Bị ‘vạ lây’ trong điều tra phòng vệ thương mại và cách hàng Việt ứng phó để bảo vệ mình

13/11/2023 02:37 - 37 lượt xem

Mỹ đang gia tăng điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có cả Việt Nam, điều đó là hết sức bình thường trong thương mại thế giới. Điều quan trọng vẫn là cách doanh nghiệp ứng phó để bảo vệ mình.

 

Rủi ro “được cho phép”

 

Mới đây, Bộ Công thương đưa ra danh sách gồm 18 sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó có một số mặt hàng nổi bật thuộc nhóm ngành như gỗ, thép, nhôm, pin mặt trời, xe đạp điện...

 

Hàng Việt hiện tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với hàng nội địa Mỹ vì khối lượng gia tăng do hàng hoá từ các nước đối thủ như Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp không thể xuất khẩu sang nước này. Các công ty Trung Quốc khi bị áp thuế sẽ dịch chuyển đầu tư, sản xuất sang Việt Nam, dẫn đến lượng xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng.

 

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh về lao động, nguyên liệu, chi phí sản xuất thấp hơn Mỹ rất nhiều, nên có lợi thế cạnh tranh so với hàng hoá sản xuất tại đây và gia tăng được lượng bán.

 

Nhưng theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Trưởng Văn phòng Công ty Luật ID Việt Nam, đôi khi hàng hoá Việt Nam cũng bị “vạ lây”, tức doanh thu hoặc kim ngạch rất nhỏ nhưng các doanh nghiệp Mỹ khởi kiện do muốn phòng ngừa các trường hợp dịch chuyển thương mại.

 

Tức khi họ điều tra các quốc gia có nguy cơ trực tiếp với mình, họ sợ các nhà sản xuất đó sẽ chuyển sang Việt Nam, ví dụ như Trung Quốc vì khoảng cách với Việt Nam rất gần. Với những vụ việc như vậy, họ sẽ ghép Việt Nam vào luôn, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam rất nhỏ và dường như không có nguy cơ cao.

 

“Nhưng một công khởi xướng thì họ sẽ đưa Việt Nam vào trong danh sách đó. Đó cũng lý giải một số mặt hàng như mắc áo, mật ong... cũng gặp vụ kiện cùng với quốc gia khác. Sắp tới chúng ta cũng gặp vụ mới là sản phẩm nhôm”, luật sư Thảo nói.

 

Ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ châu Âu – châu Mỹ, cho biết trong những năm gần đây, cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ, tần suất điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam từ thị trường này cũng gia tăng.

 

Tính tới thời điểm hiện nay, điều tra phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ chiếm 24% (tương đương 55/231 vụ việc) trong tổng số vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài.

 

Các mặt hàng Việt Nam đối diện với vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cũng rất đa dạng, từ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như đồ gỗ, thuỷ sản, pin mặt trời, máy xịt rửa áp lực cao, thép... cho đến những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, túi dệt.

 

Với việc Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta, phía doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rằng khi xuất vào Hoa Kỳ, bắt buộc các doanh nghiệp phải quan tâm đến những rủi ro về phòng vệ thương mại. Bởi đây là những rủi ro “được cho phép” theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi chơi trên sân chơi của đội bạn.

 

Giảm thuế tới vài chục % nhờ chuẩn bị tốt

 

Từ những năm 2002, Việt Nam đã phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến cá tra, cá basa và sau đó đến tôm. Về cơ bản, các doanh nghiệp Việt Nam đều hợp tác điều tra và cố gắng để đạt được mức thuế thấp nhất có thể.

 

Theo Luật sư Nguyễn Phương Thảo, với các doanh nghiệp đầu tư vào việc kháng kiện, sau đó mức thuế áp với Việt Nam đối với các ngành nghề đều ở mức chấp nhận được.

 

Điển hình như ID Việt Nam đã đại diện cho một doanh nghiệp sản xuất lốp xe có vốn đầu tư nước ngoài trong vụ điều tra chống bán phá giá năm 2020. Đó cũng là vụ việc hiếm hoi mà doanh nghiệp Việt Nam đạt được mức thuế 0% ngay trong điều tra ban đầu. Sau đó Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã không áp thuế với ngành hàng này của Việt Nam, trong khi các quốc gia khác vẫn bị áp thuế rất cao với cùng vụ việc, như Hàn Quốc (14,72% - 27,05%), Đài Loan (20,04% - 101,84%), Thái Lan (từ 14,62% - 21,09%).

 

Luật sư Thảo cho biết, doanh nghiệp lốp xe họ chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Từ khi có manh nha thông tin về việc có thể bị điều tra, công ty đã liên hệ với luật sư để xác định xem mình có phải bị đơn bắt buộc (bị đơn tính thuế cho cả ngành) hay không. Sau khi xác định là bị đơn bắt buộc, trước khi khởi xướng điều tra, họ đã cùng luật sư vào chuẩn bị số liệu. Trong khi doanh nghiệp thông thường chỉ có 30 ngày để chuẩn bị cho bảng trả lời, thì họ đã có khoảng thời gian chuẩn bị thêm 2 tháng.

 

“Ít nhất chúng tôi đã có 3 vòng tập dượt số liệu, để khi lấy số liệu ra cung cấp cho DOC đã có 3 vòng kiểm tra đi, kiểm tra lại. Do đó khi DOC tiến hành điều tra, họ không phát hiện sai sót nào và quá trình điều tra diễn ra thuận lợi. Chúng tôi tính toán được trước biên độ bán phá giá của doanh nghiệp để thông báo cho họ và chúng ta cần giữ vững biên độ đó và cuối cùng cũng đạt được.

 

Doanh nghiệp lốp xe có vốn đầu tư nước ngoài nên họ có chiến lược chuẩn bị, ứng phó với điều tra rất tốt.. Bởi khi xuất khẩu, nếu có thông tin khởi kiện thì chắc chắn khách hàng đã thông báo, nhưng phía doanh nghiệp Việt Nam đôi khi hay rơi vào thế bị động, ‘chờ khởi xướng rồi mới tính’ hoặc ‘chắc gì mình đã bị lựa chọn điều tra’. Sự bị động như vậy dẫn đến thời gian chuẩn bị số liệu, nghiên cứu phương án biện hộ eo hẹp, dẫn đến lợi ích khó bảo toàn tối đa”, Luật sư Thảo nêu ví dụ.

 

Nguồn: Tạp chí Doanh nhân trẻ

Quảng cáo sản phẩm