Cá tra gặp khó tại thị trường Braxin
12/04/2011 12:00
Đầu năm nay, Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi cơ quan thẩm quyền Braxin có những thay đổi về thủ tục nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam.
VASEP vừa có công văn đề nghị NAFIQAD làm việc với cơ quan thẩm quyền Braxin, yêu cầu họ chấp nhận để nhà nhập khẩu được bổ sung giấy điều chỉnh giá trị hợp đồng và chỉ nhập khẩu đúng sản lượng đã xin phép cho phù hợp với tình hình thực tế khi nhập khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này.
Braxin là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Braxin gần 16.000 tấn cá tra đạt kim ngạch 34 triệu USD, cả giá trị và khối lượng xuất khẩu đều tăng trên 70% so với năm 2009. Tuy nhiên, đầu năm nay, doanh nghiệpxuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi cơ quan thẩm quyền Braxin có những thay đổi về thủ tục nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam.
Trước đây, khi làm thủ tục nhập khẩu cá tra Việt Nam vào Braxin, nhà nhập khẩu cần có hợp đồng mua bán và báo giá từ doanh nghiệp Việt Nam, sau thời gian 3 ngày nhà nhập khẩu sẽ có được giấy phép nhập khẩu. Thời gian kể từ khi nhà nhập khẩu xin giấy phép nhập khẩu đến khi mở L/C hoặc chuyển tiền cho doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất đơn hàng chỉ mất tổng cộng 1 tuần.
Tuy nhiên, từ tháng 2 năm 2011, theo quy định mới của cơ quan thẩm quyền Braxin, các nhà nhập khẩu Braxin phải mất từ 60 tới 120 ngày để có được giấy phép nhập khẩu cá tra Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu kéo dài đã gây khó khăn cho cả nhà nhập khẩu Braxin và doanh nghiệpxuất khẩu cá tra Việt Nam vì khi có được giấy phép nhập khẩu thì giá cá tra xuất khẩu đã chênh lệch rất nhiều so với hợp đồng ký trước đó. Cơ quan thẩm quyền Braxin chỉ chấp nhận cho nhập khẩu cá tra Việt Nam với khối lượng và giá trị đã được ghi trong giấy phép nhập khẩu và không chấp thuận bất kỳ sự thay đổi về giá trị đơn hàng trong hợp đồng đã ký với thời điểm nhập khẩu chính thức.
Điều đáng chú ý là cơ quan thẩm quyền Braxin chỉ kéo dài thời gian cấp phép nhập khẩu đối với mặt hàng cá tra trong khi các nhà nhập khẩu Braxin chỉ mất 3 ngày để có giấy phép nhập khẩu các loài thủy sản khác từ Trung Quốc. Việc làm này đồng nghĩa với việc ngăn chặn cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Braxin.
Braxin vốn nhập khẩu nhiều sản phẩm thủy sản với khối lượng lớn như cá tuyết, cá mòi, cá tuyết meluc và cá hồi, cá tra nhưng nước này đang có kế hoạch giảm kim ngạch nhập khẩu, trong đó có cá tra và tăng sản lượng nuôi nội địa thêm trên 50% trong những năm tới. Tuy nhiên, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Braxin hiện vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 33% tổng sản lượng thủy sản, năm 2010 đạt khoảng 500.000 tấn, giảm so với 524.000 tấn của năm 2009, đứng thứ 18 thế giới. Mục tiêu của nước này là nằm trong số 10 nước dẫn đầu vào năm 2015 khi sản lượng nuôi dự kiến đạt 1 triệu tấn. Bộ trưởng Khai thác và Nuôi trồng thủy sản Braxin đang lên kế hoạch nâng mức tiêu thụ thủy sản bình quân hằng năm lên 12kg/người vào năm 2015, so với mức dự kiến 9kg/người năm 2011.
Theo nghiên cứu tiêu thụ thủy sản mới đây của Bộ Khai thác và Nuôi trồng thủy sản Braxin, mức tiêu thụ thủy sản bình quân hằng năm của nước này hiện khoảng 9,03 kg/người. Tiêu thụ thủy sản bình quân năm 2003 đạt 6,46 kg/người, tăng 49,8% trong vòng 7 năm. Tuy nhiên mức tiêu thụ này vẫn dưới mức khuyến cáo của FAO (12 kg/người).
Do chi tiêu cho thực phẩm của người tiêu dùng tăng nên ngành bán lẻ tại Braxin ngày càng phát triển mạnh. Doanh thu bán lẻ tăng 10,5% từ năm 2007 đến năm 2009. Trong giai đoạn suy thoái nhẹ tại Braxin, doanh thu bán lẻ đã nhanh chóng tăng trở lại và tăng mạnh hơn dự kiến, nhất là với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tăng của những người có thu nhập thấp.
Năm 2008, tiêu thụ thủy sản đông lạnh của nước này đạt giá trị 268,8 triệu BRL (đồng real Braxin), tương đương 38,8 triệu USD, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm là 10,3% tính từ năm 2003. Dự kiến đến cuối năm 2013, thủy sản đông lạnh sẽ đạt giá trị 393,3 triệu BRL (203,1 triệu USD), tăng 7,9%/năm từ năm 2008-2013, với khối lượng 9.483.359 tấn, tăng 6,5%/năm.
Braxin hiện chủ yếu tiêu thụ thủy sản đông lạnh, trong đó thủy sản dạng nguyên liệu chiếm 63% tổng giá trị, sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chiếm 2,5% thị phần. Quá trình đô thị hoá và sự biến động dân số cũng làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm tiện lợi. Thực phẩm Châu Á (gồm cả sushi) ngày càng được ưa chuộng tại Braxin.Leardini Pescados LTDA là công ty đứng đầu trên thị trường, chiếm 26% thị phần.
Nguồn: Báo công thương điện tử
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)