Cần có cơ chế giám sát gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam

28/05/2021 12:00 - 193 lượt xem

Gần đây thị trường gạo trong nước xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về sản xuất, thậm chí có tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu với giá cao. Nhiều ý kiến quan ngại nếu không có giải pháp kịp thời có thể ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của gạo Việt khi xuất khẩu.

Cảnh báo tình trạng giả mạo xuất xứ gạo Việt

Mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam của một doanh nghiệp tại Hà Nội (đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái). Đáng nói là dù tờ khai hải quan của lô hàng này có xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ từ lô hàng gạo xuất khẩu thuộc tờ khai số 3038... Theo khai báo của doanh nghiệp này, lô gạo xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhưng qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết có nghe thông tin nhưng chưa có báo cáo cụ thể cũng như chưa xác định những doanh nghiệp nào đang thực hiện nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam.

Tuy vậy, trên thực tế theo thống kê Hải quan, kể từ đầu năm 2021 tới tháng 4/2021 đã có trên 180.000 tấn các loại được nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam. Cũng theo Hải quan, giá CIF đối với gạo Indian Swarna 5% tấm tại cảng Hải Phòng là 426 USD và tại cảng Cát Lái là 423 USD/tấn. Đối với gạo IR64 của Ấn Độ, giá CIF lại cảng Hải Phòng và 318 USD và tại cảng Cát Lái là 315 USD/tấn.

Sở dĩ gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam có xu hướng tăng được nhiều doanh nghiệp lý giải là do theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).

Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021 (71% số dòng thuế vào 2018, và 9% số dòng thuế vào 2021), 10% số dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024). Riêng đối với sản phẩm gạo, theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của AIFTA, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%. Trong khi đó, giá 2 loại gạo này của Ấn Độ hiện chỉ ở mức khoảng 388 USD/tấn và 273 USD/tấn (theo biểu giá gạo được công bố bởi VFA), thấp hơn trên 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam đang giao dịch trên sàn thế giới. Đây có thể là nguyên nhân gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng tăng lên trong thời gian qua.

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE - cho biết, mặc dù doanh nghiệp nhập khẩu lý giải rằng lượng gạo này chủ yếu để làm bánh, bún… do nguồn cung trong nước thiếu hụt. Tuy nhiên, có một số đã đánh bóng, rồi pha trộn thêm gạo trắng Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với xuất xứ Việt Nam. “Kể từ tháng 4/2021 đã có một số nhà nhập khẩu tại Trung Đông đã phản ánh với chúng tôi về việc gạo trắng của Việt Nam gần đây rất xấu, cũ, chất lượng chỉ ở mức tương đương với gạo Ấn Độ. Cùng với đó khách hàng này đã đề xuất sau tháng 6/2021 sẽ không đặt đơn hàng mới với chúng tôi vì lo ngại mua phải gạo Ấn Độ mạo danh xuất xứ Việt Nam” - ông Có chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV - cho rằng, gần đây thị trường xuất hiện nhiều lời mời chào hàng mua gạo Ấn Độ với giá rất rẻ, trong khi đó giá gạo của Việt Nam hiện được bán với giá tương đối cao. Tuy nhiên Phước Thành đã từ chối vì cần bảo vệ lợi ích của chính người trồng lúa Việt Nam.

Đề xuất có hàng rào thương mại

Trước tình trạng trên, để bảo vệ ngành lúa gạo trong nước cũng như tránh tình trạng gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Văn Thành đề xuất, Nhà nước nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng về việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ như khối lượng bao nhiêu, nhập với mục đích gì…

“Tôi đồng ý rằng, đã theo sân chơi hội nhập thì việc giảm thuế quan là tất yếu và chúng ta phải đi theo quy luật đó. Tuy nhiên, để hình ảnh gạo Việt không ảnh hưởng thì Nhà nước cần sớm vào cuộc thông qua cấp hạn ngạch nhập khẩu chẳng hạn” - ông Thành mong mỏi.

Cùng chung ý kiến này, một số thương nhân cũng kiến nghị cần có cơ chế giám sát đối với gạo nhập khẩu để tránh tình trạng nhập nhèm về xuất xứ làm ảnh hưởng tới uy tín của gạo Việt Nam trong mắt các nhà nhập khẩu.

“Hiện Ấn Độ đang ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh nên việc nhập khẩu từ thị trường này cũng dấy lên quan ngại dịch bệnh cho Việt Nam và chúng ta nên có hình thức kiểm dịch Covid như phía Trung Quốc đã làm với hàng đông lạnh của Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ về kinh doanh trong nước cần được giám sát hoặc kiểm hóa tất cả lô hàng nhập về để đảm bảo minh bạch. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm nên rút giấy phép để răn đe” - ông Phan Văn Có nêu ý kiến.

Trong phiên chào bán gạo xuất khẩu ngày 24/5, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 493-497 USD/tấn và gạo 100% tấm ở mức 423-427 USD/tấn. Trong khi đó gạo cùng loại của Ấn Độ được chào bán có giá lần lượt là 388-392 USD/tấn và 273-277 USD/tấn, thấp hơn tới trên 100 USD/tấn so với gạo Việt Nam.
Quảng cáo sản phẩm