Áp dụng C/O mẫu E trong Hiệp định ACFTA năm 2011: Những điểm mới
09/02/2011 12:00
Ngày 29/10/2010, tại Hội nghị cấp cao ASEAN- Trung Quốc lần thứ 17 diễn ra tại Hà Nội, các Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) đã ký kết Nghị định thư sửa đổi Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ (OCP) thuộc Hiệp định thương mại hàng hóa (TIG) trong Hiệp định ACFTA.
Kỳ I: Về việc cấp C/O
Một số nước thành viên như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan cùng với Trung Quốc bắt đầu thực hiện Quy tắc sửa đổi này kể từ ngày 1/1/2011.Đây là kết quả đàm phán trong hơn 2 năm qua của Việt Nam cùng với các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định trong Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ thuộc Hiệp định thương mại hàng hóa trong Hiệp định ACFTA cho phù hợp với thực tiễn và phát triển của thương mại tự do trong khu vực này.
Việc sửa đổi những quy định này sẽ góp phần tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tháo gỡ những khó khăn, bất cập thường gặp phải trước đây như các quy định không chấp nhận C/O có hóa đơn do nước thứ ba phát hành, C/O giáp lưng, không được phép đi kiểm tra xuất xứ (khi có nghi ngờ) tại nước cấp C/O. Quy định sửa đổi này cũng góp phần thúc đẩy trao đổi kim ngạch thương mại hai chiều, nâng cao hiệu quả sử dụng Hiệp định thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định ACFTA, mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp của nước thành viên hiệp định này.So với Quy tắc thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ trước đây, Quy tắc sửa đổi có một số điểm mới đáng lưu ý:
Về số lượng các bản sao của C/O Mẫu E
Theo quy định mới, C/O mẫu E chỉ bao gồm một bản gốc và hai bản sao các-bon, so với quy định trước đây là một bản gốc và ba bản sao các-bon. Các màu dùng trong C/O mới tương tự như màu của C/O trước đây, trong đó, bản gốc có màu be và các bản sao còn lại có màu xanh nhạt.
Mỗi C/O mẫu E mang một số tham chiếu riêng do Tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu quy định. Bản gốc do Người xuất khẩu gửi cho Người nhập khẩu để nộp cho cơ quan Hải quan Bên nhập khẩu tại cảng hoặc nơi nhập khẩu. Bản sao thứ hai do Tổ chức cấp C/O mẫu E Bên xuất khẩu lưu. Bản sao thứ ba do Người xuất khẩu lưu. Theo quy định OCP cũ, ngoài 2 bản sao nói trên, một bản sao khác sẽ được gửi cùng với bản gốc cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu. Sau khi nhập khẩu sản phẩm, cơ quan Hải quan nước nhập khẩu sẽ đánh dấu thích hợp vào ô số 4 của bản sao này và gửi cho Tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu trong thời gian thích hợp. Như vậy, so với quy định trước đây, việc loại bớt một bản sao đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho cơ quan Hải quan, tránh những rắc rối về việc không tuân thủ trên thực tế như đã xảy ra hiện nay.
Thời điểm cấp C/O
Về thời điểm cấp C/O, theo quy định mới, C/O mẫu E có thể được cấp trước hoặc cấp vào thời điểm xuất khẩu. Trường hợp ngoại lệ khi C/O mẫu E không được cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc sau 3 ngày tính từ ngày xuất khẩu, theo yêu cầu của nhà xuất khẩu, C/O mẫu E có thể được cấp sau phù hợp với quy định của Bên xuất khẩu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hàng được chất lên tàu. Trong trường hợp đó, nhà nhập khẩu hàng hóa đã khai báo xin hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa đó có thể nộp C/O mẫu E cấp sau cho cơ quan Hải quan Bên nhập khẩu, phù hợp với quy định của Bên nhập khẩu.
Theo quy định trước đây, tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu chỉ được cấp C/O vào thời điểm xuất khẩu hoặc vào một thời gian ngắn sau đó. Quy định cũ này, trên thực tế đã gặp phải vướng mắc trong một số trường hợp khi nhà xuất khẩu muốn được cấp C/O trước thời điểm xuất khẩu để tạo thuận lợi cho việc gửi hồ sơ, chứng từ cho nhà nhập khẩu làm thủ tục trước khi hàng cập cảng, hoặc gây một số khó khăn, tranh cãi cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu khi phát hiện một số C/O được nước xuất khẩu cấp trước ngày xuất khẩu. Do vậy, việc áp dụng quy định mới sẽ góp phần tạo thuận lợi hóa thương mại, phù hợp với sự phát triển của thương mại trong khu vực hiện nay.
C/O giáp lưng (Back-to-back C/O)
Đây là quy định nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đặc biệt trong các trường hợp chia tách lô hàng, bán một phần lô hàng vào nước nhập khẩu trung gian, phân phối tiếp một phần lô hàng sang các nước thành viên khác trong chuỗi phân phối hoặc chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu hoặc chuỗi sản xuất. Bằng quy định này, hàng hóa có xuất xứ trong khu vực duy trì được tình trạng xuất xứ của nước xuất khẩu ban đầu, tránh được tình trạng mất xuất xứ tại nước thành viên trung gian bằng cách cho phép tổ chức cấp C/O của nước trung gian được cấp C/O giáp lưng.
Trước đây, OCP cũ trong Hiệp định ACFTA không có quy định về C/O giáp lưng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình thương mại quốc tế, trong đó sự mở rộng các loại hình phân phối, sự phát triển của các trung tâm logistics và sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động thương mại trung gian nên nhu cầu về việc bảo toàn xuất xứ khu vực để được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khu vực FTA là hết sức cần thiết. Do vậy, việc sử dụng C/O giáp lưng là điều không còn mới mẻ đối với nhiều nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan và thậm chí là cả Việt Nam trong những năm gần đây.
Trước thực trạng trên, trong quá trình đàm phán các FTA, các nước ASEAN đã yêu cầu và đàm phán thành công việc áp dụng quy định C/O giáp lưng trong hầu hết các Hiệp định FTA của ASEAN nội khối hoặc giữa ASEAN với đối tác như Hiệp định AFTA, AJCEP, AANZFTA, AKFTA, AIFTA. Cho đến thời điểm trước khi hoàn tất việc đàm phán sửa đổi OCP với Trung Quốc, duy nhất OCP của Hiệp định ACFTA chưa có quy định này. Các nước ASEAN cho rằng, việc đưa quy định này vào là hết sức cần thiết để thúc đẩy phát triển thương mại trong khu vực ACFTA, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng thương mại như yêu cầu đặt ra của các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc.
Phía Trung Quốc, mặc dù cho rằng nước này ít sử dụng quy định này, cũng như lo ngại về khả năng gian lận thương mại nhưng sau đó cũng chấp nhận đề xuất của ASEAN sau khi được đảm bảo bằng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ tối đa trường hợp này để phòng ngừa những gian lận xuất xứ có thể xảy ra.
Theo quy định của OCP mới, nước thành viên trung gian có thể cấp C/O giáp lưng nếu có đề nghị cấp C/O giáp lưng của Người xuất khẩu khi hàng hoá đang được vận chuyển qua lãnh thổ của Bên đó, với điều kiện:
- Người nhập khẩu của nước thành viên trung gian phải đồng thời là Người xuất khẩu đề nghị cấp C/O giáp lưng tại nước thành viên trung gian đó;
- Người đề nghị cấp C/O giáp lưng phải xuất trình C/O mẫu E bản gốc còn hiệu lực;
- C/O giáp lưng phải bao gồm một số thông tin như tên Tổ chức cấp C/O mẫu E gốc, ngày cấp và số tham chiếu của C/O mẫu E gốc. Trị giá FOB ghi trên C/O giáp lưng phải là trị giá FOB của hàng hoá xuất khẩu từ nước thành viên trung gian;
- Số lượng hàng hóa ghi trên C/O giáp lưng không vượt quá số lượng ghi trên C/O mẫu E gốc.
Trong quy định mới này, C/O giáp lưng của Trung Quốc sẽ do Cơ quan Hải quan nước này cấp. C/O giáp lưng của các nước thành viên ASEAN sẽ do Tổ chức cấp C/O của các nước ASEAN cấp. Thời hạn hiệu lực của C/O giáp lưng được tính từ ngày cấp C/O giáp lưng đến ngày hết hạn của C/O mẫu E gốc. Để đảm bảo xuất xứ của hàng hóa được kiểm soát, tránh gian lận thương mại về xuất xứ cũng như ngăn ngừa sự đánh tráo hàng, hàng hoá tái xuất khẩu sử dụng C/O giáp lưng phải nằm trong kiểm soát của cơ quan Hải quan nước thành viên trung gian. Hàng hóa không trải qua bất kỳ công đoạn nào khác tại nước thành viên trung gian, ngoại trừ việc tái xếp hàng và các hoạt động hậu cần phù hợp.
Thủ tục kiểm tra đối với C/O giáp lưng trong những trường hợp có nghi vấn cũng được áp dụng tương tự với quy trình kiểm tra các C/O thông thường khác. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan Hải quan nước nhập khẩu có thể đồng thời yêu cầu nước xuất khẩu đầu tiên và nước trung gian cung cấp thông tin liên quan đến C/O mẫu E gốc và C/O giáp lưng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, bao gồm tên của nhà xuất khẩu đầu tiên, nhà xuất khẩu cuối cùng, số tham chiếu, mô tả sản phẩm, nước xuất xứ, cảng dỡ hàng.
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)