ACFTA – Động lực tăng cường hoà nhập kinh tế khu vực
18/01/2010 12:25
Ngày 7/1/2010, tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, diễn ra lễ kỷ niệm sự kiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được thiết lập đầy đủ.
Phát biểu trước ngày thành lập Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (1/1/2010), ông Jayant Menon nhà kinh tế hàng đầu của Văn phòng Hợp nhất kinh tế khu vực thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói: “ACFTA này được trông đợi rất nhiều, nhưng không nên trông đợi vào tác động lớn của thỏa thuận này vì Trung Quốc và ASEAN đã phải trải qua một chặng đường dài trong suốt 8 năm qua (được phát động năm 2002 với việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc. Tiếp đó Hiệp định về Thương mại hàng hóa (2005), Hiệp định về Thương mại dịch vụ (2006), Hiệp định về Đầu tư (2009) lần lượt được ký kết, hình thành ba trụ cột hợp tác trong ACFTA.)"
Ông cho biết thêm: "Tuy nhiên, ACFTA này có thể được coi là động lực thúc đẩy tăng cường hòa nhập kinh tế khu vực và là bàn đạp để hướng tới một thỏa thuận lớn hơn, thậm chí tới một thỏa thuận thương mại đa phương có liên quan tới cả những nước không phải thành viên ASEAN dựa trên tinh thần không phân biệt đối xử”. Ông Menon cho rằng các cường quốc kinh tế khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ dự kiến cũng sẽ tham gia một khi ACFTA này được mở rộng.
Với gần 2 tỷ người tiêu dùng, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc là thị trường có quy mô lớn nhất thế giới. Về GDP, với 2.000 tỉ đô la Mỹ, khu vực mậu dịch tự do này còn kém Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ, Liên hiệp châu Âu. Nhưng điều đáng nói là khu vực này bao gồm các nền kinh tế được coi là năng động, đầy tiềm năng đang hướng tới thiết lập vị thế mới của mình trong kinh tế thế giới.
Theo các số liệu thống kê chính thức, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt tới 231,1 tỷ USD năm 2008 so với 19,5 tỷ USD năm 1995. Đặc biệt trong 4 năm qua, hoạt động thương mại đã tăng gấp đôi với việc ký kết các thỏa thuận về trao đổi hàng hóa, dịch vụ và một hiệp ước về khuyến khích đầu tư liên khu vực. Theo thỏa thuận, mức thuế bắt đầu giảm từ năm 2005 và hơn 7.000 mặt hàng thương mại được quy định sẽ được miễn thuế từ 1/1/2010. Liên tục từ năm 1992, ASEAN là bạn hàng lớn thứ năm của Trung Quốc. Với Việt Nam, cả ASEAN và Trung Quốc hiện đang là các đối tác thương mại hàng đầu. Tổng giá trị thương mại với các nước này chiếm tới 35% tổng kim ngạch thương mại của nước ta với thế giới
Tuy nhiên, theo ông Menon, tự do đầu tư sẽ mang lại nhiều lợi ích thật sự hơn so với tự do thương mại. Ông nói: “Nếu các nhà đàm phán có thể nhanh chóng hoàn tất một thỏa thuận đầu tư và làm các thỏa thuận này trở nên minh bạch và công khai thì chúng có thể mang lại lợi ích đáng kể. Chúng ta có thể cải thiện luồng đầu tư từ bên ngoài cũng như ở trong khu vực”. Ông Menon cho rằng Trung Quốc hiện là nước đầu tư lớn trong khu vực và có nhiều cơ hội để phân bổ đầu tư trong khu vực.
Điểm lại đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước ASEAN đạt 2,18 tỷ USD năm 2008, từ mức 230 triệu USD năm 2003. Trong khi đó, đầu tư thực của ASEAN vào Trung quốc đạt tổng cộng 5,46 tỷ USD năm 2008, so với con số 2,93 tỷ USD năm 2003.
Như vậy, theo Ông Menon cho rằng ACFTA này sẽ không sớm sinh lời. Trước mắt, các nước gia nhập ACFTA sẽ mất chút phí điều chỉnh và cũng sẽ vấp phải một số phản đối. Nhưng về lâu dài, ACFTA này sẽ mang lại lợi ích như nhiều cộng đồng nông nghiệp có thể được lợi bằng cách chuyên môn hóa các loại hàng hóa khác nhau và buôn bán hàng hóa hai chiều trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông dẫn chứng những lợi ích như vậy trong hoạt động kinh doanh nông phẩm giữa Trung Quốc và Thái Lan trong khuôn khổ một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước. Như theo số liệu công bố của Ban Thư ký ASEAN, chỉ khoảng 7% thương mại song phương được hưởng lợi từ cắt giảm thuế. Con số này của Việt Nam là trên 9%, đứng sau Thái Lan 11%. Theo ông Menon, một khu vực châu Á hợp nhất sẽ phải mất tới ít nhất 3 thế hệ mới tiến tới một liên minh kinh tế theo mô hình của Liên minh châu Âu (EU). Ông nói: “Theo một số cách, các nước châu Âu có các xu hướng hợp nhất vì có quá nhiều điểm chung và nhiều động lực kinh tế để gắn kết các nước với nhau. Trong khi đó, châu Á lại là một khu vực quá đa dạng nên không dễ gì hình thành được một thỏa thuận hợp nhất sâu rộng kiểu liên minh kinh tế”.
Các nước như Indonesia, Singapore và Trung Quốc là những nền kinh tế hoàn toàn khác nhau về cơ sở dân số, cơ cấu kinh tế. Menon nêu ví dụ sự luân chuyển lao động - một nhân tố quan trọng đối với bất kỳ mô hình liên minh kinh tế nào - là một vấn đề phức tạp ở châu Á và rất khó giải quyết trong một sớm một chiều. Ngoài ra, còn phải giải quyết tính cạnh tranh của các nước thành viên. Khác với EU, các nước châu Á có vốn và giá nhân công khá tương đồng và sẽ phải mất thời gian để làm thay đổi điều này.
ACFTA càng có ý nghĩa hơn, giữa lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu còn chưa kết thúc và làn sóng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng khi các nước đang phát triển dễ bị tổn thương hơn do các nền kinh tế của họ còn yếu ớt.Trong bối cảnh đó, không còn nghi ngờ gì nữa ACFTA sẽ giúp tăng khả năng của các nền kinh tế trong khu vực giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitswan cho rằng ACFTA sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên và góp phần đưa nền kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái. Nó cũng giúp tăng cường hội nhập và trao đổi văn hóa trong khu vực, cũng như sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước thành vien ASEAN. Ông Pitswan nói thêm, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN bao trùm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường và nhiều lĩnh vực khác mà ACFTA sẽ tạo thêm đà cho sự hợp tác toàn diện này giữa hai bên.
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)