ACFTA: Nỗi lo cạnh tranh hàng Trung Quốc trên thị trường nội địa
25/01/2010 12:00
Từ ngày 1/1/2010, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) bắt đầu có hiệu lực và đây cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu giảm thuế cho một số hàng hóa từ Trung Quốc.
Đến năm 2015, khoảng 90% dòng hàng Trung Quốc sẽ có thuế suất từ 0% đến 5%. Một số nhà sản xuất trong nước lo ngại hàng rẻ của Trung Quốc sẽ vào Việt Nam qua cửa chính và tràn ngập thị trường trong nước. Trong khi hàng biên mậu, tức mặt hàng bình dân, kém chất lượng sẽ tìm cách vào cửa sau, tác động đến sản xuất nội địa. Dù ở kịch bản nào, thách thức với hàng Việt Nam là vô cùng lớn, Việt Nam có bảy tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc. Ở các địa phương này, hình thức buôn bán biên mậu (chưa tính đến buôn lậu và gian lận thương mại) rất phổ biến.
Do đó, trong nhiều năm qua và cả những năm sắp tới, sức hút của việc thay đổi các chính sách thương mại, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu do ACFTA mang lại, với Việt Nam nói riêng có thể chưa tác động lớn bằng việc thay đổi các chính sách buôn bán biên mậu, mà vừa qua phía Trung Quốc đã chủ động thay đổi liên tục.
Trong các báo cáo về tình hình thương mại Việt - Trung, Bộ Công Thương luôn cho rằng biên mậu có vai trò quan trọng trong việc tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng, tháo gỡ khó khăn cho những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhưng chất lượng chưa cao. Và qua con đường biên mậu, việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất cũng diễn ra sôi động. Trong giai đoạn 2006-2008, hoạt động thương mại biên giới qua bảy tỉnh biên giới Việt - Trung không ngừng tăng về giá trị tuyệt đối, bình quân mỗi năm trên 40%. Thống kê năm 2008 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua đường tiểu ngạch chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Sở dĩ kênh mua bán này phát triển với tốc độ nhanh như vậy chủ yếu là do thói quen, tập quán buôn bán của doanh nghiệp hai nước nhiều năm qua. Hơn nữa, hình thức giao thương nơi cửa khẩu có những cách làm dễ dàng hơn xuất qua đường chính ngạch vì thủ tục đơn giản, chỉ cần khai báo hải quan. Đồng thời, cách mua bán này ít chịu các hình thức kiểm dịch khắt khe nên chi phí thấp, hoặc chỉ chịu các loại phí biên mậu.
Trên thực tế, hàng Trung Quốc vào Việt Nam từ trước đến nay qua cả hai con đường, chính thức và con đường biên mậu. Nhờ cả hai con đường đó hàng Trung Quốc có thể cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, cạnh tranh mạnh với nhà sản xuất, nhà cung cấp ngay trên “sân nhà”, làm khó cho các doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Khi con đường chính thức tăng lên do giảm thuế họ vẫn cạnh tranh được mà chẳng cần phải đi đường biên mậu nữa. Nhưng dù sao con đường biên mậu vẫn hữu hiệu với họ vì biên mậu nó giúp cho doanh nghiệp nhỏ hơn của Trung Quốc- những đơn vị không có được chất lượng hoặc cách làm ăn lớn như các doanh nghiệp lớn- vẫn có thể tiếp cận thị trường Việt Nam. Họ vẫn có thể qua các cửa khác nhau để qua Việt Nam được bằng con đường biên mậu. Đường biên mậu với cách làm không chính thức đó càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam và giảm được nhiều chi phí cho công ty Trung Quốc.
Tới năm 2015, 90% dòng thuế đánh vào hàng Trung Quốc ở mức 0 - 5% sẽ là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong 5 năm nữa, nhiều doanh nghiệp khi phải trực diện với hàng Trung Quốc vào Việt Nam sẽ không dễ gì cạnh tranh nổi vì thời gian 5 năm có thể không đủ cho họ nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi khả năng này phụ thuộc một phần vào doanh nghiệp, phụ thuộc vào môi trường kinh doanh, vào điều kiện phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Các điều kiện phát triển hiện nay có nhiều mặt chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thực tế không thể nào bỏ qua. Trong khi, Chính phủ Trung Quốc đã có nỗ lực rất lớn và có các chính sách rất khôn ngoan để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, vị thế của họ có thể luôn luôn là tốt hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam.
Việc sử dụng các công cụ tự vệ hay các hàng rào phi quan thuế, phi thương mại không dễ dàng. Trong những năm qua không ít lần báo chí Việt Nam đưa tin một số sản phẩm Trung Quốc chứa chất độc hại. Nhưng ở Việt Nam để có đủ bằng chứng chứng minh sữa nhập từ Trung Quốc có thể đang gây tác hại cho người tiêu dùng là vấn đề không dễ dàng. Ở Việt Nam, trên thực tế những hàng rào kỹ thuật còn rất thiếu vắng. So với các nước khác tham gia thương mại toàn cầu lâu năm và có kinh nghiệm hơn hàng rào kỹ thuật của họ cao hơn rất nhiều, chặt chẽ hơn rất nhiều. Và rất là tinh vi để họ có thể bảo vệ cho thị trường nội địa. Nhưng Việt Nam chưa có được những công cụ tương ứng như vậy. Ngoài ra, thủ tục hành chính đôi khi làm Việt Nam phản ứng chậm trễ.
Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc thống kê được các yêu cầu mà phía Trung Quốc hay áp dụng như: hoa quả chỉ được qua cửa khẩu Lào Cai hoặc Tân Thanh (Lạng Sơn), cao su chỉ đi qua Móng Cái hoặc Lục Lầm, thủy hải sản chỉ đi qua Móng Cái. Theo đó, mức phí biên mậu cũng được thay đổi theo từng thời điểm, mùa vụ và cách thức kiểm dịch lỏng hay chặt cũng để kiểm soát việc xuất nhập khẩu.
Kể từ đầu năm 2008 đến nay, một loạt các chính sách biên mậu của Trung Quốc đã thay đổi, ví dụ như hình thức thương mại biên giới tiểu ngạch không còn được hưởng ưu đãi mà thay vào đó là nâng hạn mức miễn thuế (giảm đến 50% thuế suất thông thường cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam) nhưng chỉ áp dụng đối với hình thức trao đổi buôn bán cặp chợ biên giới và chỉ cư dân các tỉnh giáp biên được hưởng.
Đối với thị trường Việt Nam vấn đề là làm sao để hàng Trung Quốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không thể nhập khẩu, cũng như phải có hàng rào kiểm tra chất lượng an toàn sản phẩm. Đồng thời, có lẽ cũng không ngoài những cố gắng nhằm hợp lý hóa sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và cung cách phục vụ khách hàng. Ngoài ra, theo các chuyên gia, cũng cần khuyến khích tiêu dùng nội địa, mở rộng chủng loại hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn.
Cho dù các cơ quan chức năng vẫn cần phải ra tay mạnh hơn trong cuộc chiến với hàng lậu, hàng giả Trung Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đoàn kết để tìm ra giải pháp cạnh tranh và cũng là để tồn tại trong điều kiện “chung sống” với hàng Trung Quốc.
Nguồn: Báo công thương điện tử
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)