Cần ngay một giải pháp vẹn toàn cho ngành đường

05/02/2021 12:00 - 126 lượt xem

Các chuyên gia cũng khuyến nghị việc cần phải triển khai ngay mức thuế chống bán phát giá (CBPG) hợp lý với mía đường nhập khẩu.

"Đường ngoại" tiếp tục gia tăng cùng những dấu hiệu lẩn tránh PVTM

Trong tháng 11/2020 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu vẫn tiếp tục gia tăng đột biến. Tổng lượng đường nhập khẩu trong tháng 11 là 171.369 tấn, lớn hơn lượng đường nhập khẩu bình quân hàng tháng trong 9 tháng trước khi có quyết định 2466/QĐ-BCT là 116.353 tấn.

Đáng chú ý là sự tăng trưởng đột biến của đường nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia và Indonesia. Trong khi đó Malaysia là quốc gia không trồng mía còn Indonesia và Campuchia là các quốc gia phải nhập khẩu đường để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây có thể là các dấu hiệu của lẩn tránh PVTM dù mới chỉ trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường.

Bên cạnh đó, trong tháng 11 cũng như trong tháng 12, tình hình đường nhập lậu gia tăng tần suất và phương thức hoạt động khi giá đường bắt đầu phục hồi. Thông tin từ hồ sơ Hải quan cho thấy hoạt động nhập khẩu đường qua các cửa khẩu biên giới An Giang tăng đột biến về lượng với những dấu hiệu bất thường khi giá khai báo nhập khẩu thấp hơn giá nhập khẩu bình quân tại các cửa khẩu khác, thậm chí thấp hơn giá bán xuất khẩu tại Thái Lan, do văn phòng hội đồng đường Thái Lan (OCSB) công bố, điều chưa bao giờ xảy ra.

Giá đường nội địa có tăng nhẹ nhưng vẫn thấp nhất trong khu vực

Giá đường trong tháng 12 có cải thiện một chút so với tháng 11, tuy nhiên so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp nhất.

Việc cạnh tranh không bình đẳng với đường nhập khẩu bán phá giá, đường lậu đã khiến nông dân, doanh nghiệp gặp khó. Giá mía nguyên liệu thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất.

Cần áp thuế PVTM hợp lý

Niên vụ 2020-2021, một số doanh nghiệp đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân, tăng giá thu mua mía nguyên liệu, song giá đường vẫn đang bị kiềm hãm ở mức thấp gây sức ép lớn lên ngành này.

Trước tình trạng cấp thiết trên, nhiều chuyên gia đã nhận định áp thuế PVTM là lựa chọn hợp lý, kịp thời để chống bán phá giá, hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm mang lại sân chơi bình đẳng cho thị trường mía đường nội địa. Bởi, Việt Nam hội nhập nhưng cũng yêu cầu các nước trong ATIGA cần chơi đúng luật, cạnh tranh công bằng.

Tuy nhiên, PVTM ở mức bao nhiêu là hợp lý? Nếu thuế cao, giá đường sẽ lên cao. Nông dân bán mía với gía tốt, tăng thêm thu nhập.

Đối với doanh nghiệp, giá tăng sẽ giúp tăng doanh thu, mở rộng sản xuất, có động lực đầu tư dài hạn, bài bản cho khoa học, công nghệ. Nhưng người tiêu dùng, và những ngành nghề chế biến dùng đường làm nguyên liệu sẽ phải trả nhiều vì giá đường tăng lên; tuy nhiên, điểm cộng bù lại là chất lượng đường tốt hơn với giá ổn định hơn.

Ngược lại, nếu áp thuế thấp, giá đường sẽ tăng không đáng kể. Nông dân và nhà sản xuất đường sẽ phải chịu áp lực về chi phí khi thu nhập từ đường và mía không đủ bù đắp. Về lâu dài tình trạng này sẽ đẩy đường nội đi vào ngõ cụt, đường ngoại độc chiếm và thao túng thị trường dẫn đến việc loạn giá bán. Khi đó khó chồng khó, không chỉ với doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn với cả những người làm chính sách.

Vì vậy, để dung hoà lợi ích của tất cả các bên và nhằm bảo vệ ngành sản xuất đường trong nước, mới đây, trong văn bản gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM đã đề xuất mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chênh lệch giữa đường tinh luyện và đường thô ở mức tối thiểu là 15%.

Đồng quan điểm với đề xuất này, PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM, nhận định: Mức thuế PVTM giữa đường trắng và đường thô nên chênh lệch ở mức 15-17% là đảm bảo hài hoà các lợi ích của nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng và ngăn được đường lậu tràn vào thị trường nội địa, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập nói chung và phát triển ngành mía đường nói riêng để đóng góp vào GDP cả nước.

Bên cạnh việc áp dụng PVTM "đúng mức - đúng lúc - đúng luật", Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các chính sách đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ canh tác, sản xuất sẽ giúp ngành mía đường hồi phục, giữ vững sản xuất và đứng vững khi cạnh tranh quốc tế.
Nguồn: Cafef
Quảng cáo sản phẩm