Các hãng tàu bất ngờ miễn cước vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc
12/06/2024 09:49
Trong khi cước tàu biển từ Trung Quốc về Việt Nam tăng lên 5 lần thì cước chiều ngược lại được đưa về 0.
Ngày 11-6, ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A (TP HCM), cho biết cước tàu biển từ Việt Nam sang Mỹ, châu Âu đều đang tăng mạnh so với tháng 3, mức tăng phổ biến khoảng 2 lần.
Theo đó, cước tàu sang châu Âu khoảng 7.800 – 8.000 USD/container 40 feet và sang Mỹ từ 5.900 - 6.800 USD/container 40 feet. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam bởi đây là thị trường xuất khẩu trọng điểm.
"Tăng nóng nhất là cước tàu biển từ Trung Quốc về Việt Nam với mức tăng khoảng 5 lần. Từ 100 – 200 USD đã lên mức 800 – 900 USD/container 40 feet. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí nhập hàng của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, cước tàu chiều ngược lại, từ Việt Nam sang Trung Quốc thì về 0. Hãng tàu chỉ thu phụ phí địa phương (local charges)" – ông Long nêu.
Lý giải về hiện tượng lạ này, ông Long cho hay phía Trung Quốc đang hút container rỗng về để doanh nghiệp của họ chủ động trong việc xuất khẩu. "Thay vì tốn tiền chuyển container rỗng, hãng tàu đưa chính sách cước 0 đồng để thu được phụ phí" – ông Long phân tích.
Cũng theo ông Long, hiện nay là giai đoạn thấp điểm xuất nhập khẩu hàng hóa trên thế giới nên việc cước tàu tăng là không bình thường. Nguyên nhân do xuất khẩu từ Trung Quốc đột biến do lo ngại bị Mỹ tăng thuế trong thời gian tới. Doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao để có container rỗng và được vận chuyển sớm. Ngoài ra, cước tàu còn chịu ảnh hưởng của kẹt cảng tại Singapore và xung đột tại Biển Đỏ.
"Sau đợt xuất khẩu ồ ạt này của Trung Quốc, giá cước tàu có thể hạ nhiệt nhưng sau đó sẽ là mùa tựu trường, mùa mua sắm cuối năm nên cước tàu sẽ khó giảm sâu" - Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A dự báo.
Nguồn: Báo Người Lao động
Các tin khác
- Mỹ dự định áp thuế lên tới 3.521% đối với pin Mặt Trời từ Đông Nam Á (22/04/2025)
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD09) (21/04/2025)
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD07) (21/04/2025)
- Bắc Kinh cảnh báo các nước không được ký thỏa thuận thương mại với Mỹ gây tổn hại cho Trung Quốc (21/04/2025)
- Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: 'Trong nguy luôn có cơ' (21/04/2025)