiệt hại rất lớn cho chính các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ).

Do đó, Hội đồng khuyến nghị ngành dệt may không thực hiện các biện pháp tự hạn chế, việc đối phó có chăng chỉ nên tập trung vào việc ngăn chặn hiện tượng chuyển khẩu bất hợp pháp, gian lận thương mại và khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất hàng có giá trị cao.

Khuyến nghị này của Hội đồng, cùng với các hoạt động vận động từ VCCI và các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thuyết phục Bộ Công thương không ban hành cơ chế “tự hạn chế” đối với ngành dệt may, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ bình thường, tránh được những rắc rối phát sinh và các chi phí được dự báo là rất lớn mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục và điều kiện mà cơ chế “tự hạn chế” này dự kiến.

Trên thực tế, không có bất kỳ cơ chế “tự hạn chế” nào, các báo cáo của Cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam của Hoa Kỳ vẫn cho kết quả không có nguy cơ hàng dệt may Việt Nam bán phá giá vào Hoa Kỳ.
Nguồn: Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ Thương mại
Tải tài liệu
Chi tiet y kien cua Hoi dong Tu van.doc
Quảng cáo sản phẩm