Ấn Độ gỡ thuế xuất khẩu gạo đồ: Thị trường toàn cầu đứng trước cơ hội hạ giá
25/10/2024 07:09
Vừa qua, Ấn Độ bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ, dự kiến nguồn cung toàn cầu sẽ tăng, tạo áp lực giảm giá lên các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Thái Lan.
Ngày 22/10/2024, Chính phủ Liên bang Ấn Độ chính thức ban hành lệnh bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ, nhằm giải quyết tình trạng hàng tồn kho tăng vọt và chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu sau đợt mưa gió mùa lớn. Động thái này diễn ra sau khi chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống 10% vào tháng trước để khuyến khích xuất khẩu.
Ngoài gạo đồ, lệnh mới cũng bãi bỏ thuế xuất khẩu 10% đối với gạo lứt xay xát và thóc gạo. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung gạo từ Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Trước đó, vào tháng trước, Chính phủ Ấn Độ cũng đã cho phép xuất khẩu trở lại gạo trắng (không phải basmati), với giá sàn được đặt ra là 490 đô la Mỹ mỗi tấn.
Theo các chuyên gia quốc tế, quyết định này có thể làm giảm giá gạo trên thị trường quốc tế. Ông Dev Garg, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ, nhận định rằng việc bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ cho thấy sự tự tin của chính phủ về vụ mùa sắp tới. Với việc nguồn cung từ Ấn Độ tăng lên, các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá để cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ông BV Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo nước này, nhấn mạnh rằng việc miễn thuế xuất khẩu gạo đồ sẽ tạo cơ hội cho các nước nhập khẩu, đặc biệt là những quốc gia châu Phi vốn rất nhạy cảm về giá, tăng cường mua gạo từ Ấn Độ.
Bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu mà còn có khả năng tác động tích cực đến giá gạo toàn cầu, đặc biệt là khi các quốc gia nhập khẩu đang tìm kiếm các nguồn cung cấp ổn định và giá cả phải chăng. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia xuất khẩu lớn, buộc họ phải điều chỉnh giá và chiến lược xuất khẩu của mình.
Với quyết định này, Ấn Độ không chỉ khẳng định vị thế của mình trong ngành xuất khẩu gạo mà còn đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia đối thủ trong việc duy trì thị phần trên thị trường quốc tế.
Nguồn: Báo Công Thương
Các tin khác
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD09) (21/04/2025)
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD07) (21/04/2025)
- Bắc Kinh cảnh báo các nước không được ký thỏa thuận thương mại với Mỹ gây tổn hại cho Trung Quốc (21/04/2025)
- Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: 'Trong nguy luôn có cơ' (21/04/2025)
- ‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường mới khi chuyển hướng (21/04/2025)