Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá

09/09/2016 12:00 - 1487 lượt xem

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Nam Âu, với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2015 đạt 1,51 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2016 đạt 824,1 triệu USD (trong đó xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 732,3 triệu USD, nhập khẩu từ thị trường này trị giá 91,86 triệu USD).

Hàng hóa xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 7 tháng đầu năm nay sụt giảm gần 19% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu phần lớn các nhóm hàng đều giảm kim ngạch; nhóm hàng điện thoại và linh kiện tuy đứng đầu về kim ngạch với 371,4 triệu USD, nhưng cũng bị giảm 21% so với cùng kỳ; máy tính điện tử cũng giảm 40%, đạt 53,5 triệu USD; giày dép giảm 10%, đạt 20,9 triệu USD; dệt may giảm 24%, đạt 18,6 triệu USD.

Xuất khẩu giảm là do Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam nhiều nhất, trong đó có những sản phẩm như săm lốp xe đạp, gỗ dán, đá granite, ống thép hàn không gỉ cán nguội, máy điều hòa, vải bạt nhựa,….

Trong 7 tháng đầu năm 2016, nhóm hàng xơ sợi dệt xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tăng trên 6% so với cùng kỳ, đạt 108,8 triệu USD. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng mấy năm gần đây thị trường này áp thuế chống bán phá giá với sợi Việt Nam, khiến doanh nghiệp chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc.

Vào cuối tháng 8/2016, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ban hành kết luận điều tra chống bán phá giá  sợi dún polyester nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan. Theo kết luận này, cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ xác định biên độ bán phá giá của doanh nghiệp Việt Nam đối với sợi dún polyester (polyester textured yarn, có mã HS  5402.33.) là từ 34,81% đến 72,56 %, và đối với Thái Lan là 8,48% đến 37,69%.

Tuy nhiên, vào tháng 9-2016, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức phiên điều trần công khai, sau đó các doanh nghiệp có thể gửi các khiếu nại và cơ quan điều tra sẽ điều chỉnh lại việc tính toán (biên độ phá giá). Dự kiến, đến cuối tháng 9-2016, quyết định cuối cùng sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ để ra quyết định cuối cùng vào tuần đầu tiên của tháng 10-2016.

Trước đó, vào tháng 5-2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm sợi này nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan sau khi xem xét đơn kiện của Tập đoàn Korteks Mensucat Sanayi ve Tic. A.S.

Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ điều tra CBPG mặt hàng sợi của Việt Nam. Trước đây, nước này đã kiện CBPG mặt hàng sợi (yarn of man-made or synthetic or artificial staple fibres) nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Hy Lạp, Pakistan và Thái Lan. Sản phẩm này có mã HS 55.08, 55.09, 55.10, 55.11 (ngoại trừ các sản phẩm có mã HS 5509.52, 5509.61, 5509.91 và 5510.20). Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế CBPG 19,48% đến 25,25% đối với sản phẩm sợi này của Việt Nam, trong 5 năm, bắt đầu từ tháng 8-2014.

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 7 tháng đầu năm 2016
ĐVT: USD
Mặt hàng 7T/2016 7T/2015 +/- (%) 7T/2016 so với cùng kỳ
Tổng kim ngạch 732.286.038 901.533.720 -18,77
Điện thoại các loại và linh kiện 371.444.996 469.832.737 -20,94
Xơ sợi dệt các loại 108.773.093 102.339.133 +6,29
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 53.535.241 89.200.025 -39,98
Giày dép 20.898.431 23.277.399 -10,22
Hàng dệt may 18.568.445 24.423.363 -23,97
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 15.603.831 17.548.410 -11,08
Cao su 13.445.771 14.973.451 -10,20
Phương tiện vận tải và phụ tùng 11.923.694 12.895.345 -7,53
Hạt tiêu 10.019.418 8.840.824 +13,33
Gỗ và sản phẩm gỗ 8.620.146 7.671.881 +12,36
Chất dẻo nguyên liệu 4.308.770 3.855.884 +11,75
Hàng thuỷ sản 3.052.123 4.964.719 -38,52
Sản phẩm từ cao su 2.230.021 1.690.784 +31,89
Nguyên phụ liệu dệt may, da giày 1.897.946 1.759.698 +7,86
Sản phẩm từ chất dẻo 1.754.248 3.874.004 -54,72
Sắt thép 1.687.960 705.522 +139,25
Gạo 1.316.769 679.531 +93,78
Chè 166.330 140.102 +18,72
 
Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương 
Quảng cáo sản phẩm