Các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024

10/01/2024 01:42 - 19 lượt xem

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, như: Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định; Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại; Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm…

 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 12 ước đạt 63,54 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.

 

Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

 

Năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,78 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 83 tỷ USD giảm 12,6% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 61,67 tỷ USD, tăng 6,4% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đồng thời, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%.

 

Xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 8,7%, ước đạt 7,86 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 6,7%..., cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng.

 

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể:

 

Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

 

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam…

 

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

 

Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 1335 “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại”, góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta sang thị trường Hoa Kỳ.

 

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường, phát huy hiệu quả do các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với như CPTPP, EVFTA, RCEP... Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, cơ hội giao thương nhằm tăng thị phần tại thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa.

 

Tăng cường hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch,...

 

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm thông qua tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam kỳ thứ 9 năm 2024, triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở trong nước và nước ngoài và các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu ở 3 cấp độ thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ các tổ chức mà Bộ Công Thương là thành viên như: Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, Diễn đàn xúc tiến thương mại châu Á (ATPF) để củng cố và khẳng định vai trò tham gia của Bộ tại các hoạt động đa phương; tiếp tục thúc đẩy ký kết các Biên bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được khởi động đàm phán hoặc đã thống nhất nội dung với Cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài (Úc, Chi-lê…).

 

Tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường và hoạt động nâng cao năng lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

 

Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật.

 

Nguồn: Tạp chí Thương hiệu và Công luận

Quảng cáo sản phẩm