Xúc tiến thương mại Việt Nam - EU (Bài 1)

20/03/2015 12:00 - 876 lượt xem

Quan hệ thương mại Việt Nam - EU ngày càng phát triển, vừa mở “đất dụng võ” và đặt “đơn hàng” cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) giữa hai bên. Nhờ tác động của hoạt động XTTM Việt Nam – EU, quan hệ thương mại song phương được thúc đẩy ngày càng bền chặt.

Bài 1: Đồng hành với hoạt động thương mại

Hàng loạt cam kết về XTTM

Trên nền tảng các Hiệp định thương mại cùng các thỏa thuận song phương khác và trải nghiệm qua tiến hành những hoạt động XTTM đơn lẻ, đột xuất, các cam kết về XTTM đã được ký kết giữa Cục XTTM (Bộ Công Thương) với các cơ quan tương ứng của một số nước thành viên EU. Đây được xem là bước ngoặt trong quan hệ XTTM, đưa hoạt động này đi vào quỹ đạo, bài bản mang tầm vóc quốc gia.

Đó là các cam kết với: Cục Xúc tiến thương mại Cộng hòa Séc; Cục Phát triển Đầu tư và Thương mại Hungari; Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ; Cục Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Cục Phát triển Đầu tư và Thương mại Slovakia; Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Vương Quốc Anh; Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ; Cục Xúc tiến thương mại, đầu tư Thụy Sĩ; Cục Phát triển kinh doanh quốc tế Pháp; Liên hiệp các Phòng thương mại khu vực Emilia-Romagna, Italia… Trong số những cam kết này, có những cam kết đã được ký trong các dịp hoạt động ngoại giao cấp cao. Điều đó chứng tỏ XTTM Việt Nam - EU đã được đặt vào vị trí tương xứng với tác động của nó trong việc phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - EU nói chung, với từng thành viên nói riêng.

Ngoài ra, giữa các thành phố lớn của Việt Nam với các đơn vị hành chính tương tự của các nước thuộc EU, nhiều thỏa thuận riêng về XTTM cũng đã được ký kết, làm phong phú thêm những hoạt động trong lĩnh vực này.

Nội dung chi tiết trong các cam kết với từng cặp đối tác có thể khác nhau, song đều có chung 3 điểm: (1) Trao đổi thông tin về thị trường, điều kiện thương mại, sản phẩm và doanh nghiệp; (2) Tổ chức các phái đoàn thương mại khảo sát thị trường, tìm đối tác; (3) Hỗ trợ các doanh nghiệp của hai bên tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm... Cả 3 nội dung chính đó đều đã được hai bên lần lượt thực hiện trong thời gian qua.

Nhộn nhịp XTTM ở EU

Nhiều năm nay, Việt Nam đã đưa việc tham gia Hội chợ thủy sản quốc tế chuyên ngành tại Brussels, Bỉ là một trong những hạng mục thuộc Chương trình XTTM quốc gia hàng năm, tạo cơ hội để thủy sản Việt Nam vào thị trường EU và thế giới. Hội chợ 2014,Việt Nam đã giới thiệu nhiều thành phẩm có thương hiệu, được các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt hàng đưa vào các siêu thị ở châu Âu và nhiều nước.

Tại Hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống Paris (SIAL Paris) 2014, gian hàng Việt Nam ở trung tâm Khu gian hàng quốc tế, giới thiệu các loại rau quả, trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng như xoài, dứa, thanh long, ngô bắp, ngô bao tử, hạt điều, dừa trái, các giống gạo cho năng suất cao….

Ngoài ra, trong chiến lược XTTM sang thị trường EU, Việt Nam đã tổ chức một số sự kiện tại một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Đó là chương trình quảng bá hàng Việt với khẩu hiệu “Hãy khám phá chất lượng hàng Việt Nam” diễn ra tại Paris, Pháp vào tháng 9/2014. Một sự kiện khác cũng thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp là “Những ngày hàng Việt Nam“ tại siêu thị Metro, Đức vào năm 2014. Nhờ sự kiện này, hàng Việt Nam được quảng bá trực tiếp đến nhiều công ty nhập khẩu của Đức, đông đảo khách tham quan và công chúng tiêu dùng. 

Một địa chỉ tốt để quảng bá nông sản Việt Nam nữa là nước Anh. Đây là nơi nhiều tổ chức hàng hóa quốc tế đặt trụ sở như Tổ chức cà phê quốc tế (ICO); Tổ chức ca cao quốc tế (ICCO); Tổ chức đường quốc tế (ISO); Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC); Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO); Tổ chức nông nghiệp và sinh học quốc tế (CABI)….

Nhiều sự kiện XTTM với EU tại Việt Nam

Diễn đàn các doanh nghiệp Đức khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại TP.Hồ Chí Minh năm qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tại các hội chợ lớn của Việt Nam như Hội chợ Thương mại quốc tế hàng năm tại Hà Nội (Vietnam Expo), Hội chợ thủy sản quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh (Vietfish), Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam tại Hà Nội, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế tại Thành phố Cần Thơ..., nhiều doanh nghiệp EU đã sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội với các đối tác, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giới thiệu, chào bán những thiết bị, máy móc, dây chuyền xuất xứ từ EU phục vụ canh tác, chế biến nông phẩm.  

Qua các buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp Việt Nam đều có chung chiêm nghiệm là khách hàng châu Âu sẵn sàng mua hàng với giá cao, song luôn theo nguyên tắc “tiền nào của nấy”, giá cả tương ứng với chất lượng kèm theo điều kiện thương mại thuận lợi và phải tôn trọng, chấp hành nghiêm những điều kiện đó. 

Hệ thống cơ quan đại diện thương mại hỗ trợ đắc lực 

Là một khu vực có nhiều và có sớm Cơ quan đại diện thương mại, 13 cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Ủy ban Châu Âu và tại một số nước thành viên đã và đang phát huy vai trò làm đầu mối, tư vấn và hỗ trợ cụ thể cho hệ thống xúc tiến trong nước trong việc tổ chức các sự kiện thương mại; cung cấp thông tin; xác minh đối tác… của địa bàn sở tại; thúc đẩy thực hiện các hợp đồng, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, vượt qua rào cản kỹ thuật…

Các cơ quan đại diện thương mại của EU tại Việt Nam cũng được Các tổ chức XTTM, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ sự giúp đỡ tiến hành các sự kiện xúc tiến thương mại có liên quan.  

Vai trò cầu nối của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam định cư ở EU đã góp sức vào việc phát triển vào quan hệ thương mại giữa hai bên, nhất là trong việc xúc tiến xuất khẩu hàng Việt Nam sang các địa bàn định cư. Tại các nước Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Hunggari, Séc… - nơi có lưu lượng giao thương lớn và truyền thống với Việt Nam - các doanh nghiệp Việt Nam định cư tại đây đều đóng vai trò nổi bật trong hoạt động XTTM. Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều ở một số quốc gia châu Âu đã kết nối với nhau tạo nên mắt xích lưu thông hàng hóa, thương mại. Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 8 được tổ chức tại Roma (Italia) cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp khu vực châu Âu. Để thúc đẩy hoạt động này, Bộ Công Thương, trước đó là Bộ Thương mại đã tổ chức gặp gỡ với khối doanh nghiệp Việt Nam tại Séc, Ba Lan, Anh và với Cộng dồng doanh nghiệp Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về tìm cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư. “Giải thưởng doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài” do Bộ Công Thương khởi xướng đã được trao cho doanh nhân tại Đức và tại Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội Người Việt Nam trên toàn thế giới, lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội.

Nguồn: Báo Công Thương
Quảng cáo sản phẩm